Đến đầu năm 2010, nhiều địa phương ở Tây Ninh vẫn còn lò gạch thủ công hoạt động, tập trung nhất ở các huyện Châu Thành và Trảng Bàng.
Theo Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010, từ năm 2001, các địa phương phải tổ chức, quy hoạch lại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh vật liệu xây thủ công, nhằm giảm tối đa việc sử dụng đất canh tác và “xoá” các lò gạch thủ công được xây dựng không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường tại các vùng ven đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn. Từ đó, các địa phương từng bước phát triển sản phẩm gạch không nung ở những vùng không có nguyên liệu nung, tiến tới xoá bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở ven các đô thị trước năm 2005, ở các vùng khác trước năm 2010.
Đồng thời, các địa phương phải tiếp tục hoàn thiện công nghệ và ổn định sản xuất cho các cơ sở gạch tuy nen hiện có, đầu tư xây dựng thêm một số dây chuyền gạch tuy nen quy mô nhỏ với công suất 7 hoặc 10 triệu viên/năm bằng thiết bị chế tạo trong nước…
Một lò gạch thủ công ở Châu Thành. |
Thế nhưng, thực tế cho thấy, đến đầu năm 2010, nhiều địa phương ở Tây Ninh vẫn còn lò gạch thủ công hoạt động, tập trung nhất ở các huyện Châu Thành và Trảng Bàng. Trong khi đó, được biết, một số tỉnh, thành trên cả nước đã quyết liệt triển khai thực hiện việc “xoá” các lò gạch thủ công trong năm 2009.
Mặt khác, ngày 22.4.2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (trong đó có cụm lò gạch ven quốc lộ 22B, thuộc hai huyện Gò Dầu và Hoà Thành, Tây Ninh). Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, đến cuối tháng 12.2007, 39 lò gạch ven quốc lộ 22B phải ngưng hoạt động, di dời hoặc chuyển đổi công nghệ mới. Tuy nhiên, đến cuối năm 2008, cụm lò gạch thủ công này mới bị “xoá” hoàn toàn.
Về việc xử lý các lò gạch thủ công, một cán bộ Sở TN&MT cho biết: Từ năm 2008 và 2009, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã thông báo cho chủ các lò gạch thủ công quy định của Chính phủ về việc chuyển đổi công nghệ theo quy hoạch trong sản xuất gạch nung, đồng thời cho biết thời hạn cuối cùng phải chuyển đổi công nghệ mới là cuối năm 2009. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều lò gạch thủ công hoạt động. Một phần là do kinh phí đầu tư công nghệ mới quá lớn, nhiều cơ sở không có điều kiện tài chính để đầu tư, đồng thời cũng có những cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công chủ quan, thiếu ý thức tự giác chấp hành quy định của Nhà nước.
“Sang năm 2010, ngành chức năng sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương thống kê và buộc chủ các lò gạch thủ công phải cam kết chuyển đổi công nghệ hoặc chuyển đổi ngành nghề. Đối với những trường hợp không chấp hành, chúng tôi sẽ đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, vị cán bộ này nói.
ĐÌNH CHUNG