Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ði tìm ngôi mộ Quan lớn Huỳnh Công Nghệ
Thứ tư: 09:46 ngày 08/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đến nay, mộ của 2 ông Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Thắng đã được tìm thấy, riêng mộ phần của ông Huỳnh Công Nghệ chưa biết ở đâu

Bàn thờ đức Quan đại thần Huỳnh Công Nghệ ở khu vực Bến Thứ.

Nhiều nơi lập đền thờ

Theo tài liệu, ba anh em Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ là 3 vị tướng, con của ông Huỳnh Công Cẩn, ở Đàng ngoài. Vào khoảng năm 1749 (năm Kỷ Tỵ), triều đình Huế phân công 3 anh em họ Huỳnh vào Nam dẹp loạn, lập ấp, giữ gìn an ninh.

Ba anh em họ Huỳnh cùng với đội binh mã của mình đã lập nhiều chiến công hiển hách; các ông lần lượt hy sinh trên vùng đất Tây Ninh. Trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi lập đền thờ ba bậc tiền nhân họ Huỳnh đã có công mở bờ cõi, góp phần hình thành và phát triển vùng đất Tây Ninh hôm nay.

Mộ phần của 2 ông Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng đều tìm thấy và đã được trùng tu, xây cất khang trang. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hơn 10 ngôi thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Thắng. Riêng đối với ông Huỳnh Công Nghệ, có 5 nơi xây đình, lập miếu thờ cúng.

Cụ thể, ở xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, người dân xây đình thờ ông Huỳnh Công Nghệ, xem ông như vị thành hoàng bảo hộ cho nhân dân địa phương. Ở địa danh Gò Duối, thuộc ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành có dinh thờ ông Huỳnh Công Nghệ xây cất khoảng 70-80 năm trước, nay được tôn tạo rất khang trang.

Ở ấp Long Thạnh, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, ông Huỳnh Công Nghệ được tôn vinh là “Quan lớn Vàm Bảo”, đấy cũng là tên chữ của dinh thờ; còn một cái tên nữa là dinh (hoặc miếu) thờ ông Gốc.

Ở địa danh Bến Thứ, thuộc ấp xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên có miếu thờ ông Huỳnh Công Nghệ và mới được trùng tu trong những năm gần đây. Tương tự, ở ấp Bình Lợi, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành có dinh thờ ông với quy mô khá lớn.

Trăm năm qua, vào các ngày 15 và 16 tháng Giêng hoặc tháng 3 âm lịch hằng năm, ở những dinh, đền, miếu thờ ông Huỳnh Công Nghệ đều diễn ra lễ cúng dinh (còn gọi là lễ giỗ), với quy mô lớn; các ngày 15 và 16 hằng tháng, hầu hết những nơi này tổ chức lễ cúng binh (quân lính của ông Huỳnh Công Nghệ) với quy mô nhỏ hơn.

Các nơi thờ cúng nêu trên đều có bàn thờ chính, hai bàn tả ban, hữu ban sơn son thếp vàng, có lư hương, bình bông, nhang đèn, đĩa trái cây và tượng 2 chú ngựa bằng xi măng tượng trưng cho “binh mã” được quan đại thần sử dụng.

Riêng dinh thờ ông Huỳnh Công Nghệ ở Gò Duối, xã Long Thành Nam, có 2 tượng voi đứng chầu trong sân. Ngoài ra, còn có 1 tượng voi với tư thế quỳ trên gò đất trống, được người dân cho rằng nơi đó là mộ Ông Voi- vật cưỡi của quan Đại thần Huỳnh Công Nghệ.

Dinh thờ ở ấp Bình Lợi, xã Hảo Đước, bên cạnh 2 tượng ngựa, còn có 2 chiếc thuyền rồng, được cho là phương tiện ông đi lại trên dòng sông Vịnh. Hằng năm, vào dịp cúng giỗ ông, nơi đây đều có nghi thức thả thuyền trên sông để tưởng nhớ về bậc tiền nhân có công khai mở vùng đất Tây Ninh từ thuở xa xưa.

Mộ ông Huỳnh Công Nghệ ở đâu?

Dinh thờ quan lớn Huỳnh Công Nghệ được người dân xây dựng ở nhiều nơi như đã nêu, nhưng ngôi mộ của vị quan đại thần này ở đâu, đến nay vẫn là câu hỏi đối với ngành chức năng và người dân Tây Ninh.

Nhiều năm qua, mộ của ông Huỳnh Công Giản đã được xác định tại ấp Trà Hiệp, xã Trà Vong, huyện Tân Biên; còn mộ của ông Huỳnh Công Thắng được xác định tại xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu và đã được UBND tỉnh công nhận là di tích văn hoá cấp tỉnh, thành phố. Riêng mộ phần của ông Huỳnh Công Nghệ, đến nay vẫn là một ẩn số.

Ở địa danh Bến Thứ (ấp xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên) có khu mộ cổ, ước tính đã tồn tại hàng trăm năm trước. Khu mộ cổ toạ lạc trong một cánh rừng có nhiều cây cổ thụ. Từ quốc lộ 22B đến khu mộ cổ chỉ có thể di chuyển bằng xe 2 bánh, đi dọc theo bờ kênh đường đất sình lầy, trơn trượt và băng qua những vườn cao su bạt ngàn, rất ít có người qua lại. Qua tìm hiểu, nhiều người dân địa phương mà chúng tôi có tiếp xúc đều tin rằng đây là mộ của ông Huỳnh Công Nghệ.

Ba ngôi mộ cổ ở khu vực Bến Thứ.

Các ngôi mộ này đều được ghép bằng đá tổ ong, nấm mộ bằng đất. Có 2 bia mộ bằng đá tổ ong đã bị gãy, không xác định được danh tính người nằm dưới huyệt. Bia đá của ngôi mộ còn lại còn khá nguyên vẹn, trên đó khắc những dòng chữ Hán. Năm 2010, UBND xã Tân Phong có Tờ trình số 18/TTr-UBND và ý kiến của Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Tân Biên về việc công nhận di tích mộ Huỳnh Công Nghệ.

Qua điều tra, khảo sát 3 ngôi mộ cổ nêu trên và so sánh, đối chiếu với tư liệu lịch sử như Tây Ninh xưa và nay; địa chí Tây Ninh, lý lịch di tích đền thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản; di tích lịch sử văn hoá - danh lam thắng cảnh Tây Ninh; lược sử Tây Ninh, Bảo tàng Tây Ninh xác định: “Địa điểm Bến Thứ- Bến Cát, rạch Sóc Om là khu căn cứ của Huỳnh Công Nghệ trấn nhậm”.

Tuy nhiên, khi dịch dòng chữ Hán khắc trên bia đá ra tiếng Việt có nội dung: “Thiên quốc Nam. Tây Ninh phủ, Hảo Đức thôn. Trần Thị Định, ngũ thập thất tuế. Chi Tử Tông”, Bảo tàng Tây Ninh không xác định được ngôi mộ của ông Huỳnh Công Nghệ nên không thể lập hồ sơ xếp hạng di tích.

Là người có hơn 10 năm trong nghề thầu xây dựng và nghiên cứu về phong thuỷ, khi đến tham quan khu mộ cổ ở địa danh Bến Thứ, ông Nguyễn Mai Tâm, ngụ phường 1, TP. Tây Ninh nhận thấy nơi đây có suối, xa hơn nữa có con sông đều dẫn nước về khu đất này, có hình phượng hoàng.

Khu đất có long mạch lớn, dành cho những người đại phước. Theo ý kiến cá nhân của ông Tâm: "Khả năng cao, một trong 3 ngôi mộ cổ ở đây là mộ của ông Huỳnh Công Nghệ. Đặc biệt, ngôi mộ có bia đá gãy là đáng chú ý nhất, vì mộ toạ lạc trên một gò đất cao, gần mộ có 2 hàng cây cổ thụ, phía trước có dòng suối bao bọc, thế đất tốt hơn rất nhiều so với 2 mộ còn lại”.

Ông Nguyễn Quốc Việt- nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Tây Ninh, người có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về văn hoá, lịch sử, tôn giáo ở Tây Ninh cho biết, ông cùng đại diện Bảo tàng tỉnh đã vài lần đi tìm mộ phần Huỳnh Công Nghệ, nhưng đến nay, chưa có cơ sở vững chắc để xác định được mộ ông ở đâu.

Ông Việt cho rằng khu vực có 3 ngôi mộ cổ ở Bến Thứ là vị trí đáng tin cậy nhất. “Nguyện vọng của nhân dân muốn tìm được mộ phần của ông Huỳnh Công Nghệ để xây dựng ngôi mộ trang trọng, cho con cháu đời sau đến thắp hương, cúng bái, thể hiện tấm lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, tưởng nhớ đến bậc tiền nhân có công khai khẩn, giữ gìn đất đai cho con cháu muôn đời sau”- ông Việt chia sẻ.

Đại Dương - Thương Hoài

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục