Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ðổi mới giáo dục:
“Không nền giáo dục nào có thể đứng cao hơn ông thầy”
Thứ tư: 00:15 ngày 26/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Không một nền giáo dục nào có thể đứng cao hơn ông thầy”. Khi đội ngũ còn hạn chế, yếu kém, chưa kể họ còn chịu nhiều sự ràng buộc khác, việc thay đổi tư duy, tiếp cận, thích ứng được với những đòi hỏi, yêu cầu đổi mới giáo dục còn rất gian nan...

Giáo viên Trường tiểu học Hoàng Lê Kha (huyện Châu Thành) xịt nước sát khuẩn tay cho học sinh trước khi vào lớp.

Theo kế hoạch thời gian năm học, ngày 28.5, ngành Giáo dục tổng kết năm học 2020-2021, năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Vì điều kiện dịch bệnh, Sở Giáo dục và Ðào tạo ban hành văn bản yêu cầu nhà trường không tổ chức lễ tổng kết năm học này. Như vậy, đến thời điểm này, năm học 2020-2021 coi như đã kết thúc. Khác với những ngành nghề khác, trong giáo dục, lúc kết thúc cũng là lúc chuẩn bị cho năm học tiếp theo.

Hai năm học trước (2019-2020 và 2020-2021) diễn ra trong điều kiện không thuận lợi, vì toàn xã hội phải đối mặt với trận đại dịch thế kỷ. Nhưng, so với năm học 2019-2020, năm học 2020-2021 có sự thay đổi lớn khi ngành giáo dục triển khai chương trình, sách giáo khoa mới (Chương trình 2018) đối với lớp 1.

Năm học này, lần đầu tiên, ngành Giáo dục triển khai một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, đây là điểm hoàn toàn mới so với chương trình năm 2000. Có đến năm bộ sách giáo khoa của các nhà xuất bản cùng xuất hiện trong trường phổ thông. Theo quy định, nhà trường được chọn sách giáo khoa, kết quả cho thấy, bộ sách giáo khoa Cánh diều chiếm ưu thế áp đảo so với bốn bộ sách còn lại.

Sách được đưa vào dạy chưa lâu, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về những bộ sách nêu trên. Do đã đề cập nhiều nên xin phép không nhắc lại, chỉ tóm gọn: sai sót trong sách giáo khoa là có thật, bộ nào cũng có, không riêng gì bộ Cánh diều.

Dù những sai sót ấy ở mức tiểu tiết, hoàn toàn có thể khắc phục được, song đây là vẫn là điều đáng tiếc. Những sai sót hoặc nội dung một số bài học không phù hợp khiến dư luận trong và ngoài ngành không thể không đặt câu hỏi về quá trình viết, biên soạn, biên tập, thẩm định sản phẩm sách giáo khoa.

Chương trình năm 2018 cụ thể hoá Nghị quyết 29 năm 2014 của Trung ương Ðảng về đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục, trong đó có việc phá thế độc quyền tồn tại từ trước đến nay trong việc xuất bản sách giáo khoa.

Lần đầu tiên, sản phẩm sách giáo khoa được in, phát hành, lưu hành, sử dụng trong trường học hoàn toàn được xã hội hoá, tức không dùng ngân sách Nhà nước. Câu chuyện một chương trình một sách giáo khoa hay một chương trình nhiều sách giáo khoa từng gây nhiều ý kiến trái chiều suốt thời gian dài.

Sau một năm triển khai chương trình, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam quyết định, kể từ năm học 2021-2022 giảm từ bốn bộ sách xuống còn hai. Như vậy, từ năm bộ sách của năm học đầu tiên, năm học tiếp theo, 2021-2022, chỉ còn ba bộ sách trong tổng số năm bộ được Bộ GD&ÐT phê duyệt trước đó. Trong đó, như vừa đề cập, bộ sách Cánh diều chiếm phần lớn thị phần.

Do những đặc trưng của hoạt động giáo dục, việc sử dụng sách giáo khoa không thể như những sản phẩm hàng hoá thông thường khác. Có nghĩa, cơ sở giáo dục, nhà trường không thể năm này sử dụng bộ sách này, năm sau sử dụng bộ sách khác.

Những thông tin đã được công bố cho thấy, trường nào cũng có xu hướng ổn định trong việc chọn sách để tránh xáo trộn về phương diện chuyên môn cũng như sự lãng phí. Không có gì ngạc nhiên khi chỉ vài năm sau, sẽ chỉ còn một đến hai bộ sách giáo khoa của các nhà xuất bản được nhà trường sử dụng.

Nhà xuất bản không có lý do gì để tiếp tục in những bộ sách mà nhà trường, học sinh không lựa chọn. Như vậy, chủ trương “phá thể độc quyền trong biên soạn sách giáo khoa” cũng như sự đa dạng hoá sách giáo khoa chỉ dừng lại ở một chừng mực nào đó.

Bộ sách giáo khoa mới (không chỉ riêng lớp 1) còn có vấn đề được chú ý, đó là giá sách quá cao- gấp ba đến bốn lần so với bộ sách cũ, tức sách của Chương trình năm 2000. Ðây cũng là điều từng gây nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí sóng gió.

Những yếu tố khiến sách giáo khoa mới đắt gấp nhiều lần sách cũ được nói đến, gồm chất liệu giấy in tốt hơn, trình bày đẹp hơn, thù lao cho người biên soạn sách cao hơn, rồi còn cả yếu tố trượt giá (lạm phát).

Những lời giải trích, “điều trần” về giá cả sách giáo khoa như vừa liệt kê có thể không sai nhưng chưa đủ. Một nguyên nhân khác khiến giá sách giáo khoa cao là vì sản phẩm này do doanh nghiệp làm, vẫn quen gọi là xã hội hoá. Ðối với doanh nghiệp, tối ưu hoá lợi nhuận luôn là ưu tiên hàng đầu. Sách giáo khoa- kể từ nay về sau, không còn là mặt hàng được Nhà nước trợ giá như trước đây.

Chương trình và sách giáo khoa được thay đổi theo một chu kỳ nhất định, thường khoảng 15 năm thay đổi một lần, điều này hoàn toàn bình thường, nền giáo dục nào cũng thế. Có quốc gia, ví dụ Hàn Quốc, chỉ 8 năm họ thay đổi chương trình và sách giáo khoa một lần. Trong khi đó, chương trình và sách giáo khoa năm 2000 ở nước ta, cho đến nay đã được gần 20 năm. Như vậy, luồng ý kiến nói sách giáo khoa “thay xoành xoạch” là hoàn toàn không đúng.

Ðể cải thiện chất lượng giáo dục, loại bỏ những cái cũ kỹ, lỗi thời, việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa là cần nhưng chưa đủ. Chương trình, sách giáo khoa quan trọng nhưng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý mới là yếu tố quyết định sự thành bại của ngành giáo dục.

Câu chuyện chất lượng nguồn nhân lực nói chung, chất lượng đội ngũ giáo viên đã được nói đến nhiều và càng không phải bây giờ mới được bàn tới. Cách nay chưa lâu, trong một bài viết đăng báo Tây Ninh, một vị trưởng phòng giáo dục khẳng định, ưu tiên số một của ngành lẽ ra phải là đào tạo đội ngũ giáo viên thật chuẩn, không chỉ đào tạo một lần mà là nhiều lần.

Ðội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, xuất phát từ vô số nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, còn nhiều hạn chế, bất cập. “Không một nền giáo dục nào có thể đứng cao hơn ông thầy”. Khi đội ngũ còn hạn chế, yếu kém, chưa kể họ còn chịu nhiều sự ràng buộc khác, việc thay đổi tư duy, tiếp cận, thích ứng được với những đòi hỏi, yêu cầu đổi mới giáo dục còn rất gian nan...

Ngày 6.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc họp với Bộ GD&ÐT về những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất. Ngày 13.5, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng về một số vấn đề của ngành Giáo dục.

Kết luận có đoạn: “Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương đã được ngành Giáo dục tích cực triển khai và đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Hệ thống giáo dục và đào tạo từ mầm non đến đại học ngày càng được hoàn chỉnh.

Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư và cải thiện rõ rệt, đang từng bước được hiện đại hoá. Chúng ta tự hào và phát huy có hiệu quả truyền thống hiếu học của dân tộc; sự quan tâm, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; sự ủng hộ của các gia đình và toàn xã hội; sự tận tuỵ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục... để không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Ðến nay, Việt Nam đã có 4 trường đại học trong tốp 1.000 trường hàng đầu thế giới, 11 trường đại học trong tốp 650 trường hàng đầu châu Á... và thường xuyên có nhiều học sinh đạt giải quốc tế hằng năm.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả tích cực nêu trên, ngành Giáo dục còn những tồn tại, hạn chế như: Chất lượng giáo dục và đào tạo còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc chưa được chú trọng đúng tầm mức; kỷ luật, kỷ cương quản lý trường, lớp ở nhiều nơi còn buông lỏng; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về cơ cấu, số lượng và chất lượng; một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp; cân đối bố trí ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách tài chính để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn nhiều bất cập, chậm đổi mới”.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh