Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Những năm gần đây, nhất là hai năm trở lại đây, thuật ngữ “Kinh tế tuần hoàn” là từ khoá được nhắc đến nhiều trên khắp các diễn đàn kinh tế - thương mại trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Công nhân làm việc tại một nhà máy sợi ở Khu công nghiệp Phước Đông. Ảnh minh hoạ
Thực tế, khái niệm “Kinh tế tuần hoàn” đã ra đời khá lâu, được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner từ năm 1990. “Kinh tế tuần hoàn” là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.
Tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người.
Ellen MacArthur Foundation (2012) mô tả, kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi hiện nay là “một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”.
Mục đích của kinh tế tuần hoàn nhằm kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm, tăng năng suất của các tài nguyên. Tất cả các "phế thải" của một quy trình sản xuất tiêu dùng nên được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm phụ hay tài nguyên được thu hồi từ một quy trình công nghiệp khác hay tài nguyên được tái sinh cho môi trường tự nhiên. Cách tiếp cận này là tương phản với mô hình kinh tế tuyến tính đang được phổ biến rộng rãi.
Có thể có những cách thể hiện khác nhau đôi chút nhưng các quan điểm tương đối đồng thuận về khái niệm kinh tế tuần hoàn. Nói một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp.
Những lợi ích to lớn của nền kinh tế tuần hoàn đem lại có thể kể đến như giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nguyên vật liệu sơ cấp; bảo tồn, phục hồi nguồn tài nguyên thiên nhiên; tạo thị trường mới và tạo việc làm mới; nâng cao hiệu quả cạnh tranh; gia tăng giá trị xã hội - kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế thẳng sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam với bốn lý do chính: Sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô đang ngày càng cạn kiệt, đặc biệt đối với khoáng sản, nguồn tài nguyên không thể tái tạo được. Sự phụ thuộc vào các nước khác, đặc biệt các quốc gia phụ thuộc nước khác về nguyên liệu thô; sự phụ thuộc này dẫn đến căng thẳng về chính trị toàn cầu.
Tác động của biến đổi khí hậu (phát thải các khí nhà kính, đặc biệt là CO2) làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu cực đoan, gây nên các hậu quả cực kỳ nghiêm trọng; sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững sẽ làm giảm quá trình này.
Kinh tế tuần hoàn giúp vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 vô cùng gian nan, phức tạp; tạo ra các cơ hội kinh tế, đặc biệt đối với doanh nghiệp và khoa học trong lĩnh vực đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo.
Về tầm quan trọng, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đóng góp trực tiếp 9/17 mục tiêu phát triển bền vững trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tháng 2.2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh phải giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, carbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất.
Kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bán lẻ
Một số ngành được đánh giá là có cơ hội lớn hơn trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như: lương thực và nông nghiệp, thời trang và dệt may, xây dựng và vật liệu xây dựng, hệ thống năng lượng và carbon, hoá chất, điện tử và công nghệ cao.
Ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ muốn phát triển bền vững phải chú trọng đến kinh tế tuần hoàn. Một nghiên cứu sơ bộ của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam gần đây về thị trường bán lẻ của một số nước trên thế giới cho thấy mối liên hệ gắn bó giữa nền kinh tế tuần hoàn với các hoạt động bán lẻ muôn màu sắc và vai trò của các nhà bán lẻ trong việc định hình, khuyến khích và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, mang lại những cơ hội lớn cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Câu hỏi đặt ra là kinh tế tuần hoàn đang được thực hiện như thế nào trong các lĩnh vực bán lẻ khác nhau?
Trong lĩnh vực thời trang, khoảng vài chục năm gần đây, người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới đã quen với cụm từ “thời trang nhanh” và có thể thấy, thời trang nhanh được triển khai rầm rộ, bài bản… đã trở thành xu hướng tiêu dùng, trào lưu không chỉ của giới trẻ và có lẽ, nó dẫn đến tâm lý khá sai lệch khi cho rằng những bộ quần áo chúng ta mua cách đây vài tuần đã lỗi thời, nên vứt bỏ để mua sắm đồ mới.
Khách quan mà nói, thời trang nhanh có ảnh hưởng và giúp ngành công nghiệp thời trang phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với lợi nhuận là những tác động xấu đến môi trường. Công nghiệp thời trang được xem là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành dầu mỏ. Nó chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu do năng lượng được sử dụng trong sản xuất, chế tạo và vận chuyển.
Chỉ riêng năm 2018, 11,3 triệu tấn hàng dệt may đã được đưa vào các bãi chôn lấp và 3,2 triệu tấn được đốt, thải ra một lượng lớn khí nhà kính, theo đánh giá của Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA). Một nghiên cứu khác cho thấy, 57,1% chất thải thời trang từ 15 quốc gia trên khắp EU được đưa vào các bãi chôn lấp và ngành công nghiệp thời trang là tác nhân dẫn đến lượng rác thải trung bình 13 kg/người trên hành tinh. Còn theo một báo cáo của tổ chức WRAP của Anh, có tới 350.000 tấn quần áo (ước tính trị giá 140 triệu bảng Anh) đã qua sử dụng đổ vào bãi rác mỗi năm ở nước này.
Tại một xưởng dệt may ở Khu công nghiệp Phước Đông (ảnh minh hoạ)
May thay, thời trang tuần hoàn (Circular Fashion) đã xuất hiện. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2014 bởi H&M và nhanh chóng trở thành một khái niệm bền vững được đón nhận nồng nhiệt trong lĩnh vực thời trang. Có đến 90 thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ có tên tuổi, bao gồm Nike, Adidas, Gani, Reformation, Lacoste, VF Corporation,… ký kết Bảng cam kết Hệ thống Thời trang Tuần hoàn 2020 của Global Fashion Agenda.
Các đặc điểm của hệ thống Thời trang tuần hoàn mới này bao gồm thiết kế theo cách dễ dàng sửa chữa và tháo rời các bộ phận để có thể tái chế hoặc cung cấp cho sản phẩm cuộc sống thứ hai; thiết kế bằng vật liệu chất lượng với kiểu dáng vượt thời gian nhằm tối đa hoá khả năng sử dụng; được làm bằng nguyên vật liệu có thể phân huỷ sinh học hoặc ít nhất là có thể tái chế; được sản xuất sao cho tạo ra chất thải tối thiểu; phân phối và vận chuyển một cách bền vững; có thể được sử dụng bởi nhiều người dùng trong suốt thời gian hữu dụng của nó.
Trong thực tế, đã có nhiều chương trình thời trang tuần hoàn thành công và thu hút được nhiều người quan tâm. Chẳng hạn, hãng thời trang H&M tổ chức thu gom hàng may mặc, khuyến khích người dùng mang quần áo mà họ không dùng đến, hoặc đơn giản là họ không thích nữa để tái chế và biến đổi nó.
Đổi lại, người dùng nhận được séc có giá trị chi tiêu trong cửa hàng của H&M. Thương hiệu denim Levi’s giảm giá 20% khi khách hàng giao lại những sản phẩm may mặc mà họ không muốn dùng nữa. Nike có chương trình tái chế giày. Công ty denim Mud Jeans cho thuê quần jean với giá 7,5 USD hằng tháng. Đó chính là mô hình kinh doanh tuần hoàn.
An Khang
(Còn tiếp)