Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
VỤ THI HÀNH ÁN CỦA ÔNG HÀ DUY CƯỜNG (TRẢNG BÀNG):
“Lỡ” ký tên vào hồ sơ yêu cầu đình chỉ thi hành án?
Chủ nhật: 19:44 ngày 08/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gia đình của ông Hà Duy Cường, ngụ ấp Gò Ngãi, xã Phước Lưu, huyện Trảng Bàng (nay là xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) đứng ngồi không yên trước khoản tiền lớn được thi hành án bị mất trắng. Ông Cường tự trách mình đến mức suy sụp tinh thần, chỉ vì ông đã “lỡ” ký tên vào hồ sơ yêu cầu đình chỉ thi hành án.

Ông Cường suy sụp tinh thần vì đã “lỡ” ký tên vào hồ sơ yêu cầu đình chỉ thi hành án

“Tất nhiên, không ai dại đến mức tự ký tên để vĩnh viễn bỏ đi số tiền lên đến hàng tỷ đồng, để rồi sau đó phải trả giá bằng sự ân hận của bản thân và hạnh phúc gia đình. Có chăng do tôi ít hiểu biết pháp luật nên không hề biết sau khi ký tên vào hồ sơ đó sẽ không thể tái yêu cầu thi hành án. Nếu tôi được hướng dẫn, giải thích rõ về quy định này thì chắc chắn đã không ký”- ông Cường ấm ức nói.

Theo đơn của ông Cường gửi đến Báo Tây Ninh, tại Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 22 ngày 24.4.2019 của TAND huyện Trảng Bàng (nay là TAND thị xã Trảng Bàng), bà Huỳnh Thị Giỏi và ông Lê Minh Hoàng có nghĩa vụ trả cho ông Cường số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Sau đó, ông Cường đến Chi cục THADS huyện Trảng Bàng (nay là Chi cục THADS thị xã Trảng Bàng) nộp đơn yêu cầu thi hành án, quyết định thi hành án theo đơn cũng đã được ban hành. Không lâu sau, có người cho ông Cường hay tin bà Giỏi, ông Hoàng không còn tài sản để bảo đảm thi hành án. Đồng thời, người này còn gợi ý ông Cường nên rút đơn yêu cầu thi hành án nhằm đóng lại hồ sơ, tránh để kéo dài gây phiền phức cho “anh em”. 

Ông Cường cho biết, vào thời điểm đó, ông và người gợi ý rút đơn có mối quan hệ tương đối thân thiết. Ông Cường nghĩ thôi thì cứ rút đơn để “anh em” hoàn thành tốt công việc, khi nào phát hiện ông Hoàng và bà Giỏi có tài sản thì nộp đơn yêu cầu thi hành án trở lại cũng không muộn. Ông Cường hoàn toàn không biết về quy định một khi đã ký tên vào hồ sơ yêu cầu đình chỉ thi hành án thì không thể yêu cầu thi hành án trở lại. Người “anh em” cũng phớt lờ về quy định vừa nêu. Ông Cường chưa kịp đến cơ quan thi hành án để rút đơn thì... người đang đề cập đã chủ động mang hồ sơ đến tận nhà để ông Cường ký tên.

Tại điểm c, khoản 1, Điều 50, Luật THADS có quy định: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong các trường hợp sau đây: “... Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”. Tại khoản 2, Điều 52, Luật THADS cũng có quy định về việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong các trường hợp sau đây: “... có quyết định đình chỉ thi hành án”.

Một khoảng thời gian sau, ông Cường phát hiện bà Giỏi và ông Hoàng còn tài sản là phần đất ruộng diện tích 23.977,4m2 tại ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. Ông Cường nộp đơn yêu cầu thi hành án lần 2. Ngày 19.2.2020, Chi cục THADS huyện Trảng Bàng có Văn bản số 08 về việc giải quyết đơn của ông Cường. Theo đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, ngày 16.5.2019, ông Hà Duy Cường đến Chi cục THADS huyện Trảng Bàng để làm việc về nội dung người được thi hành án yêu cầu đình chỉ thi hành án, kèm theo đơn đề nghị đình chỉ thi hành án. Trên cơ sở nội dung làm việc, căn cứ quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 50, Luật THADS, Chi cục đã ra Quyết định số 67 ngày 16.5.2019 về việc đình chỉ thi hành án, quyết định được giao cho ông Cường vào ngày 17.5.2019.

Cũng theo Văn bản số 08, ngày 10.2.2020, ông Cường có đơn đề nghị tiếp tục tổ chức thi hành án. Cụ thể, ông cho rằng do không am hiểu pháp luật, cán bộ không giải thích việc yêu cầu đình chỉ sẽ không được yêu cầu thi hành án trở lại. Vấn đề này, chấp hành viên đã trực tiếp làm việc với ông Cường, giải thích và thông tin cho ông biết, việc yêu cầu đình chỉ thi hành án thì không thể làm đơn yêu cầu thi hành án trở lại. Các biên bản làm việc được thực hiện bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Sau mỗi biên bản làm việc, ông Cường trực tiếp ký và ghi rõ họ tên trên các biên bản, nên việc ông đề nghị tiếp tục tổ chức thi hành án là không có cơ sở để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Qua trao đổi với ông Cường, ông một mực khẳng định hồ sơ yêu cầu đình chỉ thi hành án được ký tại nhà ông, do có người trực tiếp mang đến. Hồ sơ được soạn sẵn, ông chỉ kịp ký tên vào đó mà không đọc rõ nội dung, cũng như không được giải thích rõ về quy định như trên. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng khoảng vài phút, vừa ký xong, người mang hồ sơ đến vội vã ra về. 

“Không có lý do gì để tôi tự nguyện ký tên bỏ đi số tiền được thi hành án hơn 1,3 tỷ đồng, trong khi gia đình tôi đang gặp khó khăn. Sự việc có nhiều uẩn khúc, tôi đang tập trung chứng cứ để tố cáo người đã gợi ý tôi bằng lời nói và trực tiếp mang hồ sơ đến tận nhà để tôi ký. Cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc xác minh, làm rõ động cơ và trách nhiệm của người này, đồng thời tạo điều kiện cho tôi được thi hành án trở lại” - ông Cường trình bày. 

Minh Quốc

Tin cùng chuyên mục