Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Hành trình thứ hai” của rác thải nhựa
Thứ sáu: 13:49 ngày 20/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tháng 6.2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Đây là thông điệp rõ ràng của Việt Nam trong việc nỗ lực cùng thế giới nói không với rác thải nhựa.

Tại Tây Ninh, nhiều tổ chức đoàn thể đã có các hoạt động hưởng ứng phong trào này, như tái chế lốp xe, vỏ bao bì đựng thức ăn gia súc, đựng gạo đã qua sử dụng,… làm trò chơi cho thiếu nhi, phát cho người dân để đựng hàng hóa, thực phẩm mỗi khi đi chợ hay gây quỹ trao học bổng cho học sinh nghèo.

Hành trình thứ hai của lốp xe

Những chiếc lốp xe cũ được thu gom, sau đó tái chế lại thành cụm trò chơi dành cho trẻ em chính là chương trình "Hành trình thứ 2 của lốp xe" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Khu vui chơi trẻ em ở Trường mầm non Long Hải (Trường Tây, Hòa Thành) được tái chế từ lốp xe.

Chương trình này hiện cũng được Tỉnh đoàn Tây Ninh triển khai rộng khắp trong tỉnh. Anh Nguyễn Tiến Tân- Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh cho biết: “Khi nhận được kế hoạch của Trung ương Đoàn, chúng tôi đã nhanh chóng triển khai đến các cơ sở Đoàn, chủ yếu là xây dựng các sân chơi cho trẻ em.

Chúng tôi nhận thấy, những chiếc lốp xe sau khi mang về trang trí lại để làm các cụm trò chơi cho trẻ em rất hiệu quả. Thông qua chương trình "Hành trình thứ hai của lốp xe" chúng tôi rất muốn các bạn đoàn viên cùng tham gia để thực hiện phong trào hạn chế rác thải nhựa, cũng như xây dựng nhiều sân chơi bổ ích cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, biên giới”.

Hầu hết những chiếc lốp xe cũ đã qua sử dụng được các bạn đoàn viên, thanh niên tại các cơ sở Đoàn xin từ những hộ dân và các gara sửa chữa ô tô. Sau khi có lốp xe, công đoạn quan trọng nhất chính là chà rửa sạch sẽ và trang trí lại cho đẹp mắt, sau đó sẽ được sử dụng làm bồn hoa, xích đu, vừa giúp tiết kiệm được một phần chi phí, vừa trang trí cho không gian sống thêm đẹp.

Bồn hoa được tái chế từ lốp xe.

Đến nay mô hình này đã được 11 đơn vị thuộc 6 huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Trảng Bàng, Tân Biên và Hòa Thành thực hiện hiệu quả. Các huyện, thành phố còn lại cũng đang tiếp tục triển khai và nhân rộng.

Bao bì thành túi đi chợ

Bên cạnh việc tái chế lốp xe thì những chiếc bao bì đựng thức ăn chăn nuôi, phân bón,… cũng đã được các bạn đoàn viên, thanh niên xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu tái chế lại thành túi đi chợ và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.

Sau khi gia công bao bì thành túi xách, các bạn đoàn viên, thanh niên xã Bàu Năng còn cẩn thận dán thêm lên đó một tấm decal với dòng chữ "Nói không với túi nylon" với mục đích tuyên truyền, nhắc nhở người dân hạn chế sử dụng túi nylon trong những lần đi chợ. Sau đó, từng nhóm đoàn viên mang những chiếc túi này đến chợ để phát miễn phí cho người dân.

Bà Phan Thị Huyền, một người dân ở ấp Ninh Hiệp sau khi nhận được chiếc túi xách chia sẻ: “Sáng nay đi chợ tôi được mấy bạn đoàn viên cấp cho 1 cái túi như vậy để xách đi chợ, tôi thấy nó rất gọn, sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường mà còn có thể sử dụng được nhiều lần. Vì vậy, tôi đã yêu cầu người bán không đựng đồ của tôi vào túi nylon mà bỏ thẳng vào túi xách này”.

Với ưu điểm tiện dụng, đa dạng, giá thành thấp…, các loại túi nylon ngày càng được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi. Việc lạm dụng túi nylon quá mức đã dẫn đến những hệ lụy không nhỏ đối với môi trường cũng như sức khỏe con người. Đối với những chiếc túi xách làm từ bao bì của các bạn đoàn viên, thanh niên xã Bàu Năng, chỉ mất khoảng 5-10 năm đã có thể phân huỷ hoàn toàn, nên khá thân thiện với môi trường.

Người dân xã Bàu Năng đi chợ bằng túi tái chế.

Sau 2 tháng triển khai mô hình "nói không với túi nylon", cấp phát những chiếc túi xách làm từ bao bì cho người dân sử dụng mỗi khi đi chợ đã được người dân nhiệt tình ủng hộ, nên việc sử dụng túi nylon đã giảm đi rất nhiều.

Bà Phan Thị Hồng Tâm, một tiểu thương buôn bán tại chợ Bàu Năng cho biết: “Tôi làm nghề buôn bán trái cây, trung bình 1 tháng tôi sử dụng từ 3- 4kg túi nylon, tốn khoảng 90.000-120.000 đồng. Từ ngày thấy các bạn đoàn viên phát cho mỗi người một chiếc túi như vậy, tôi hạn chế sử dụng túi nylon với những loại trái cây khó gây dập. Tiết kiệm chi phí tôi cũng vui mà người dân đi chợ được phát túi cũng rất vui, mỗi khi đi chợ họ đều xách theo để đựng đồ ăn”.

Rác thải tiếp sưc đến trường

Một trong những mô hình được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đánh giá cao về công tác chung tay bảo vệ môi trường còn có thể gây quỹ học bổng giúp đỡ học sinh nghèo, phụ nữ khó khăn, đó là mô hình “Thu gom ve chai gây quỹ giúp phụ nữ và trẻ em nghèo” được Hội LHPN huyện Dương Minh Châu thực hiện trong thời gian qua. Đến nay đã có 11/11 hội phụ nữ xã, thị trấn triển khai thực hiện với 24 mô hình tiết kiệm xanh, gần 700 hội viên phụ nữ tham gia.

Hằng tháng, quý, các chị em tập hợp dọn dẹp vệ sinh, thu gom chai nhựa, giấy vụn và tập kết tại một điểm cố định. Cuối buổi sẽ mang số chai nhựa, giấy vụn thu gom bán cho các vựa ve chai. Số tiền thu được sẽ đóng góp vào Quỹ giúp phụ nữ và trẻ em nghèo của địa phương.

Theo Hội LHPN huyện Dương Minh Châu, việc triển khai thu gom rác thải nhựa, giấy vụn không chỉ giúp các cấp hội có thêm nguồn quỹ học bổng, quỹ giúp đỡ phụ nữ nghèo, mà qua đó còn giúp phụ nữ, trẻ em nâng cao ý thức tiết kiệm và bảo vệ môi trường ngay từ trong gia đình. Qua đó hạn chế đưa rác thải, đặc biệt là rác nhựa vứt bừa bãi ra môi trường.

Qua hơn 1 năm thực hiện mô hình, đến nay Hội LHPN các cấp huyện Dương Minh Châu thu được gần 30 triệu đồng, đã trao 46 suất học bổng cho trẻ em nghèo, khó khăn, tặng 66 phần quà cho phụ nữ nghèo; thăm, tặng quà cho các chị bị bệnh nan y, trẻ em khuyết tật.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục