Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành nghị định (dự thảo) trình Chính phủ xem xét thông qua chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Trong đó, ngoài việc được học miễn phí, sinh viên sư phạm còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt gần 4 triệu đồng một tháng. Khoản hỗ trợ này cao hơn lương khởi điểm của một người tốt nghiệp đại học.
HỖ TRỢ 3,63 TRIỆU ĐỒNG MỘT THÁNG
Theo dự thảo, học sinh, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi học sinh, sinh viên sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ.
Sinh viên sư phạm hệ chính quy nhận bằng đại học
Học sinh, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt được áp dụng thống nhất trong năm học và hằng năm được điều chỉnh theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế năm trước liền kề với năm học hiện tại do Nhà nước công bố.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Theo dự thảo, căn cứ vào nhu cầu, kế hoạch đào tạo giáo viên của địa phương và các định mức hỗ trợ quy định tại nghị định, hằng năm, UBND cấp tỉnh lập dự toán kinh phí tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm.
Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương hằng năm theo các quy định hiện hành. Ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ các địa phương khó khăn chưa cân đối được ngân sách. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm do UBND cấp tỉnh chi trả trực tiếp cho cơ sở đào tạo giáo viên theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ. Cơ sở đào tạo giáo viên có trách nhiệm chi trả trực tiếp tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm.
HỌC XONG KHÔNG THEO NGHỀ PHẢI BỒI HOÀN KINH PHÍ
Sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục với thời gian tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo (kể từ ngày được tuyển dụng) sẽ không phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.
Sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác trong ngành giáo dục không đủ thời gian theo quy định sẽ phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Thời gian phải hoàn trả tối đa bằng thời gian được đào tạo tại cơ sở đào tạo giáo viên.
Học sinh, sinh viên sư phạm đang trong thời gian học nhưng bỏ học, chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Học sinh, sinh viên sư phạm bị đình chỉ học tập sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian bị đình chỉ.
Dự thảo nghị định cũng quy định một số chính sách ưu đãi khác đối với sinh viên sư phạm. Theo tinh thần này, học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng chính sách theo quy định đồng thời được hưởng các chính sách trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội, học bổng khuyến khích học tập, tín dụng sinh viên. Học sinh, sinh viên sư phạm dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần) hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật hoặc tự thôi học sẽ được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ.
Nếu không thực hiện đúng cam kết, quy định, người học phải bồi hoàn kinh phí đã được Nhà nước hỗ trợ. Mức tiền bồi hoàn bao gồm kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Tiền bồi hoàn được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Cách tính kinh phí bồi hoàn theo công thức sau: S = (F/T1) x (T1-T2). Trong đó, S là kinh phí hoàn trả; F là khoản học phí và chi phí sinh hoạt được Nhà nước hỗ trợ; T1 là tổng thời gian làm việc trong ngành giáo dục theo quy định được tính bằng số tháng làm tròn; T2 là thời gian đã làm việc trong ngành giáo dục được tính bằng số tháng làm tròn.
Hằng năm, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo danh sách, thông tin cá nhân và kết quả rèn luyện, học tập của học sinh, sinh viên sư phạm cho cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ để có trách nhiệm theo dõi và thu hồi kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt của đối tượng quy định.
Ngành đào tạo giáo viên vốn trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Chỉ tính riêng trong khoảng 20 năm trở lại đây, ngành sư phạm gặp rất nhiều khó khăn khi số lượng học sinh phổ thông theo ngành này ngày càng ít, chất lượng đầu vào không ngừng tuột dốc. Một mặt, số lượng, chất lượng người theo nghề này ngày càng giảm. Mặt khác, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra không tìm được việc làm (trừ giáo viên mầm non). Khâu tuyển sinh càng khó hơn khi Bộ GD&ĐT quy định, để vào học sư phạm, học sinh phổ thông phải xếp loại khá, giỏi về học lực. Quy định này nhằm cải thiện chất lượng đầu vào nhưng cũng vì thế nguồn tuyển ngày càng khan hiếm, vì những học sinh có học lực giỏi lại theo ngành sư phạm không nhiều.
Ngày 17.3 là hạn chót để Bộ GD&ĐT nhận ý kiến đóng góp từ các tỉnh, thành phố trước khi trình Chính phủ xem xét thông qua.
VIỆT ĐÔNG