Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
HĐND tỉnh khoá X nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 10 nghị quyết chuyên đề thuộc các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch đầu tư công, tài nguyên - môi trường, giáo dục - đào tạo, an sinh - xã hội và biên chế với tỷ lệ tán thành cao.
Tại kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khoá X nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 10 nghị quyết chuyên đề thuộc các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch đầu tư công, tài nguyên - môi trường, giáo dục - đào tạo, an sinh - xã hội và biên chế với tỷ lệ tán thành cao. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.
Quản lý và sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả
HĐND tỉnh khoá X vừa thông qua 3 nghị quyết liên quan lĩnh vực đầu tư công tại kỳ họp chuyên đề vừa qua. Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 cũng như điều chỉnh chủ trương đầu tư, thời gian bố trí vốn đối với một số dự án đầu tư công là cần thiết, nhằm quản lý và sử dụng vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, đúng quy định pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như nguyện vọng cử tri.
Đơn cử, đối với nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng đường Bời Lời (đoạn từ ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Đại Đồng), đây là mong mỏi của đông đảo cử tri trong những năm qua. Qua các kỳ tiếp xúc cử tri và các kênh thông tin khác, nhiều cử tri thành phố Tây Ninh kiến nghị nâng cấp, mở rộng. Lý do, khu vực này dân cư đông, tập trung trường học, chợ, khu hành chính phường và là trục chính kết nối trung tâm thành phố Tây Ninh đến Khu du lịch núi Bà Đen- với lượng xe lưu thông rất lớn, thường xuyên bị ùn ứ vào dịp lễ, tết. Vỉa hè tuyến đường chưa được đầu tư; chưa hoàn thiện hệ thống thoát nước; hệ thống cáp quang, đường dây điện chằng chịt, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Ông Đặng Hoàng Chương- Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải cho biết, HĐND tỉnh khoá X thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng đường Bời Lời (đoạn từ ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Đại Đồng) là hết sức cần thiết. Dự án này có ý nghĩa quan trọng để hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh, mở rộng tuyến kết nối với các trục đường chính là 30.4, Điện Biên Phủ và ĐT.784. Quy mô đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng đường Bời Lời (đoạn từ ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Đại Đồng) có tổng chiều dài trên 5,1 km, điểm đầu tại ngã ba Lâm Vồ giao với đường 30.4 và điểm cuối tại ngã tư Đại Đồng giao với đường ĐT.784. Mặt đường rộng 23m, 6 làn xe, vỉa hè rộng mỗi bên 4m; hoàn thiện hệ thống thoát nước, chiếu sáng và an toàn giao thông.
“Sau khi được đầu tư nâng cấp, mở rộng và chỉnh trang lại toàn bộ tuyến đường Bời Lời (đoạn từ ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Đại Đồng) sẽ cơ bản khắc phục được những vấn đề bất cập hiện tại và giúp bộ mặt Thành phố đẹp hơn; phục vụ nhu cầu vận chuyển, đi lại thuận lợi, góp phần phát triển du lịch địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Tây Ninh nói riêng và của tỉnh nói chung”- ông Đặng Hoàng Chương nhấn mạnh.
Cảnh ùn tắc thường thấy trên tuyến đường Bời Lời (đoạn từ ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Đại Đồng) trong dịp lễ, tết hằng năm (Ảnh: Vũ Nguyệt)
Điều chỉnh mức thu học phí phù hợp
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), tại kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2023 - 2024 đến năm học 2025 - 2026.
Trao đổi làm rõ hơn nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 52/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, nghị quyết được ban hành trên cơ sở thực hiện Nghị định 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo quy định của Nghị định 81, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 52 quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập với mức trần thấp nhất. Tuy nhiên, mức trần thấp nhất này cũng cao hơn rất nhiều so với mức thu cũ trước đây.
Cuối năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Trong nghị định này, Chính phủ nêu hai vấn đề, thứ nhất, “trường hợp HĐND tỉnh và các cơ sở giáo dục công lập đã ban hành khung học phí hoặc mức thu học phí năm học 2023-2024 theo quy định tại Nghị định số 81 với mức học phí tăng so với năm học 2021-2022 thì ngân sách địa phương bảo đảm phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm 2021-2022”. Trường hợp thứ hai, ngân sách địa phương không bảo đảm phần chênh lệch tăng thêm so với mức thu học phí năm 2021-2023 thì phải thực hiện điều chỉnh theo quy định. Còn tại khoản 1, Điều 1 Nghị định số 97 Chính phủ quy định “giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do HĐND tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương”.
Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 52/2023/NQ-HĐND ngày 20.7.2023 của HĐND tỉnh quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo đó, mức thu học phí từ năm học 2023-2024 trở về mức thu cũ của năm học 2021-2022.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phước cho biết thêm: “Hiện nhiều địa phương trên cả nước cũng thực hiện theo hướng này chứ không riêng tỉnh Tây Ninh”.
“Tháo điểm nghẽn” để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát
Trong 10 nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp chuyên đề lần này, có “Nghị quyết thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045” rất quan trọng và liên quan trực tiếp đến huyện Tân Biên.
Đại biểu Thành Từ Dũ- thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Bí thư Huyện uỷ Tân Biên cho biết: “Tân Biên là địa phương có thể nói là duy nhất của tỉnh và rất độc đáo của cả khu vực miền Nam, đó là huyện có hai cửa khẩu quốc tế (Xa Mát, Tân Nam) và nhiều cửa khẩu chính. Trong tổng thể phát triển các cửa khẩu, việc khai thác tiềm năng, thế mạnh về thương mại, kinh tế biên mậu hiện nay là vấn đề đặt ra đối với huyện Tân Biên và với tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt để xác định rõ vị trí pháp lý, định hướng phát triển, và góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn” để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát trong thời gian tới”.
Trong quy hoạch tổng thể của tỉnh, huyện Tân Biên được xác định phát triển về nông nghiệp. Hiện nay, phần lớn các sản phẩm mì của Tây Ninh xuất nhập khẩu chủ yếu qua cửa khẩu Xa Mát và Chàng Riệc trên địa bàn huyện Tân Biên. Điều đó phần nào cho thấy vị trí quan trọng của cửa khẩu Xa Mát trong Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đối với sản xuất nông nghiệp, sơ chế cũng như giao thương hàng hoá nông nghiệp từ Tây Ninh (Việt Nam) sang Campuchia và từ Campuchia về Việt Nam.
Đại biểu Thành Từ Dũ nhấn mạnh: “HĐND tỉnh thông qua nghị quyết này là một bước trong quy trình thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định và có ý nghĩa không chỉ đối với huyện, tỉnh đặt trong tổng thể cụ thể hoá nghị quyết của Trung ương về phát triển vùng Đông Nam bộ. Đây là một tín hiệu rất phấn khởi, là tin vui đối với đông đảo cử tri, nhân dân huyện Tân Biên. Ngay trước kỳ họp này, cử tri Tân Biên có một số ý kiến, kiến nghị, trong đó có ý kiến về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất khu vực biên giới và vướng mắc trong quy hoạch sử dụng đất, gây khó khăn trong phát triển hệ thống kho bãi phục vụ trung chuyển hàng hoá, lưu trữ hàng hoá xuất nhập khẩu. Khi quy hoạch này được phê duyệt, tin tưởng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trên, giúp khơi thông nguồn lực phát triển khu vực biên giới và kinh tế biên mậu”.
Phương Thuý