Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời”
Thứ tư: 00:43 ngày 27/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mười ba năm đã trôi qua nhưng cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn ám ảnh bởi những hình ảnh lịch sử, hiện vật, chứng tích tội ác của quân xâm lược còn lưu lại nơi đây. Công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển, muốn tìm những hình ảnh đó, ngày nay không có gì khó khăn.

Đoàn đại biểu thanh niên Tây Ninh dâng hoa, thắp hương tại Côn Đảo (ảnh tư liệu).

Năm 2009, trong vai trò người đưa tin sự kiện Liên hoan thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác (khu vực miền Đông Nam bộ), lần đầu tiên chúng tôi đặt chân lên Côn Đảo, một địa danh lịch sử thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mười ba năm đã trôi qua nhưng cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn ám ảnh bởi những hình ảnh lịch sử, hiện vật, chứng tích tội ác của quân xâm lược còn lưu lại nơi đây. Công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển, muốn tìm những hình ảnh đó, ngày nay không có gì khó khăn.

“KHÔNG BIA MỘ, KHÔNG TÊN VÀ KHÔNG TUỔI”

Nhưng để thấy được, hiểu được sự hy sinh vô cùng to lớn của bao thế hệ người Việt yêu nước, bạn nên đặt chân lên hòn đảo từng được mệnh danh “địa ngục trần gian” này, dù chỉ một lần. Thời điểm đó, năm 2009, qua lời cô hướng dẫn viên và các số liệu thống kê, Côn Đảo có lẽ là hòn đảo duy nhất trên thế giới số người chết nhiều hơn số người đang sống. Hòn đảo nằm giữa biển khơi này lúc đó chỉ có hơn bốn ngàn người sinh sống (phần lớn thuộc lực lượng vũ trang), nhưng số người đã khuất bởi chiến tranh nhiều gấp ba lần.

Côn Đảo chỉ rộng hơn 51 cây số vuông nhưng hết Pháp rồi đến Mỹ đã xây dựng 151.334m2  trại giam, riêng phòng giam tù nhân gần 20.000m2, trong đó gồm 44 xà lim, 127 phòng giam, 504 phòng “biệt lập chuồng cọp”.

Trong thời gian 113 năm, tính từ 1862 đến 1975, hàng chục ngàn người yêu nước bị đày ải, giam cầm, hạ sát trên hòn đảo này. Chúng tôi còn nhớ lời cô hướng dẫn viên, nhiều chiến sĩ, đồng bào yêu nước tìm cách vượt ngục nhưng phần lớn trong số đó không vào được tới bờ. Chỉ những ai may mắn mới được thuyền đánh cá cứu vớt.

Nghĩa trang Hàng Dương là một địa chỉ linh thiêng với đồng bào cả nước. Ngay cả những người có tính cách cứng rắn, ít bị cảm xúc chi phối nhất, lần đầu đặt chân lên đây, cũng khó cầm lòng. Sự hy sinh của lớp lớp người Việt trong 113 năm (1862-1975) ở đây, không tính thời gian ba năm trước đó, khi liên quân thực dân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng đánh vào Đà Nẵng, là vô cùng to lớn.

Trong số hàng ngàn, hàng vạn người ngã xuống trên hòn đảo giữa biển khơi để đất nước trường tồn, hẳn không ai không biết liệt nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Người con gái vừa tuổi trăng tròn đồng thời là chiến sĩ an ninh đã bị thực dân Pháp xử bắn. Vụ xử bắn này, không chỉ làm căm phẫn đồng bào trong nước, nó còn gây chấn động ở chính nước Pháp.

Chứng tích lịch sử, nhân chứng lịch sử, bằng chứng lịch sử còn đó. Nhưng, trên không gian mạng xã hội thời gian qua xuất hiện một số người muốn “tẩy trắng lịch sử, chiêu tuyết” cho quân xâm lược rằng, nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc có dấu hiệu nguỵ tạo. Những người này, đa phần là văn nghệ sĩ, nhà báo có hiểu biết, có kiến thức nhất định nhưng thiếu lương tri.

Cho đến hôm nay, dù đã 13 năm kể từ lần đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) đặt chân lên Côn Đảo, chúng tôi vẫn nhớ những vần thơ (gọi là văn xuôi có vần cũng được) miêu tả nghĩa trang Hàng Dương do cô hướng dẫn viên đọc: “Núi Côn Lôn được pha bằng máu/ Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người/ Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/ Mỗi tảng đá là một trời đau khổ” hoặc “Nghĩa địa Hàng Dương vùi thây bao số phận/ Hết lớp này, lớp khác giẫm lên trên/ Mặt phẳng lỳ không mô đất nhô lên/ Không bia mộ, không tên và không tuổi”.

Sự nhiều lời ở đây, có lẽ không còn cần thiết, vì chỉ qua vài dòng văn xuôi- đúng hơn những câu thơ mộc mạc đã khái quát sự hy sinh không giới hạn của những chí sĩ, chiến sĩ, đồng bào yêu nước bị quân chiếm đóng sát hại trên đảo quê hương mình.

LÁ THƯ ĐẶC BIỆT

Tháng 1.1947, mở đầu cho cuộc kháng chiến lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi hay tin con trai của bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Người đã viết một bức thư gửi gia đình vị bác sĩ- một người Công giáo. Trong thư, Bác viết: “Tôi được báo cáo rằng, con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh, để giữ gìn đất nước.

Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Vật chất họ mất, nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn còn với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc.

Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ. Ngài đã đem món của quý báu nhất, là con của mình sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc chắn ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà, thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng”.

Sau năm 1954, bác sĩ Vũ Đình Tụng và gia đình trở về sống ở Hà Nội. Năm 1973, ông đột ngột qua đời. Như có linh cảm về sự ra đi đột ngột này, mấy tháng trước ông đã trao lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho con trai cả và nói: “Đây là của báu của gia đình, nhưng cũng là vật quý của dân tộc, cha trao lại cho con cất giữ cẩn thận, chu đáo. Lá thư riêng này mang nặng tình cảm của cả núi sông, của lịch sử đấy con ạ”. Ngày 10.3.1985, anh Vũ Đình Tuân, con trai cả của bác sĩ Vũ Đình Tụng mang bức thư tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để phục vụ khách tham quan nghiên cứu và học tập.

Câu chuyện giúp chúng ta thêm một lần nữa thấm nhuần sâu sắc phẩm chất đạo đức “Thương yêu con người, sống có nghĩa, có tình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ân tình sâu nặng, những lời chia sẻ động viên, khích lệ kịp thời của Bác có tác dụng an ủi, động viên thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong cả nước. Điều đó làm họ vơi bớt nỗi đau mất mát người thân, cảm thấy tự hào với những gì mà họ đã cống hiến cho quê hương, Tổ quốc.

Ngay những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ sớm nhận thấy vấn đề quan trọng của việc đền ơn đáp nghĩa, đã kịp thời có ứng xử cao đẹp, từ đó tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân để kháng chiến thắng lợi. Cũng từ nghĩa cử cao đẹp đó, sáu tháng sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh chọn ngày 27.7 hằng năm làm ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với nước.

Mộ người anh hùng, liệt nữ Võ Thị Sáu (ảnh tư liệu)

“EM KHÔNG VỀ VẮNG MỘT CUỘC ĐƯA DÂU”

Tối 25.7, bản tin thời sự lúc 19 giờ trên kênh VTV1 đưa tin Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, làm việc với một số cơ quan khoa học, có chức năng, nhiệm vụ giải mã các yếu tố sinh học để trả lại tên cho liệt sĩ (giám định gen). Bản tin có hình ảnh vô cùng xúc động: Thủ tướng Phạm Minh Chính cầm trên tay bức ảnh cụ bà quê ở tỉnh Nghệ An đã 110 tuổi ôm hài cốt người con trai vào lòng sau 51 năm kể từ ngày người chiến sĩ ấy hy sinh.

Thời điểm đó, cụ bà- người Mẹ Việt Nam anh hùng này còn thổn thức, bà còn một người con trai nữa, cũng hy sinh nhưng chưa tìm thấy hài cốt. Vẫn “câu đợi câu chờ” về người con của mình, song vì tuổi cao, người Mẹ Việt Nam anh hùng này đã về với tổ tiên. Phóng viên quay phim ghi lại được giọt nước mắt của người đứng đầu Chính phủ, khi ông nói, biết bao người, ngày chia tay (lên đường ra trận) cũng là lần gặp nhau lần cuối.

Cũng một câu chuyện ở tỉnh Nghệ An, hàng loạt tờ báo, cả Trung ương và địa phương vừa đăng tải câu chuyện “làm đám cưới cho hai liệt sĩ” vô cùng xúc động. Hai anh chị, trai tài gái sắc gặp nhau ở chiến trường, họ thề nguyền hoà bình sẽ thành đôi lứa.

Nhưng, không may, anh chị đã ngã xuống. Mãi gần đây, khi hai bên gia đình tìm được hài cốt của con em mình, họ tổ chức đám cưới cho anh chị. Hai ngôi mộ nằm song song, cô dâu và chú rể nằm bên trong, là hình ảnh ấn tượng nhất của câu chuyện này. “Ngày chia ly đường dài xa hút tắp/ Em không về vắng một cuộc đưa dâu”.

Mới đây, thành phố Hải Phòng và Tây Ninh thực hiện cầu truyền bình với tên gọi “Lịch sử không lãng quên” có chi tiết, người cựu chiến binh ở Trảng Bàng nói, đại ý, nhiệm vụ với đất nước mình đã hoàn thành nhưng việc tìm mộ liệt sĩ, đồng đội thì chưa.

Một lần nữa, xin phép nhắc lại, phải giữ cho được hoà bình, xây dựng đất nước phồn vinh để “máu của các anh các chị không uổng”.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh