Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Làm khó” vì chuyện một mảnh đất có hai “sổ đỏ”
Thứ bảy: 16:19 ngày 24/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sự việc càng căng thẳng hơn khi bà Châu phát hiện tất cả vườn cao su khoảng 3 năm tuổi trên mảnh đất 5.930m2 của bà đã bị người mua đất chặt sạch.

Vườn cao su của bà Châu đã bị chặt sạch và được kéo ra gần đường vận chuyển.

Sáng 20.6, bà Lê Thị Bích Châu (ngụ ấp Cầu, xã Tân Phong, huyện Tân Biên) tỏ thái độ bức xúc tại trụ sở UBND xã Hoà Hiệp (huyện Tân Biên) để đòi lại mảnh đất bà đã được cấp sổ đỏ, nhưng lại bị người khác ngang nhiên chuyển nhượng và phá hoại tài sản trên đất.

Cấp trùng sổ đỏ

Sự việc càng căng thẳng hơn khi bà Châu phát hiện tất cả vườn cao su khoảng 3 năm tuổi trên mảnh đất 5.930m2 của bà đã bị người mua đất chặt sạch. Tuy nhiên, bên mua đất khẳng định là đã được nhận chuyển nhượng đất hợp lệ từ chị Trần Thị Kim Phụng (con ruột bà Châu). Hiện tại, chị Phụng đang ở nước ngoài nên mọi khiếu nại của bà Châu đang gặp khó khăn.

Trước đó, bà Lê Thị Bích Châu có một mảnh đất hơn 13.000m2, toạ lạc tại ấp Hoà Đông B, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Ngày 3.8.2012, bà Châu làm hợp đồng tặng cho con gái Trần Thị Kim Phụng một phần đất với diện tích 8.030m2. Ngày 30.10.2012, UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất này cho chị Phụng.

Phần đất có diện tích 5.930m2 còn lại của bà Châu cũng đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ vào ngày 18.3.2016. Phần đất của bà và con gái giáp ranh liền kề, đều đã trồng cao su khoảng 3 năm tuổi. Ngày 8.1.2017, bà Châu vào thăm đất và hết sức bất ngờ khi chứng kiến có người vào đất chặt bỏ một số cây cao su của bà.

Bà Châu hỏi, những người này trả lời: “Đất của tôi mua, tôi có quyền canh tác”. Bà Châu khó cãi lý và cũng không ngăn cản được nên đã làm đơn gửi cho Công an và địa chính xã Hoà Hiệp yêu cầu được giải quyết.

Sự việc kéo dài khoảng 6 tháng sau vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, cho đến khi vườn cao su bị đốn hạ hoàn toàn, bà Châu lên UBND xã Hoà Hiệp khiếu nại tiếp,  mới hé lộ ra chuyện phần đất của bà đã được cấp sổ đỏ luôn cho con gái. Trích lục hồ sơ cho thấy, vào ngày 3.3.2016, chị Phụng làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ hơn 13.000m2 cho ông Lê Công Mạnh và bà Phạm Thị Kim Hoa (vợ ông Mạnh).

Đến ngày 24.4.2017, ông Mạnh và bà Hoa đã được Sở Tài Nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo hợp đồng chuyển nhượng nêu trên. Công an xã Hoà Hiệp cho biết, sau khi mua đất của chị Phụng, ông Mạnh chặt bỏ toàn bộ cao su trên đất để chuẩn bị trồng loại cây nông nghiệp khác.

Bà Châu tại UBND xã Hoà Hiệp vào sáng 20.6.2017

Thu hồi là xong?

Giải thích nguyên nhân vì sao có sự cấp trùng sổ đỏ trên cùng một diện tích đất, ông Nguyễn Văn Bảy- Phó Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã cho biết, có thể do sơ suất, “quên” lưu vào sổ mục kê và sổ địa chính.

Thêm nữa, do trước đó thường cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo phương pháp đo bao (thiếu thể hiện tính chính xác chi tiết ranh đất cho từng thửa cụ thể) nên dễ dẫn đến nhầm lẫn. Mặt khác, khi tiến hành cấp sổ cho chị Phụng, và sau đó là vợ chồng ông Mạnh, chị Phụng đều có cam kết là đất không có tranh chấp và chưa từng được cấp sổ đỏ cho ai.

Được biết, một trong những quy trình không thể bỏ qua trong việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ là: sau khi Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh- Chi nhánh Tân Biên tiến hành đo đạc, lấy ý kiến các hộ có đất tứ cận, tổ chức cuộc họp công khai tại khu dân cư để lập phiếu lấy ý kiến việc cấp sổ đỏ (mà cụ thể là tại địa bàn ấp có phần đất chuẩn bị được cấp sổ), tiếp đó giao cho UBND xã Hoà Hiệp niêm yết công khai trong vòng 15 ngày.

Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh- Chi nhánh Tân Biên phải cho thông báo công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng trong vòng 15 ngày. Ngoài ra phải có biên bản kết thúc khi thực hiện xong quy trình này.

Ông Nguyễn Bảo Châu, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh Tân Biên khẳng định đã thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình cấp sổ nêu trên. Tuy nhiên, sơ suất có thể là do cán bộ đã không lưu vào sổ địa chính khi cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Lê Thị Bích Châu, nên khi rà soát lại việc cấp sổ đã không thể hiện tên của bà Châu trong danh sách đăng ký cũng như ngoài thực địa đo đạc.

Mặt khác, chị Trần Thị Kim Phụng cũng đã có tờ cam kết về phần đất tăng thêm diện tích đang không có tranh chấp và chưa được cấp sổ.

“Hiện tại, chúng tôi cũng chỉ mới nhận được thông tin về vụ việc này từ xã Hoà Hiệp. Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh Tân Biên đang tiến hành hoàn tất các thủ tục để chuyển lên cấp trên thu hồi lại sổ đỏ của chị Phụng (phần đất đã cấp trùng). Riêng vụ việc chặt bỏ vườn cao su của bà Châu là tranh chấp dân sự”- ông Châu nói.

Tại trụ sở UBND xã Hoà Hiệp, bà Châu trình bày: “Tôi không có nhu cầu đền cây cao su, tôi chỉ muốn lấy lại đất và vườn cây cao su xanh tốt như trước kia, bởi vì khi tôi trình báo cho chính quyền địa phương, phần lớn vườn cây cao su của tôi vẫn chưa bị chặt”.

Sáng 23.6.2017, bà Châu cho biết, chuyện “dĩ lỡ” rồi, bà đồng ý nhận tiền đền bù, nhưng không biết giá cả bao nhiêu là phù hợp, bà có ý nhờ cơ quan chức năng thẩm định đưa ra mức giá thoả đáng.

“Riêng việc đất của tôi bị cấp sổ đỏ luôn cho Phụng và sau đó là bán cho ông Mạnh… tôi không hề hay biết. Tôi nghĩ, cần làm rõ trách nhiệm trong việc cấp trùng sổ theo kiểu khó tin này, sai đến đâu thì xử lý nghiêm đến đó, chứ không thể chỉ thu hồi là xong”.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục