Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“Kinh tế tuần hoàn”- xu hướng của thời đại (tiếp theo và hết)
Thứ sáu: 20:42 ngày 25/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững trên thế giới, đây là xu hướng của tất cả các quốc gia, và Việt Nam chắc chắn không là ngoại lệ. Trong thực tế, có thể nói mô hình kinh tế tuần hoàn đã có mặt rất sớm ở Việt Nam, thông qua mô hình kinh tế vườn – ao - chuồng (VAC) hay các làng nghề tái chế chất thải.

Sản phẩm nhà bếp bằng nhựa được bán tại một hội chợ tiêu dùng ở Tây Ninh (ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, các khái niệm “khu công nghiệp sinh thái” (ecological industrial zone), “sản xuất sạch hơn” (Cleaner production), “Không phát thải” (zero emission), tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất - một phần của kinh tế tuần hoàn - cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua.

Kinh tế tuần hoàn ở lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng

Lĩnh vực điện và điện tử tăng trưởng 4% mỗi năm ở EU. Mặc dù là lĩnh vực phát triển liên tục và nhanh chóng, nhưng sản phẩm điện và điện tử gây nhiều nguy hiểm cho môi trường vì chúng chứa các vật liệu độc hại.

Lĩnh vực này bị chi phối bởi thói quen sản xuất và mua bán số lượng lớn, giá rẻ… của sản phẩm mà ít quan tâm đến vòng đời hoặc độ bền của chúng. Một giải pháp cho lĩnh vực này là các nhà bán lẻ điện máy – điện tử cần phối hợp với nhà sản xuất để sản xuất – kinh doanh các sản phẩm dễ sửa chữa, dễ tháo rời và tách rời để tái sử dụng.

Lĩnh vực đồ nội thất: Ikea có một số chương trình kinh tế tuần hoàn. Gần đây, họ đã công bố “Chương trình Mua lại”, theo đó người dùng có thể giao đồ nội thất Ikea đã qua sử dụng để đổi lấy phiếu quà tặng và chi tiêu tại hệ thống Ikea. Với chương trình này, Ikea ước tính rằng họ sẽ ngăn chặn hơn 15.000 sản phẩm nội thất bị kết thúc ở bãi rác.

Một sáng kiến khác mà Ikea đề xuất là cho thuê đồ nội thất văn phòng. Chương trình sẽ bắt đầu tại Hà Lan, Thụy Sĩ, Ba Lan và Thụy Điển, nơi họ sẽ kiểm tra tính khả thi của dự án để mở rộng danh mục sản phẩm có sẵn cho thuê tại hơn 30 thị trường. Trong tương lai, không chỉ cho thuê đồ nội thất văn phòng, Ikea có thể cho thuê tủ bếp và đồ dùng nhà bếp ở nhiều nước.

Lĩnh vực mua bán đồ cũ là sự trao đổi. Theo đó, người dùng gửi sản phẩm có thương hiệu, hàng cao cấp đã qua sử dụng cho doanh nghiệp để đổi lấy chiết khấu mà họ sử dụng khi mua sắm các sản phẩm mới.

Bằng cách này, người dùng có thể đổi mới sản phẩm của mình và các mặt hàng second-hand lại tiếp tục vòng đời của chúng. REI và Eileen Fisher là các thương hiệu quần áo của Mỹ rất nổi tiếng với các chương trình này. Xu hướng mua bán hàng cũ gần đây tăng nhanh và thị trường đồ cũ hiện có giá trị 24 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 51 tỷ USD vào năm 2024 (thredUp).  

Nhà hàng và quán ăn thường được xem là nơi con người đang lãng phí và bỏ đi 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất ra, trong khi đó rất nhiều người đang chết đói và môi trường thì phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Kinh tế tuần hoàn và các nhà bán lẻ Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam đã xuất hiện thêm nhiều điển hình về kinh tế tuần hoàn như mô hình khu công nghiệp sinh thái, kinh tế sinh thái, sản xuất sạch hơn, và nhất là các sáng kiến tuần hoàn của doanh nghiệp, trong đó có PRO Việt Nam (Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam) là tổ chức tiên phong phi lợi nhuận, thành lập vào tháng 5.2019 bởi 19 công ty, tập đoàn lớn tại Việt Nam, với mục đích phối hợp cùng Chính phủ cải thiện quá trình tái chế bao bì bền vững hơn trong tương lai, qua đó, chung tay dựng xây, góp phần vì một Việt Nam xanh – sạch – đẹp. Trong số các thành viên của PRO, có Saigon Co.op, một trong các thành viên chủ chốt của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.

Gần đây nhất, sau nhiều tháng tạm ngừng do đại dịch Covid-19, Công ty Tetra Pak, MM Mega Market (một thành viên khác của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam) đã cùng với Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam tái khởi động chương trình thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại các siêu thị MM Mega Market trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, vừa qua, khi đến các điểm thu gom trong hệ thống siêu thị MM tại Thành phố Hồ Chí Minh, khách hàng được tham quan gian trưng bày các sản phẩm tái chế từ vỏ hộp giấy đựng đồ uống; tham gia tìm hiểu về môi trường và hoạt động đổi vỏ hộp giấy đựng đồ uống nhận quà – cứ 50 vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng nhận một túi vải đa năng.

Vỏ hộp giấy sau khi thu gom sẽ được chuyển đến Nhà máy giấy Đồng Tiến tại Bình Dương để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như bàn, ghế, giấy công nghiệp, sổ ghi chép, tấm lợp, tấm phẳng sinh thái.

An Khang

Tin cùng chuyên mục