Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Những năm gần đây, dựa vào lợi thế sẵn có của địa phương, nhiều người trẻ tại Sa Pa bắt tay khởi nghiệp từ du lịch. Những mô hình được xây dựng từ sức trẻ với những cách làm riêng, sáng tạo đã mang lại diện mạo mới cho du lịch Sa Pa.
Sa Pa - vùng đất mộng mơ. Ảnh: Ngọc Bằng
Tuyến du lịch Tả Van - Lao Chải được nhiều khách du lịch lựa chọn, bởi vẻ đẹp bình dị và thơ mộng của thung lũng Mường Hoa, với những tràn ruộng bậc thang quanh co, bao bọc các bản làng. Tại xã Tả Van, những năm gần đây, người dân đã bắt tay vào làm du lịch với các mô hình homestay, bảo tàng, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm… thu hút đông du khách, trong đó có không ít mô hình do thanh niên làm chủ.
Anh Phan Văn Điểm (sinh năm 1992), thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van là một ví dụ. Sau một thời gian tìm hướng thoát nghèo, anh Điểm đã mạnh dạn đầu tư làm du lịch tại gia. Nhà vốn đông con, lại nghèo, nên dù ở ngay trên mảnh đất có tiềm năng du lịch, nhưng từ trước đến nay, gia đình anh Điểm vẫn chỉ làm nông nghiệp. Vợ anh Điểm là dân tộc Dao, nên có bí quyết hái lá thuốc tắm độc đáo của đồng bào Dao đỏ. Nghĩ lớn, anh Điểm vay 200 triệu đồng từ ngân hàng và đầu tư thành lập mô hình dịch vụ tắm lá thuốc. Đây cũng là mô hình dịch vụ tắm lá thuốc đầu tiên tại xã Tả Van. Sau hơn 6 tháng hoạt động, mô hình ngày càng thu hút nhiều du khách, người dân địa phương.
Để thực hiện mô hình này, anh Điểm thường xuyên lên rừng hái lá thuốc, băm và phơi khô, đóng gói sẵn để bán cho khách có nhu cầu. Mỗi ngày, anh dậy từ rất sớm để đun thuốc tắm trong chiếc nồi lớn được nối trực tiếp với các vòi chảy về các thùng tắm bằng gỗ. Khi có khách, anh chỉ cần vặn nước từ nồi thuốc đang đun, hòa với nước nguội, sẵn sàng phục vụ khách khi có nhu cầu. Anh Điểm chia sẻ: Để thuốc tắm đạt chất lượng tốt, các công đoạn đều phải thực hiện cẩn thận và tỉ mỉ. Khách hàng sẽ là người cảm nhận và khẳng định chất lượng dịch vụ của gia đình, nên tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Đây chính là yếu tố đầu tiên để dẫn tới thành công.
Thời gian trước, thanh niên ở xã Tả Van thường đi làm thuê tại các tỉnh xa, hay làm công tại thị trấn, các nhà hàng, khách sạn. Nhưng gần đây, số thanh niên trở về địa phương đầu tư làm du lịch ngày càng nhiều, với những mô hình hấp dẫn. Anh Hoàng Văn Long, chủ một gian hàng thổ cẩm tại thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van chia sẻ: Sau 3 năm vất vả ở Hà Nội làm đủ thứ việc, tôi quyết tâm trở về để khởi nghiệp trên chính quê hương của mình. Từ những mảnh thổ cẩm mẹ vẫn dệt hằng ngày để may mặc, tôi nảy ra ý tưởng giới thiệu mặt hàng thổ cẩm truyền thống của các dân tộc tại Sa Pa tới du khách, thông qua những sản phẩm thủ công. Hiện nay, lượng khách đến cửa hàng tham quan và mua đồ lưu niệm khá đông, tôi tin rằng mình có thể làm giàu trên mảnh đất này.
Anh Hoàng Văn Long quyết tâm khởi nghiệp từ chính những sản phẩm thổ cẩm độc đáo của địa phương.
Không chỉ ở Tả Van, mà các xã khác trong huyện Sa Pa cũng có nhiều mô hình làm du lịch của thanh niên. Vài năm trở lại đây, du lịch Sa Pa như được tiếp thêm “luồng sinh khí” mới từ những mô hình do thanh niên làm chủ. Các tấm gương làm du lịch, phát triển kinh tế tiêu biểu phải kể đến như cô gái dân tộc Mông đầy nghị lực Tẩn Thị Su - người đã thành lập Sapa O’Chau, cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải theo mô hình du lịch cộng đồng; chàng trai Má A Nủ, hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã H’Mông Cát Cát tại xã San Sả Hồ, chuyên sản xuất nhóm sản phẩm từ dệt thổ cẩm, làm đồ thủ công truyền thống, làm nến và đặc biệt là sản phẩm từ tinh dầu thảo dược. Hay như anh Đào A Son ở xã Bản Hồ - người đầu tiên làm tour du lịch Sa Pa giá rẻ; giám đốc người Dao Lý Láo Lở điều hành một công ty có dịch vụ spa, phục vụ khách tham quan và nghỉ dưỡng…
Anh Đặng Văn Thắng, Bí thư Huyện đoàn Sa Pa cho biết: Hiện, trên địa bàn huyện có hơn 100 hộ kinh doanh do thanh niên làm chủ, trong đó, hầu hết là các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch. Sa Pa đang được xây dựng thành khu du lịch quốc gia, nên việc phát triển các mô hình du lịch là hướng đi đúng, cần thiết cho sự phát triển chung của huyện. Để hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn khởi nghiệp từ du lịch, Huyện đoàn phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển và mở rộng các mô hình kinh tế, nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, Huyện đoàn đứng ra ký ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp các đoàn viên, thanh niên tiếp cận vốn vay ưu đãi, góp phần tạo thuận lợi cho thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp.
Thế hệ trẻ Sa Pa đã thay đổi tư duy, cách tổ chức làm du lịch, hướng tới phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Đặc biệt, họ luôn trăn trở làm sao để khai thác hiệu quả nhất vẻ đẹp bản sắc văn hóa của các dân tộc Sa Pa, bản sắc của chính cộng đồng dân cư đang sinh sống. Khởi nghiệp bắt đầu từ chính văn hóa của cộng đồng chắc chắn sẽ là hướng đi hiệu quả và bền vững.
Nguồn Baolaocai