Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Du lịch gắn với nông nghiệp:
“Mỏ vàng” chờ khai thác
Thứ tư: 06:14 ngày 12/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Du lịch gắn với nông nghiệp đang được kỳ vọng sẽ là “cú hích” đưa các vùng sản xuất nông nghiệp “sạch”, nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững. Dù loại hình du lịch này đầy tiềm năng, nhưng để tạo sức hút và mang lại hiệu quả cụ thể vẫn còn là một quá trình gian nan.

Làng nghề bánh tráng ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Lê Văn Hải

Hiện Tây Ninh đã có trên 0,5% nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP với 17 cơ sở rau an toàn được chứng nhận VietGAP (diện tích khoảng 70 ha); trên 7 ha sử dụng công nghệ trồng trong nhà màng, nhà lưới; trên 500 ha diện tích cây ăn trái được chứng nhận VietGAP.

Toàn tỉnh có hơn 20.000 ha cây ăn trái. Trong đó, cây mãng cầu có diện tích hơn 5.000 ha, sản lượng mỗi năm khoảng 67.000 tấn; cây nhãn có diện tích khoảng 4.200 ha, sản lượng mỗi năm khoảng 32.000 tấn… Năm 2017, tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông ngiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt trên 25.720 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng và hình thành một số mô hình cây ăn trái, trồng hoa, rau chất lượng cao. Các mô hình này còn là các điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách, giúp các doanh nghiệp, cá nhân có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch. Như dịch vụ tham quan vườn cây và thu hoạch trái (nho, chôm chôm, nhãn...) là nơi thư giãn, trải nghiệm hấp dẫn du khách.

Vườn trái cây Gò Chùa (huyện Gò Dầu) đã tạo “tiếng vang” được khoảng 3 năm nay. Mỗi mùa trái cây chín (khoảng tháng 5 dương lịch), mỗi ngày, chủ vườn đón hàng trăm du khách đến thưởng thức, tham quan. Hay như khu vườn trái cây Bàu Ðồn (cũng ở huyện Gò Dầu), chủ yếu trồng sầu riêng, dâu, chôm chôm, vào mùa trái chín, chủ vườn thu phí từ 30.000 - 40.000 đồng/người và cho khách hái ăn thoải mái trái dâu, chôm chôm. Tuy nhiên, hoạt động của vườn chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Học sinh Trường THPT Dương Minh Châu trồng rau trong Nhà thực hành trồng trọt áp dụng công nghệ cao. Ảnh: Hoà Khang

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Thực tế cho thấy, hầu hết các hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp  còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, trùng lặp, sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn. Ðến nay, tỉnh chưa có nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng cao. Phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách vào mùa xuân, vào vụ trái cây chín mà chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút du khách. Mặt khác, nông dân vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp, chưa được trang bị kỹ năng phục vụ du lịch.

Bên cạnh đó, hệ thống các dịch vụ bổ trợ, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tại các điểm du lịch nông nghiệp cũng chưa được đầu tư. Tính liên kết giữa điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành chưa thu hút du khách.

Chị Trịnh Thị Ðịnh (ngụ thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết đến vườn trái cây ở Gò Dầu và vườn nho ở huyện Dương Minh Châu. Chúng tôi đến Tây Ninh du lịch có ghé tham quan, ăn uống ở các địa điểm này và vài nơi khác. Chất lượng dịch vụ chưa cao, loại hình dịch vụ đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn và chưa có nhiều dịch vụ để du khách xài tiền”.

Ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh nhận định, để du lịch Tây Ninh phát huy tiềm năng cộng hưởng giữa nông nghiệp và du lịch, cần phải có quy hoạch sản phẩm phù hợp, lâu dài. Ngoài việc tích cực xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh còn cần xây dựng thêm nhiều hoạt động lễ hội về nông nghiệp truyền thống gắn với tâm linh, văn hoá; phát triển các làng nghề gắn với du lịch nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương trong việc tạo cơ chế, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Anh Hoàng Ân (ngụ tỉnh Bình Dương) đến Tây Ninh tham quan dịp lễ 2.9 vừa qua chia sẻ: “Tây Ninh có nhiều vườn cây ăn trái như mãng cầu, xoài, nhãn, trang trại nuôi tôm, cá… Ðây đều là những địa điểm đẹp, phù hợp với nhu cầu du lịch tham quan, trải nghiệm hiện nay của nhiều người. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là Tây Ninh chưa tận dụng được tiềm năng lợi thế sẵn có để khai thác du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Một số mô hình đang có thì chưa được đầu tư bài bản, thiếu tính liên kết nên chưa mang lại hiệu quả”.

Quá trình đô thị hoá mạnh mẽ làm cho con người muốn được quay về trải nghiệm và gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn. Vì vậy, việc kết hợp hài hoà giữa du lịch và nông nghiệp sẽ đem lại lợi ích lớn cho nông dân và nền kinh tế.

Du khách tham quan vườn trái cây tại phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh.

Cần đầu tư, khai thác chuỗi phát triển du lịch

Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi phát triển du lịch đang được xem là hướng đi mới của Tây Ninh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân. Trong định hướng phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch sẽ là du lịch sinh thái gắn với hệ sinh thái vườn quốc gia, đồng quê, miệt vườn; du lịch làng nghề; ẩm thực Tây Ninh; du lịch gắn với lễ hội tín ngưỡng…

Ðể hiện thực hoá mục tiêu này, Tây Ninh đang tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với định hướng phát triển chung của nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Ðến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động linh hoạt, phát huy lợi thế sẵn có để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ðiển hình như huyện Dương Minh Châu, vốn nằm trong cụm du lịch trung tâm của tỉnh. Huyện có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú và di tích lịch sử có tiềm năng phát triển du lịch như:

Khu di tích văn hoá Căn cứ Dương Minh Châu; khu vực sinh thái lòng hồ Dầu Tiếng, đảo Nhím... Với những lợi thế đó, huyện Dương Minh Châu đã nỗ lực tuyên truyền, quảng bá, thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, mời gọi đầu tư phát triển du lịch...

Theo ông Dương Văn Ư, Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, việc đưa các sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi phát triển du lịch đang được xem là hướng đi hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Vì vậy, thời gian qua, huyện luôn quan tâm định hướng phát triển du lịch gắn với vùng trồng cây ăn trái chuyên canh như: vùng trồng nhãn tại xã Truông Mít, Lộc Ninh; vùng trồng mãng cầu ven đường 790 nối dài tại xã Suối Ðá; vùng trồng cây ăn trái ven suối Xa Cách tại thị trấn Dương Minh Châu…

Du khách tham quan vườn nho tại xã Phan, huyện Dương Minh Châu.

Thiết nghĩ, để các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái tạo ra đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, giữa ngành Du lịch và ngành Nông nghiệp cần có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ hơn. Ðồng thời, cần kết nối đồng bộ, chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi giá trị phát triển du lịch phát triển đồng bộ, không để tự phát.

Một vấn đề quan trọng nữa là cần có nguồn nhân lực đặc thù của nông nghiệp - du lịch để tạo ra các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp mang tính mới lạ, hấp dẫn đi kèm với phương thức tiếp thị, quảng bá, xúc tiến một cách hiệu quả.

Vũ Nguyệt

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh