Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những chính sách hỗ trợ kịp thời chính là “liều vaccine” hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, giúp doanh nghiệp, NLÐ thêm vững tâm ổn định sản xuất, kinh doanh, chung tay hoàn thành “mục tiêu kép”.
Người dân phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh nhận tiền hỗ trợ.
Ðợt dịch thứ 4 bùng phát kéo dài, diễn biến phức tạp đã làm suy giảm “sức đề kháng” của không ít doanh nghiệp, nhiều người lao động (NLÐ) bị ảnh hưởng về việc làm và thu nhập. Vì vậy, những chính sách hỗ trợ kịp thời chính là “liều vaccine” hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, giúp doanh nghiệp, NLÐ thêm vững tâm ổn định sản xuất, kinh doanh, chung tay hoàn thành “mục tiêu kép”.
Ðể hỗ trợ doanh nghiệp và NLÐ, Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách như: giảm giá điện, nước, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Với tinh thần "Vì dân phục vụ", các địa phương đẩy mạnh công tác t
uyên truyền, triển khai việc xét duyệt hồ sơ, phân bổ và giải ngân ngay tiền hỗ trợ khi nhận được đến doanh nghiệp và NLÐ.
Theo UBND thành phố Tây Ninh, đến nay, Thành phố xét duyệt cho hơn 4.000 trường hợp đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Ðể kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và NLÐ, bên cạnh việc tiếp nhận hồ sơ tại các xã, phường, UBND thành phố Tây Ninh còn đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ trên ứng dụng Tây Ninh Smart.
Bà Nguyễn Thị Thiên Hương, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Tây Ninh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, các xã, phường đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ người dân, như: hướng dẫn người dân gửi đơn, hồ sơ liên quan qua zalo, hộp thư điện tử; trường hợp người dân không có điện thoại thông minh thì cán bộ, tình nguyện viên đến nhà để hướng dẫn, hỗ trợ nộp hồ sơ. Ngay sau khi được tỉnh giải ngân tiền hỗ trợ, Thành phố nhanh chóng trao tiền cho người dân. Ðến đầu tháng 9.2021, Thành phố đã giải ngân cho hơn 4.000 trường hợp.
Bà Hương cũng cho biết, quá trình giải quyết hồ sơ qua ứng dụng Tây Ninh Smart còn hạn chế do thiếu hồ sơ, giấy tờ theo quy định. Do đó, khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên ứng dụng, địa phương thường liên hệ với người dân để bổ sung giấy tờ hợp lệ. Nếu ứng dụng khắc phục được những hạn chế trên thì việc giải quyết hồ sơ sẽ được nhanh chóng hơn.
Ông Nguyễn Văn Rạng, làm nghề bán vé số, đã thất nghiệp hơn 2 tháng qua cho biết: “Khi nhận được tiền hỗ trợ, tôi rất mừng. Mức trợ cấp 1,5 triệu đồng, giảm giá điện, hỗ trợ lương thực, thực phẩm… giúp chúng tôi giảm nhẹ gánh nặng chi phí sinh hoạt trong mùa dịch”.
Xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu được xác định là “vùng xanh”- vùng an toàn dịch bệnh, cuộc sống của người dân từng bước trở lại. Nhận thấy nhiều lao động tự do chưa khai hồ sơ để được hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 68, xã Phước Minh phân công 20 cán bộ đến từng ấp, kêu gọi, giúp những người dân nằm trong diện được hỗ trợ khai báo thông tin, hoàn thiện hồ sơ để sớm nhận được tiền trang trải cho cuộc sống, vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch.
Ông Ðinh Thế Trọng- Chủ tịch UBND xã Phước Minh chia sẻ: dù là ngày nghỉ lễ (Quốc khánh 2.9), nhưng để bảo đảm hỗ trợ người dân kịp thời theo tinh thần Nghị quyết 68, UBND xã tham mưu với Ðảng uỷ thành lập các đoàn gồm cán bộ UBND và các ngành, đoàn thể, cùng tình nguyện viên, cán bộ của ấp xuống địa phương hỗ trợ người dân đăng ký thông tin, khai báo chính xác.
Từ khi Nghị quyết 68 của Chính phủ được ban hành, trên địa bàn xã Phước Minh có 40 đối tượng bán vé số lẻ được phê duyệt hồ sơ với mức trợ cấp 1,5 triệu đồng/người. Tuy nhiên, theo thống kê của UBND xã, hiện nay tại địa phương còn khoảng 670 đối tượng lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó, số người gặp khó khăn tập trung đông nhất tại ấp B4.
Bà Nguyễn Thị Kim Huyền, ngụ ấp B4, làm nghề lao động tự do, cho biết: "Khi địa phương kêu gọi đăng ký thông tin để được trợ cấp thất nghiệp do dịch Covid-19, tôi có đến và được cán bộ ở xã hướng dẫn làm thủ tục rất nhanh. Ðược Chính phủ quan tâm, người nghèo như tôi rất xúc động. Có được số tiền hỗ trợ, bà con có thể vững tâm hơn trong cuộc sống".
Không chỉ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 được trợ cấp, doanh nghiệp cũng được hỗ trợ vay vốn trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến nay có 1 doanh nghiệp giải ngân vốn vay với số tiền 517 triệu đồng. Các cá nhân, doanh nghiệp cần tiếp cận vốn chính sách để tái sản xuất, Phòng giao dịch NHCSXH huyện, thị xã, thành phố sẽ tích cực hỗ trợ hoàn tất hồ sơ và tiến hành giao dịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Với sự chung sức chung lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, tin rằng Tây Ninh sẽ sớm phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.
Vũ Nguyệt