Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù:
“Mở lối” cho những người lầm lỡ trở về
Thứ tư: 07:52 ngày 09/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tháng 8.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (gọi tắt là Quyết định 22). Đây là lần đầu tiên, cả nước có một chính sách rất cụ thể, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định kinh tế gia đình.

Lãnh đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện và tổ chức nhận uỷ thác thị trấn Dương Minh Châu thăm hỏi người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vốn vay trên địa bàn.

“Đường về” rộng mở

Tháng 9.2021, anh H. (ngụ thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu) chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương. Thời gian đầu, những mặc cảm sau khi ra tù khiến cuộc sống của anh gặp chút khó khăn. Tuy nhiên, được gia đình động viên, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ để anh H. có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH. “Nhờ nguồn vốn vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, tôi quyết định đầu tư chăn nuôi bò.

Ngoài lúc đi lái xe dịch vụ kiếm thêm thu nhập, thời gian rảnh tôi đi cắt cỏ, chăm sóc đàn bò. Đến nay, cuộc sống gia đình đã tạm ổn. Có công việc thường xuyên, thu nhập ổn định đã giúp tôi hết mặc cảm, suy nghĩ tích cực hơn, tự tin làm lại cuộc đời mình và quan trọng nhất là không hề nghĩ gì tới “con đường cũ” nữa”- anh H. bày tỏ.

Anh H. là một trong 26 trường hợp chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện Dương Minh Châu được vay vốn theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Hữu Phước- Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Dương Minh Châu cho biết ngay sau khi được tỉnh triển khai Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã kịp thời tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn huyện.

“Chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Quyết định 22, tiếp tục khẳng định ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người lầm lỗi để họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm, vi phạm pháp luật; đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp, tổ chức thực hiện chính sách sao cho kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả”- ông Phước cho biết.

Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Dương Minh Châu cho biết thêm, tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có lãi suất 6,6%/năm, bằng lãi suất cho vay hộ nghèo. Trên cơ sở sàng lọc những người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, Công an xã lập danh sách, tham mưu UBND cấp xã đề xuất danh sách các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, được phê duyệt. Từ đó, đơn vị phối hợp đoàn thể xét danh sách, căn cứ nhu cầu và khả năng của từng hộ vay, hướng dẫn quy trình thủ tục hồ sơ vay. Thời gian vay vốn dài hay ngắn tuỳ theo chu kỳ kinh doanh, mục đích sử dụng nguồn vốn vay để người vay vốn có thời gian đầu tư có hiệu quả và thực hiện tích luỹ, trả dần.

Phù hợp nhu cầu thực tế

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Dương Minh Châu đã xét, giải ngân được 26 trường hợp vay vốn theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Qua kiểm tra của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện và UBND các xã, thị trấn, tất cả các trường hợp vay đều chấp hành sử dụng vốn tốt, đảm bảo việc trả lãi hàng tháng theo quy định.

Ghi nhận thực tế, sau thời gian triển khai tín dụng, UBND huyện đã chỉ đạo công an và các tổ chức nhận uỷ thác trên địa bàn các xã, thị trấn phối hợp rà soát đối tượng đảm bảo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn. Đây là những người có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được UBND cùng cấp xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm. Với phương thức cho vay thông qua hộ gia đình, ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng CSXH.

Theo bà Trần Thị Thu Hiền- Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Dương Minh Châu, qua những lần kiểm tra, về phía chính quyền địa phương, các tổ tiết kiệm vay vốn luôn quan tâm, động viên khích lệ để hộ vay yên tâm lao động, sản xuất, tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống. Các nội dung công việc được phân công cụ thể cho cơ quan, đơn vị, các phòng, ban ngành huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp tổ chức thực hiện. 

Bà Trần Thị Thu Hiền chia sẻ: “Sau những lần đi thực tế đến với hộ vay, được chứng kiến họ không còn tự ti mặc cảm mà vui mừng phấn khởi, chí thú làm ăn qua nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, càng khẳng định thêm ý nghĩa thiết thực, nhân văn của chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là sự động viên rất lớn cho các cán bộ đang làm nhiệm vụ, góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm, đồng hành, hỗ trợ các hộ trong suốt thời gian quản lý, sử dụng vốn vay”.

Phương hướng tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu Trần Thị Thu Hiền cho biết, huyện tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách. Huyện chú trọng rà soát, nắm bắt nhu cầu, định hướng, tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo chặt chẽ, kịp thời về trình tự thủ tục, phát huy hiệu quả vốn vay và thường xuyên kiểm tra, động viên, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình sử dụng vốn.

Trên thực tế, chính sách nhân văn này được thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người chấp hành xong án phạt tù vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ, tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần giảm nguy cơ tái phạm tội.

Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17.8.2023 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, đối tượng được vay vốn bao gồm: Người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá theo quy định; Cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Trong đó, các đối tượng được vay vốn không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật.

Quyết định quy định mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù; 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù và 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.  

Tâm Giang- Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục