Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, sẽ có rất ít doanh nghiệp đáp ứng được hết các điều kiện vay vốn của chính sách; và nhiều khả năng, nguồn vốn 16.000 tỷ đồng sẽ “đóng băng” tại ngân hàng.
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, khôi phục sản xuất (ảnh: công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Phước Đông).
Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu, nông nghiệp, thiết bị điện tử, dệt may… đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn chính sách này vẫn còn rất “khó”.
Gần 2 tháng chưa thể cho vay
Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành từ cuối tháng 4.2020, theo đó, doanh nghiệp, người sử dụng lao động được vay vốn lãi suất 0% để trả lương người lao động bị ngừng việc.
Đối tượng được vay vốn hỗ trợ gồm: người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Khanh- Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH), tính đến thời điểm hiện nay, dù ngân hàng đã rất sẵn sàng cho vay, song vẫn chưa nhận được hồ sơ của doanh nghiệp.
Quyết định số 15 của Chính phủ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để giữ nhân viên khi khởi động lại. Song, nhiều quy định về thủ tục. Doanh nghiệp phải chứng minh khó khăn về tài chính, các chứng chỉ hành nghề, giấy phép đầu tư… Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay lại không thoả mãn điều kiện quy định tại mục 1, Điều 13 của quyết định này.
Cụ thể, có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1.4 đến hết ngày 30.6.2020.
Ông H.X.H, chủ một doanh nghiệp hàng gia dụng tại thành phố Tây Ninh đặt vấn đề: “Như vậy, không lẽ để được vay tiền hỗ trợ, chúng tôi phải sa thải 20% nhân viên đang có ở công ty? Hay doanh nghiệp không đáp ứng một trong số các điều kiện trên đơn giản vì không trích lập quỹ dự phòng lương…
Đây là những quy định rất ngặt nghèo khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn này. Do đó, tôi cho rằng cần đơn giản hoá thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi thì chúng tôi mới có cơ hội vay được vốn hỗ trợ”.
Cần tháo gỡ ngay các vướng mắc
Có thể khẳng định, việc người lao động, doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn này không nằm ở nguồn tiền và thông tin bị hạn chế. Bởi lẽ, theo NHCSXH tỉnh, ngay sau khi quyết định trên có hiệu lực, NHCSXH Trung ương đã tập huấn hướng dẫn quy trình cho vay và các quy định, hướng dẫn, thủ tục cũng đã được NHCSXH tỉnh niêm yết công khai tại các điểm giao dịch.
Ông Hồ Văn Khanh- Phó Giám đốc NHCSXH cho biết thêm, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn thì hoàn thành hồ sơ theo hướng dẫn tại Quyết định số 15 hoặc hướng dẫn được niêm yết công khai tại các điểm giao dịch của NHCSXH, gửi đến Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện nơi doanh nghiệp đóng trụ sở để trình UBND huyện xem xét.
Sau đó, UBND huyện sẽ trình UBND tỉnh xem xét và ra quyết định. Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, NHCSXH sẽ giải ngân ngay. “Nguồn vốn của ngân hàng đã có ngay khi có quyết định của UBND tỉnh, phía NHCSXH sẽ xem xét và tiến hành giải ngân ngay”- ông Khanh khẳng định.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, vướng mắc do điều kiện cho vay “ngặt nghèo”. Thủ tục, hồ sơ, giấy tờ để chứng minh khá phức tạp khiến cho các doanh nghiệp ngại tiếp cận. Do đó, để gói hỗ trợ thực sự đi vào đời sống, đến tay người lao động, nhiều doanh nghiệp cho rằng cơ quan chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Ví dụ như cơ quan chức năng có thể căn cứ vào sổ bảo hiểm, doanh thu của doanh nghiệp, danh sách giám sát công nhân tại địa phương… để cho vay gói lãi suất 0%. Hoặc có thể căn cứ vào số lượng lao động bị ngừng việc, tình hình doanh thu của các công ty trong mấy tháng dịch bệnh là đủ cơ sở giải ngân cho vay.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, sẽ có rất ít doanh nghiệp đáp ứng được hết các điều kiện vay vốn của chính sách; và nhiều khả năng, nguồn vốn 16.000 tỷ đồng sẽ “đóng băng” tại ngân hàng. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế khách quan, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế trở lại sôi động, phục hồi khá nhanh. Do đó, các doanh nghiệp cải thiện được khả năng tài chính, các quyền lợi của người lao động.
Mới đây, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đề nghị NHCSXH có hướng dẫn về thủ tục hành chính và đơn giản hoá thủ tục, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay này.
Chính sách cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động của Chính phủ mang tính nhân văn cao. Việc vay vốn khắt khe chính là nhằm đưa chính sách đến đúng đối tượng, không bị trục lợi và lợi dụng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rút gọn thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho người vay vốn có điều kiện kinh doanh hiệu quả.
Vũ Nguyệt