Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bài viết của Tổng Bí thư rất sâu sắc, đề cập tới nhiều vấn đề liên quan, nhiều ý nghĩa, tác dụng của việc học tập suốt đời.

-Bàn Dân nè, hơi bị lâu mình mới gặp lại, tôi có chuyện này rất muốn nói với ông, nhưng tôi cứ sợ ông… cười tôi!
-Ông nói gì lạ vậy, ông có chuyện “muốn nói”, tức là muốn chia sẻ, tâm tình với Bàn Dân, lẽ nào Bàn Dân có thể “cười” ông được! Sao, có gì cứ nói đi, đừng ngại?
-Phải nói là mình có tuổi rồi, về hưu rồi mới hiểu rõ ý nghĩa của câu “học tập suốt đời” đó ông…
-À, ra là vậy. Chuyện nghiêm túc như vậy, mà ông nói ra lại sợ… bị cười. Xin lỗi vì đã xen ngang lời ông, ông nói tiếp cho Bàn Dân nghe đi.
-Vâng, số là tôi vừa đi họp tổ chức “hội cựu” ở xã mình về, tại cuộc họp mấy anh cán bộ Hội triển khai bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Đảng ta lưu trong điện thoại cầm tay, xong rồi chuyển bài ấy vào nhóm Zalo của anh em trong Hội.
Còn mình thì… tuy cũng có điện thoại cầm tay, nhưng nói thiệt là chưa biết xài ứng dụng nào cả, nên phải nhờ một ông đồng đội mang điện thoại của ổng ra tiệm phô-tô nhờ in ra giấy, đem về nhà mới xem kỹ được. Sau khi đọc đi đọc lại mấy lần bài viết của người đứng đầu Đảng ta tôi mới hiểu rõ, mới thấm thía ý nghĩa của câu “học tập suốt đời” đó.
-Vâng, bài viết của Tổng Bí thư rất sâu sắc, đề cập tới nhiều vấn đề liên quan, nhiều ý nghĩa, tác dụng của việc học tập suốt đời. Ông “thấm thía” nhất là chỗ nào, có còn nhớ để kể lại cho Bàn Dân nghe không?
-Dĩ nhiên là phải nhớ chứ. Nhưng tôi đâu có thuộc, để tôi lấy bản in ra đọc ông nghe nhen. Đây rồi, đoạn này là tôi thấm thía nhất đây: “Đã có nhiều tấm gương tiêu biểu là nông dân, người lao động, cán bộ, giáo viên tích cực tự học, sáng tạo trong lao động, công tác, có nhiều đóng góp cho cộng đồng; nhiều tấm gương tiêu biểu trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có nhiều nghiên cứu, sáng kiến, giải pháp hiệu quả mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn, trong sản xuất và đời sống; nhiều người lớn tuổi nhờ tự học, tự nghiên cứu, áp dụng kiến thức, kinh nghiệm để sản xuất đã giúp gia đình thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hoá mới và đóng góp cho kinh tế xã hội ở địa phương.
Nhưng mô hình mới, những tấm gương sáng về tinh thần học không bao giờ muộn, có nhiều người ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn theo học cao học, làm luận án tiến sĩ chỉ với mục đích học để làm gương cho con cháu noi theo và khuyên con cháu “học, học nữa, học mãi”, “học để làm việc, làm người, làm cán bộ.
Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại” (lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh), góp phần để đất nước ta đạt được những thành tựu vĩ đại sau gần 40 năm đổi mới”.
-Vậy chắc là ông “thấm thía” nhất ở chỗ “có nhiều người ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn theo học cao học…” đó phải không?
-Cái đó… cũng có nhưng hổng phải “thấm thía nhất” đâu. Tôi tâm đắc nhất là câu “nhiều người lớn tuổi nhờ tự học, tự nghiên cứu, áp dụng kiến thức, kinh nghiệm để sản xuất đã giúp gia đình thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hoá mới và đóng góp cho kinh tế xã hội ở địa phương”.
-Bàn Dân hiểu ý ông rồi, ông thích cái tác dụng thiết thực, sự hữu ích trực tiếp ngay trong cuộc sống hằng ngày của gia đình, của làng xóm mình đó chớ gì?
-Ông nói rất đúng, mà tôi cũng đã có trải nghiệm tại chỗ rồi đó nghen. Bắt đầu từ buổi họp “hội cựu” đó, tôi “mạnh dạn” nhờ anh em, bạn bè, kể cả mấy cháu cán bộ trẻ ở địa phương cài đặt phần mềm vô máy, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng phổ biến, kết nối vô mạng, vô nhóm Zalo rồi bắt đầu bấm bấm, lướt lướt… Thế là chỉ trong vài tuần là tôi được “xoá mù công nghệ số”…
-Vậy là khá tốt rồi, nhưng nếu mới chỉ ở mức “xoá mù” như thế thì ông chưa phải là “công dân số” đâu nhé!
-Tôi chưa nói hết mà! Thật ra hôm lên phường nhờ “tổ xoá mù” giúp tôi cài đặt ứng dụng trên di động, mấy cháu Công an cũng đã cài đặt và hướng dẫn tôi sử dụng phần mềm dữ liệu công dân VNeID định danh mức 2 và phần mềm VssID quản lý dữ liệu bảo hiểm xã hội luôn rồi.
Phải nói là cái thành tựu chuyển đổi số này hay quá là hay. Không ngờ tất cả dữ liệu thông tin cá nhân, giấy tờ tuỳ thân, cũng như quá trình công tác, quá trình tham gia bảo hiểm xã hội mấy chục năm của mình đều có lưu trữ sẵn trong mấy ứng dụng đó hết.
Đặc biệt là hôm tôi đi tái khám định kỳ bệnh mãn tính người già ở thành phố lớn kế bên tỉnh mình, tôi có nhờ mấy ông “đồng bệnh” cài “cái app” của bệnh viện và lên mạng “bắt số thứ tự” trước nên xuống dưới đó đúng giờ hẹn khám, khỏi phải xếp hàng chờ đợi lâu lắc.
-À, hoá ra Bàn Dân mới “lạc hậu”. Ông đã thành “công dân số” thứ thiệt rồi đó nghen. Ông đã thực sự “quán triệt được chủ trương học tập suốt đời” của Đảng - Nhà nước rồi, vậy ông cứ ráng “học, học nữa, học mãi” đi, Bàn Dân tin chắc là ông sẽ thực sự “sống vui, sống khoẻ, sống có ích” và sống rất lâu để mà chứng kiến được thời kỳ vươn mình, sánh vai cùng bè bạn năm châu của đất nước mình.
Bàn Dân