Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nông dân trồng mãng cầu:
“Khóc ròng” vì trộm
Thứ tư: 05:35 ngày 11/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðể có được vụ mãng cầu “bội thu”, người nông dân phải bỏ ra biết bao công sức, tiền bạc, Vậy mà, họ còn một nỗi lo khác, bức xúc hơn, đó là nạn trộm cắp trái khi đến mùa thu hoạch, nhất là những lúc giá cả mãng cầu tăng cao.

Thu hoạch mãng cầu.

 “ÐAU ÐẦU” VỚI TRỘM

Anh Năm Quốc, người có thâm niên trồng mãng cầu ở ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh hơn 20 năm than thở, tình trạng trộm mãng cầu xảy ra nhiều năm qua. Gần đây nhất, vườn mãng cầu 2 ha của anh chỉ trong một đêm đã bị trộm hơn 500kg trái.

Mặc dù anh Quốc có thuê người canh giữ vườn nhưng vẫn không thể đối phó được với các đối tượng trộm cắp. Anh cho biết, hằng ngày, người nông dân trực tiếp chăm sóc mãng cầu, nên vị trí cũng như kích cỡ của trái, người trồng nhớ rất rõ. Cho nên, ngày hôm sau vào chăm sóc vườn, họ chỉ cần nhìn cây là phát hiện ngay mãng cầu bị hái trộm, ước lượng được luôn cả số lượng và loại trái bị mất.

Anh Quốc nhận xét, các đối tượng trộm cắp mãng cầu đã nghiên cứu vườn rất kỹ thời điểm để giở trò, thường là lúc cả mãng cầu tăng cao cũng là lúc trộm hoành hành. Vào dịp thu hoạch, nông dân phải phân loại mãng cầu để bán cho thương lái với giá cả khác nhau tuỳ theo kích cỡ trái. Hiện nay, mãng cầu loại 1 (trái to) có giá khoảng 50 ngàn đồng/kg, mãng cầu loại 2 có giá khoảng 35 ngàn đồng/kg. Bọn trộm chỉ lựa toàn mãng cầu loại 1 để “làm ăn”.

Hơn nữa, khi thu hoạch mãng cầu, nông dân phải giữ sức cho cây bằng cách dùng kéo để cắt trái, còn trộm thẳng tay bẻ, dẫn đến nhánh cây mãng cầu bị tét, hoặc gãy, nông dân phải tốn nhiều công sức để chăm sóc lại.

Cũng đã có trường hợp các đối tượng trộm cắp mãng cầu bị người dân phát hiện, bắt giữ giao cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, có thể do số lượng mãng cầu mà các đối tượng trộm cắp chỉ vài chục ký nên các đối tượng trộm chỉ bị xử lý hành chính. Mặc dù, với giá mãng cầu loại 1 khoảng 50 ngàn đồng/kg mà bị trộm khoảng 20 đến 30kg, thì người nông dân coi như bị thiệt hại hơn 1 triệu đồng.

Phân loại trái, đóng thùng trước khi bán cho thương lái.

Các đối tượng hái trộm mãng cầu rất ma mãnh, khi mới vào vườn hái trộm được vài trái mà bị người dân phát hiện, họ liền nói đi đường đêm khuya đói bụng nên bẻ 1, 2 trái ăn. Còn nếu bị người dân phát hiện với số lượng nhiều, chúng quay ra năn nỉ, van xin. Khi năn nỉ, van xin không được thì các đối tượng quay qua ăn vạ.

Cách đây vài năm, một chủ vườn mãng cầu phát hiện 2 người phụ nữ ăn trộm mãng cầu, có tang vật hẳn hoi. Sau một hồi năn nỉ, van xin chủ vườn bỏ qua không được, một người kéo quần xuống la làng là chủ vườn có ý định hiếp dâm (!?!).

Mới đây, vào ngày 12.3, Công an xã Tân Bình đã bắt quả tang 2 đối tượng trộm mãng cầu tại một vườn ở ấp Tân Trung, gồm Ð.V.H, sinh năm 1978, ngụ xã Long Chữ, huyện Bến Cầu và D.V.H., sinh năm 1996, ngụ xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. Tuy nhiên, do tang vật bị trộm chưa đủ định lượng để xử lý hình sự nên Công an xã Tân Bình lập hồ sơ và xử phạt hành chính.

Nhiều chủ vườn mãng cầu đều cho biết, vì số lượng mãng cầu bị phát hiện trộm mỗi đêm không nhiều nên họ cũng ít đến trình báo cho địa phương. Họ chỉ trình báo khi số lượng trái mãng cầu bị mất trộm nhiều và diễn ra liên tục. Ðể đối phó với “mãng cầu tặc”, nhiều chủ vườn thường chọn cách thuê thêm người giữ vườn, hoặc thay đổi người giữ vườn nếu nhận thấy người đó có biểu hiện bất thường vào thời điểm thu hoạch. Ðây chỉ là biện pháp đối phó tạm thời, bởi dù có người giữ nhưng nhiều vườn mãng cầu vẫn bị trộm hoành hành.

CÓ HAY KHÔNG SỰ TIẾP TAY CỦA THƯƠNG LÁI ?

Các chủ vườn mãng cầu cho biết, khi thu hoạch trái phải phân loại và gói trái bằng giấy báo rồi mới đóng vào thùng để chở ra các vựa mãng cầu bán. Các thương lái thu mua mãng cầu ở địa phương đều biết mặt các chủ vườn mãng cầu. Còn mãng cầu do các đối tượng trộm cắp mang tới thì loại nào cũng để chung một bao.

Dù biết là mãng cầu trộm nhưng thương lái vẫn chấp nhận mua của các đối tượng này vì giá họ bán rẻ hơn hàng “chính chủ”. Nếu mãng cầu loại 1, thương lái thu mua của người nông dân với giá khoảng 50 ngàn đồng/kg thì thu mua mãng cầu của các đối tượng trộm chỉ bằng nửa giá. Có thể nói, vì lợi nhuận nên một số thương lái đã tiếp tay cho các đối tượng trộm mãng cầu.

Theo Trưởng Công an xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, trước đây, địa phương có tiếp nhận thông tin của người dân về việc bị mất trộm mãng cầu. Tuy nhiên, từ khoảng giữa năm 2017 đến nay, địa phương chưa tiếp nhận thông tin vụ trộm nào. Dù vậy, do có nhiều thông tin về nạn trộm cắp mãng cầu của người dân nên Công an Thành phố đã chỉ đạo Công an xã chủ động xác minh để có biện pháp xử lý.

Mãng cầu đến thời kỳ thu hoạch trái là thời điểm thường xuyên bị mất trộm (Ảnh chụp tại xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh).

Trưởng Công an xã cũng cho biết, ngoài việc tuần tra vào ban đêm, lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, nắm tình hình hoạt động của các đối tượng có dấu hiệu trộm cắp mãng cầu. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn có cách đối phó, bằng cách trộm mãng cầu xong không vội chở đi tiêu thụ mà tìm nơi cất giấu và chờ “thời cơ” quay lại chở đi bán. Trưởng Công an xã Thạnh Tân cũng đồng tình, nguyên nhân trộm mãng cầu hoành hành, có một phần do các thương lái “tiếp tay” ham giá rẻ nên cho các đối tượng này. 

Hiện tại, dù đau đầu với nạn trộm mãng cầu nhưng người trồng lại chưa có giải pháp đối phó. Không thể để người nông dân “đơn độc” trong cuộc chiến với “mãng cầu tặc”.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương, nơi có diện tích trồng mãng cầu nhiều, một mặt tăng cường công tác tuần tra kiểm soát tình trạng trộm cắp; mặt khác, cần tuyên truyền nâng cao ý thức của thương lái, nên kiên quyết không thu mua mãng cầu do trộm cắp.

Nếu các thương lái từ chối thu mua mãng cầu không rõ nguồn gốc, chắc rằng tình trạng mất cắp mãng cầu sẽ giảm, bởi không có nơi tiêu thụ thì các đối tượng trộm sẽ phải “thất nghiệp”.

THIÊN TÂM

 

 

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh