Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kinh doanh vận tải:
“Gồng mình” trong “mùa” dịch
Thứ hai: 00:27 ngày 06/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1.4.2020, trừ những trường hợp đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều chấp hành tốt, chưa có trường hợp vi phạm. Tuy nhiên về góc độ kinh tế, các doanh nghiệp đang phải “gồng mình” trước dịch Covid-19 khi phải tạm dừng hoạt động.

Bến xe khách Tây Ninh vắng vẻ vì các nhà xe, doanh nghiệp vận tải hành khách đều tạm ngưng hoạt động để tập trung phòng, chống dịch. Ảnh: Phương Thuý

Xe khách, xe hợp đồng, xe chở công nhân chấp hành tốt quy định

Tại 7 trạm kiểm soát phương tiện ra vào tỉnh do Thanh tra GTVT tỉnh lập từ ngày 1.4 để kiểm tra việc chấp hành quy định của các doanh nghiệp vận tải, những ngày qua trên các tuyến đường chính như quốc lộ 22, đường 782… không có trường hợp nào vi phạm.

Một thanh tra viên làm việc tại chốt Suối Sâu, quốc lộ 22, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng chia sẻ, không chỉ Tây Ninh mà các tỉnh khác cũng lập các chốt kiểm tra hoạt động vận tải hành khách theo chỉ thị của Chính phủ, nên các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải hành khách chấp hành nghiêm.

Sau khi Sở Giao thông Vận tải ra thông báo tạm dừng hoạt động tất cả các loại hình vận tải hành khách nội tỉnh và từ các tỉnh, thành phố khác đi, đến tỉnh Tây Ninh trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1.4.2020, trừ những trường hợp đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều chấp hành tốt, chưa có trường hợp vi phạm. Tuy nhiên về góc độ kinh tế, các doanh nghiệp đang phải “gồng mình” trước dịch Covid-19 khi phải tạm dừng hoạt động.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn- Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ bến Công ty CP Vận tải và Bến xe khách Tây Ninh, bến xe khách Tây Ninh có trên 40 tuyến cố định và tuyến lẻ đi đến các tỉnh, thành phố thuộc miền Đông, miền Tây Nam bộ, miền Bắc, đó là chưa kể tuyến cố định Tây Ninh - An Sương (TP. Hồ Chí Minh).

Tất cả các tuyến này đều đã dừng khai thác từ 6 giờ sáng ngày 31.3, chấp hành nghiêm túc việc ngừng khai thác các tuyến vận tải hành khách theo chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải. Đối với xe buýt liên tỉnh và nội tỉnh cũng đã ngừng khai thác từ ngày 28.3. Tất cả đều ưu tiên cho việc phòng, chống dịch, không vì nguồn thu mà làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của tỉnh, của đất nước. 

Phương Thuý

Một mặt, các doanh nghiệp cũng ý thức được tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Mặt khác, họ cũng sợ xe bị thu hồi phù hiệu kinh doanh nếu vi phạm. Trên đường chỉ có xe chở công nhân chứ không có xe chở khách theo hợp đồng, hay chở khách tuyến cố định.

Các xe chở công nhân đều chấp hành đúng quy định của Sở GTVT, mỗi xe chở không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/xe và ngồi cách hàng.

Các phương tiện cá nhân, xe vận chuyển hàng hoá vẫn lưu thông bình thường, hoàn toàn không có chuyện “ngăn sông, cấm chợ” như những gì mà dư luận đồn thổi.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Một doanh nghiệp vận tải tuyến cố định có quy mô lớn ở tỉnh cho biết, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, hoạt động vận tải hành khách của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do lượng hành khách giảm khá mạnh, trong khi phải cắt giảm số chuyến theo yêu cầu của ngành GTVT.

Đến ngày 1.4, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động nên khó khăn chồng chất khó khăn. Hơn 100 đầu xe phải đậu tại chỗ không hoạt động, tài xế phải tạm nghỉ không ít. Doanh nghiệp đã cố gắng hỗ trợ cho các tài xế phần nào để trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên xe không được chạy, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi cho ngân hàng, đây là một vấn đề hết sức nan giải. Doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục xin ngân hàng khoanh nợ nhưng không biết kết quả như thế nào, chỉ hy vọng dịch bệnh sớm chấm dứt để hoạt động trở lại, tình trạng này kéo dài e rằng khó lòng cầm cự.

Đại diện một doanh nghiệp taxi cho biết, đơn vị có hơn 300 đầu xe hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có khoảng 30 xe là của doanh nghiệp, còn lại là xe cá nhân ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Do phải tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp có chủ trương hỗ trợ cho tài xế mỗi người 50 ngàn đồng/ngày.

Riêng đối với các chủ xe hợp tác kinh doanh có vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp làm giấy xác nhận việc tạm dừng kinh doanh để các chủ xe liên hệ với ngân hàng xin khoanh nợ, giãn nợ. Bên cạnh đó, để bảo đảm xe hợp tác kinh doanh thực hiện nghiêm việc tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp tạm thời thu hồi phù hiệu xe taxi.

“Trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch bệnh, cán bộ quản lý của doanh nghiệp đã tự nguyện làm đơn xin không nhận lương, một số tài xế do tạm dừng hoạt động làm đơn xin nghỉ việc. Xe nằm yên, không hoạt động được cũng đành phải chấp nhận chứ không có cách nào khác cả, chỉ mong dịch bệnh sớm chấm dứt để doanh nghiệp và người lao động có công ăn việc làm ổn định”- vị đại diện doanh nghiệp taxi chia sẻ.

Đại diện một HTX xe buýt cho biết, sau khi có thông báo tạm dừng hoạt động vận tải bằng xe buýt, các thành viên của HTX đều chấp hành, đưa phương tiện về nhà. Tuy nhiên do hiện nay, mỗi xe đưa đón công nhân tại các khu công nghiệp chỉ được chở 20 người, nên HTX đã linh động điều động một số xe buýt sang hỗ trợ.

Theo một doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hàng hoá, dù không bị tạm ngưng nhưng hoạt động giảm khoảng 30% đến 40% so với trước đây, do lượng hàng hoá giảm đi nhiều, nhiều mặt hàng không có nhu cầu vận chuyển. 

Một khó khăn nữa đối với doanh nghiệp, các xe vận chuyển hàng hoá xuất khẩu sang Campuchia phải tăng chi phí vì phải chấp hành quy định của ngành Y tế mua đồ bảo hộ cho tài xế và phụ xe, đồng thời chi trả lương cho họ cao hơn để động viên tinh thần. Nếu dịch bệnh kéo dài, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, giờ chỉ hy vọng vào chủ trương khoanh nợ, giãn nợ của ngân hàng cho đến khi dịch bệnh chấm dứt.

Thay đổi tài xế tại cột mốc để xuất khẩu hàng hoá qua Campuchia tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh: Thế Nhân

Lượng hàng hoá xuất nhập khẩu giảm mạnh

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, kể từ ngày 19.3 (ngày áp dụng 3 phương án xuất nhập khẩu hàng hoá sang Campuchia) đến ngày 2.4, hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Mộc Bài vẫn thông quan sau khi các phương tiện chấp hành nghiêm các quy định của ngành Y tế.

Ông Hoàng Sỹ Hoan- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ - vận tải Đồng Tâm cho biết: “Trên 300 phương tiện xe khách và 18 phương tiện xe buýt của HTX đều đã ngưng hoạt động.

Hiện nay, chỉ còn phương tiện chở công nhân và xe tải của HTX hoạt động bình thường trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc quy định phòng, chống dịch. Các phương tiện đều được phun khử khuẩn, trang bị đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn, mỗi xe chở công nhân không quá 20 người/lượt, yêu cầu người ngồi trên xe đeo khẩu trang, ngồi giãn khoảng cách, thực hiện kê khai y tế.

Dự kiến tới đây, HTX sẽ phải tăng cường xe buýt để chở công nhân nhằm bảo đảm số lượt chở trong ngày theo khung thời gian làm việc của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp”. 

Mộc Miên

Tuy nhiên so với thời điểm trước đó, lượng phương tiện và hàng hoá xuất nhập khẩu giảm khoảng 60%.

Cụ thể từ ngày 19.3 đến ngày 2.4, số lượng phương tiện xuất khẩu hàng hoá là 3.188 xe với các mặt hàng như nguyên liệu sản xuất xe đạp, giày thể thao, xi măng, khí gas hoá lỏng…

Phương tiện nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam là 410 xe với các sản phẩm may mặc, xe đạp, móc treo quần áo…

Theo ngành chức năng, tình trạng này do một số doanh nghiệp tạm dừng xuất nhập khẩu hàng hoá khi chi phí tăng. Bên cạnh đó, khu vực giao nhận hàng hoá để thay đổi lái xe tại vị trí cột mốc có diện tích nhỏ nên việc sắp xếp bố trí các xe làm thủ tục thông quan hàng hoá chậm. Lực lượng Hải quan và các lực lượng chức năng có liên quan đã nỗ lực hết sức để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hoạt động được thuận lợi nhất; và thời gian qua không xảy ra ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh