Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sau hơn ba năm nâng cấp đô thị, đến nay trên địa bàn TP Tây Ninh, việc sắp xếp số nhà, tên hẻm vẫn còn nhiều bất cập. Trên một số tuyến đường, để tìm được đúng số nhà, tên hẻm muốn tìm, không ít người bị “hoa cả mắt”, “điên cả đầu”...
Cả hai con đường đều là hẻm số 6.
“HOA MẮT” VỚI SỐ NHÀ
Do đặc thù công việc, chúng tôi thường phải tìm đến nhà dân để xác minh đơn thư hoặc gặp gỡ, tiếp xúc với đương sự. Mỗi lần phải đi như thế ở thành phố Tây Ninh chúng tôi đều mướt cả mồ hôi, rảo tới rảo lui, gõ cửa nhiều lần mới tìm đúng nhà cần gặp. Mới đây, một người dân gửi đơn khiếu nại đến Toà soạn nhờ phản ánh một trường hợp người thân bị oan.
Dù người đứng đơn ghi rất rõ số nhà và tên đường Trần Hưng Đạo, ở phường 2, TP Tây Ninh, nhưng khi chúng tôi đứng trước căn nhà có số trùng khớp với số ghi trong đơn hỏi thăm thì chủ nhà bất ngờ, vì trong gia đình không có ai gửi đơn khiếu nại, tố cáo gì cả. Chúng tôi phải gọi điện thoại nhiều nơi, vận dụng nhiều mối quan hệ, cuối cùng mới tìm được người đứng đơn. Hoá ra, số nhà ghi trong đơn là số nhà cũ, mà nhà cũ ấy cũng không có gắn số.
Cũng trên địa bàn TP Tây Ninh, một doanh nghiệp in trên nhiều tấm băng-rôn khổ rộng quảng cáo chuẩn bị khai trương sự kiện thương mại. Lần theo địa chỉ trên băng-rôn, chúng tôi tìm đến doanh nghiệp này để nắm thêm thông tin. Khi tìm đến mới hoá ra không phải trụ sở của doanh nghiệp mà là nhà của một hộ dân. Và số nhà của người dân này cũng là số cũ, không có gắn bảng số nhà mới. Trong khi, trụ sở của doanh nghiệp kia cách căn nhà nọ cả trăm mét. Thực tế, không chỉ ở các đường phố nội thành, ở các xã nông thôn ngoại thành cũng có rất nhiều căn nhà không gắn bảng số hay chỉ gắn một bảng số mới, hoặc một bảng số cũ, khiến mỗi lần đi tìm địa chỉ chúng tôi muốn “điên cả đầu”.
Có lần, tôi chứng kiến một nhân viên bưu điện đưa thư đến nhà một người dân ở khu phố 1, phường 2, TP Tây Ninh. Nhân viên này căn cứ theo địa chỉ ghi trên phong bì và đưa thư cho người ra nhận thư rồi vội vàng đi ngay. Xem kỹ địa chỉ ghi trên bì thư, chủ nhà thấy đúng là số nhà của mình, nhưng họ tên người nhận thì… lạ hoắc. Trên bì thư còn ghi rõ là thư khẩn cấp nên người “lỡ” nhận thư không dám mở ra mà cũng không biết phải xử lý ra sao. Rốt cuộc, ông đành để lá thư trên bàn mà trong lòng cứ thấp thỏm không yên, vì biết rằng người gửi và người thật sự cần nhận đang bị thất lạc thông tin lẫn nhau.
Liên quan đến chuyện số nhà, một người dân địa phương kể câu chuyện cười ra nước mắt: “Mấy năm trước, ở phường 3, trong căn nhà số 41 có người bị bệnh dịch cúm gia cầm H5N1, cần đưa đi bệnh viện chữa trị. Nhưng khi xe cấp cứu đến nơi thì trong gia đình này không có ai mắc bệnh. Nguyên nhân, do trùng số nhà. Không rõ người cần chữa trị trong trường hợp này có được cấp cứu hay không?!”.
Hai hộ dân ở sát bên nhau, nhưng số nhà ghi tên hai hẻm khác nhau.
“ĐIÊN ĐẦU” VỚI TÊN HẺM
Chuyện số nhà là như thế, còn việc đặt tên hẻm ở một số tuyến đường không rõ được thực hiện theo quy định, trình tự ra sao, càng khiến người đi tìm nhà trong hẻm “đau đầu” hơn. Cụ thể như đường Nguyễn Trọng Cát, thuộc địa bàn phường Hiệp Ninh (TP Tây Ninh), được nâng cấp, mở rộng và hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn một năm nay. Thế nhưng, hiện tại, ai có đi tìm địa chỉ hộ gia đình nào đó ngụ dọc hai bên con đường này mới thấm thía nỗi vất vả vì tên hẻm.
Dọc hai bên con đường này có không ít con hẻm “trùng tên” với nhau. Lạ lùng hơn, từ phía giao lộ với đường Cách Mạng Tháng Tám đi vào đến cuối đường, cả hai bên đường đều là hẻm mang số lẻ, như hẻm số 1, 1A, 3, 3A, 7, 9, 15, 17, 19. Trong đó, có đến 8 hẻm trùng hai số và liền kề với nhau. Cụ thể như có tới 4 con hẻm mang số 17 và 4 con hẻm mang số 19.
Tương tự như thế, trên đường Nguyễn Chí Thanh, thuộc phường 3, TP Tây Ninh có một con hẻm số 6. Ngay tại giao lộ với đường Nguyễn Chí Thanh, có lắp đặt một bảng tên hẻm ghi “hẻm số 6”. Ở đây chưa có gì để nói, nhưng đi theo hẻm này vào khoảng 200 mét, phía bên trái có một hẻm nhỏ, chiều ngang khoảng 4 mét, tráng bê tông xi măng đàng hoàng, ngay đầu hẻm nhỏ gắn 2 tấm bảng đều mang dòng chữ “hẻm số 6”. Hai bảng này vuông góc với nhau, gắn trên cùng một trụ sắt.
Một bảng chỉ theo chiều dọc của hẻm lớn, hẻm số 6, bản còn lại chỉ vào nhánh rẽ đường bê tông xi măng. Đáng nói hơn, từ vị trí này đi vào khoảng 200 mét nữa, lại có một nhánh rẽ tương tự ở phía bên phải. Tại đầu nhánh rẽ này lại có hai bảng cùng ghi “hẻm số 6” (?!).
Đi tiếp một đoạn khoảng 800 mét, đến giao lộ với đường Phạm Văn Xuyên. Qua “ngã tư” đường Phạm Văn Xuyên vẫn tiếp tục là hẻm số 6, nhưng trên đoạn hẻm này, nhiều hộ dân để bảng số nhà và tên đường 3.2. Qua giao lộ với đường 3.2 đến hẻm số mấy… không rõ, vì có một số hộ gia đình nhà gắn bảng số nhà và tên hẻm số 59, trong khi nhiều hộ còn lại gắn bảng số nhà và tên hẻm số 67. Có trường hợp căn nhà sát cạnh nhau, nhưng nhà bên này gắn bảng số nhà hẻm số 67, còn nhà bên kia gắn bảng số nhà hẻm số 59 (?).
Hỏi thăm người dân địa phương, có người bảo đây là hẻm 67, người kia “cãi” là hẻm 59. Người thứ ba cho rằng gọi hẻm này là 67 hay 59 đều đúng, vì số hẻm cũ đã được đổi số hẻm mới, nhưng người dân thì ghi tên hẻm cũ, hẻm mới “búa xua”.
Có thể đối với những người dân địa phương thì việc để tên hẻm cũ hay mới không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, nhưng đối với những người làm công việc liên quan đến số nhà, tên hẻm thì đây là một vấn đề không đơn giản.
Ông Nguyễn Tấn Phong- Phó Giám đốc Bưu điện Tây Ninh chia sẻ: “Trong công tác chuyên môn, các nhân viên bưu tá đều được phân công phụ trách địa bàn cụ thể. Dù đã rất thông thuộc địa bàn, hầu hết anh em đều rất mệt với việc tìm kiếm địa chỉ, vì hiện tại, số nhà cũ và số nhà mới được người dân sử dụng chồng chéo lên nhau. Có nhiều gia đình đã đổi sang số nhà mới nhưng trong trí nhớ “vẫn chỉ có số nhà cũ” nên ghi địa chỉ nhận thư từ, bưu phẩm cứ theo số cũ. Trong khi đó, hầu hết các gia đình chỉ gắn số nhà mới mà không chú thích số nhà cũ, nên gây khó khăn rất nhiều trong việc giao bưu”.
Một đường Nguyễn Trọng Cát, có đến 4 hẻm mang số 19 liền kề với nhau.
GIẢI QUYẾT RA SAO?
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này, anh Trần Hữu Ngọc, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị TP Tây Ninh- người phụ trách việc quản lý số nhà, số hẻm, cho biết: Năm 2008- 2009, thị xã (nay là thành phố) Tây Ninh cho triển khai lắp đặt số nhà mới đồng loạt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc này lại thiếu sự chỉ đạo nhất quán, rõ ràng đến từng hộ dân, nên kết quả còn tuỳ thuộc vào ý thức của từng hộ dân. Gia đình nào có ý thức thì gắn bảng số nhà mới có chú thích số nhà cũ, có nhiều gia đình chỉ gắn bảng số nhà mới, và cũng có không ít hộ không gắn số nhà mới, vẫn để nguyên số nhà cũ.
Về việc tên hẻm ở hẻm số 6, anh Ngọc cho biết, việc gắn tên hẻm này do đơn vị thi công chưa bàn giao nên Phòng nắm không rõ. Sắp tới Phòng sẽ kiểm tra và cho sửa chữa lại đúng theo quy định.
Cụ thể như ở “hẻm số 6” đường Nguyễn Chí Thanh, phải ghi thêm thông tin vào phía dưới dòng chữ “hẻm số 6” là “nhánh rẽ số 1”, “nhánh rẽ số 2” v.v... Sau đó, Phòng mới nghiệm thu. Việc gắn tên hẻm trên đường Nguyễn Trọng Cát, anh Ngọc cũng thừa nhận gắn như thế là với sai so với quy định. Theo quy định, từ hướng Đông sang hướng Tây, từ phía trên xuống phía dưới, một bên gắn số nhà, số hẻm theo “số chẳn”, bên ngược lại phải gắn theo “số lẻ”. “Chúng tôi sẽ kiểm tra và cho lắp đặt lại tên hẻm trên đường này cho đúng”- anh Ngọc nói.
Đại Dương