Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Làm văn hoá như phù sa bồi đắp dần dần”
Thứ sáu: 05:35 ngày 23/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh là một trong 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ vinh dự có di sản Nghệ thuật đờn ca tài tử. Làm sao đừng để “nghệ thuật của ông bà, tổ tiên để lại” mất dần.

Cuối tuần, Năm “Thời sự” bỗng dưng dẫn theo Bảy “Phụ nữ” ra quán cà phê cho “có tụ”. Bảy “Phụ nữ” dân Sài Gòn gốc Tây Ninh, đờn ông chánh hiệu, nhưng chuyên lo công tác xã hội liên quan đến Hội Phụ nữ nên thành biệt danh. Rồi cũng bỗng dưng, Bảy “Phụ nữ” nhắc lại chuyện Đoàn Cải lương Tây Ninh, vốn đã bị sáp nhập vào Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh rồi mất dần.

Cha Tư Cà từng là cán bộ ngành Văn hoá từ hồi giải phóng cho đến khi nghỉ hưu. Bản thân Tư Cà, từ nhỏ cho đến lúc bước vào đời, làm báo cũng “ăn cơm, uống rượu” cải lương hàng trăm bận, nên hễ nhắc đến là buồn nẫu ruột.

- Viết về cải lương Tây Ninh nhiều vậy, chứ Tư có biết ngày thành lập Đoàn là ngày nào không?

- Để coi… mười mấy năm trước, có lần em ghé nhà ông Nguyễn Thế Nghiệm (Út Nghiệm, nguyên Trưởng Đoàn Cải lương Tây Ninh - NV), ông nói, thật ra thì cũng chẳng ai nhớ cụ thể là ngày nào đoàn được thành lập, chỉ khoảng khoảng sau ngày Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20.12.1960) ra đời. Sau này, mới thống nhất lấy ngày Chiến thắng Tua Hai (25.12.1960) làm ngày thành lập đoàn.

Tuy nhiên, nếu tính năm thành lập, theo em thì nên lấy mốc cuối năm 1954, Tỉnh uỷ Tây Ninh chỉ đạo cho các cán bộ văn nghệ kháng chiến như ông Bảy Phát, ông Ba Đa (Dương Văn Đa, sau giải phóng là Trưởng Đoàn Cải lương Thanh Bình, sau đổi lại thành Tây Ninh 2) và ông Sáu Hợi thành lập một đoàn cải lương hoạt động công khai, với hơn 40 anh chị em nghệ sĩ, chủ yếu là những người kháng chiến cũ.

Tỉnh uỷ xuất tiền chi 2.000 đồng làm kinh phí thành lập đoàn. Đoàn đóng tại Hảo Đước (Châu Thành) tập múa, tập hát, tập vở “Trần Hưng Đạo bình Nguyên” của ông Trần Bạch Đằng (viết thời kháng Pháp) và vở “Cánh tay Dương Tá” của ông Xuân Phát và ông Sáu Hợi.

Sau đoàn chuyển điểm đóng quân sang bến Tầm Long, rồi về ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền (huyện Châu Thành). Ở đây, đoàn được 3 người dân, gia đình tương đối khá giả nhận đỡ đầu.

Ông Ba Râu, làm nghề thợ cưa cho cây, ván đóng cảnh. Ông Mười Phát (Nguyễn Tấn Phát) có biết vẽ chút đỉnh thì nhận trang trí. Ăn ở thì ông Hai Thinh bao hết. Lúc tập tuồng, “đào” áo xống bình thường, “kép” thì đa số ở trần, mặc quần đùi, vậy mà đêm nào người dân trong mấy xóm ấp ở Thanh Điền, tận dưới Thái Hiệp Thạnh (thành phố Tây Ninh ngày nay) cũng kéo nhau đến xem đông nghịt.

Đến nỗi mấy đoàn hát về rạp Cassie (Nhà Văn hoá Thị xã cũ), được một hai bữa là ế dài dài, có đoàn không đủ tiền trả cho chủ rạp, đành phải bỏ lại toàn bộ cảnh trí, đạo cụ, phục trang… dông mất. Chủ rạp chở ra Thanh Điền tặng luôn cho đoàn.

Bây giờ, Đoàn Cải lương Tây Ninh bị sáp nhập vào Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh, chỉ còn lại được vài người, rồi cũng thất tán hết, chắc cũng ít ai nhớ hay biết gì về thành tích 6 lần vào Hội trường Ba Đình phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ với một vở “Rừng nhựa trắng” vào năm 1985.

Cả 6 lần đến cảnh bà mẹ già do nữ nghệ sĩ Ánh Hồng thủ diễn mang một giỏ mía và củ mì lên thăm đứa con đi lính cho giặc, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đều rưng rưng nước mắt khi nghe bà cụ vô vọng cổ: “Đây là mồ hôi, nước mắt của má. Bụi mía sau hè, giồng khoai trước ngõ. Mía ngọt quê hương, khoai bùi xứ sở, ăn đi con, ăn đi... để nhớ cội, nhớ nguồn”.

Mà sao tự dưng anh nhắc lại chuyện cải lương làm gì hả Bảy?

- À, bữa qua coi tin tức, đọc mấy tin liên quan đến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị triển khai công tác văn hoá, thể thao và du lịch năm 2023, tâm đắc vài điều, lại gặp Tư nên hỏi luôn. Phó Thủ tướng nói vầy: “Văn hoá có những đặc trưng mà ở góc độ nào đó rất khó cho đội ngũ thực hiện. Thứ nhất, đó là quan niệm ngành văn hoá vẫn thường được cho là không làm ra tiền, chỉ tiêu tiền. Thứ hai, làm văn hoá như phù sa bồi đắp dần dần, không phải vấn đề cấp bách, cái tốt nhiều năm mới thấy rõ, cái xấu cũng nhiều năm sau mới bộc lộ, và khi bộc lộ thì phải mất nhiều năm nữa, thậm chí cả thế hệ mới khắc phục được. Khi điều hành, thường thì những vấn đề cấp bách hơn lại được ưu tiên hơn...”.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, không chỉ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, mà cả các bộ, ngành cần quan tâm thực sự, thực chất đến giới văn nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, văn hoá. Trong đó, cần đặc biệt tháo gỡ những vướng mắc về đặt hàng sáng tác, đào tạo trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật; hết sức quan tâm đến tính đặc thù của các ngành biểu diễn nghệ thuật khi thực hiện tinh giản, sáp nhập các đoàn nghệ thuật thay vì sáp nhập cơ học những chuyên ngành nghệ thuật rất khác nhau vào trong một đoàn nghệ thuật sẽ dẫn đến nguy cơ mai một; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào văn hoá, nghệ thuật.

Sân khấu cải lương, ở Tây Ninh, vì nhiều lý do khách quan khác nhau, không tái lập được, nhưng còn phong trào đờn ca tài tử, cũng cần phải có “chiến lược” gìn giữ và bảo tồn. Năm 2014, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đã được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Tây Ninh là một trong 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ vinh dự có di sản Nghệ thuật đờn ca tài tử. Làm sao đừng để “nghệ thuật của ông bà, tổ tiên để lại” mất dần.

- Dân mình, ở miệt Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, vẫn còn người đờn, người vô được 6 câu… Vẫn còn cái nếp bày biện đờn ca trong mỗi cuộc nhậu, vẫn còn người ca hệt Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng ở Phước Chỉ, Trà Cao… Cái gì mà người dân còn giữ, chắc chắn sẽ được bảo tồn thôi anh!

Đ.H.T

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh