Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Viết cho Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11:
“Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng”
Thứ ba: 12:33 ngày 21/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Niềm tin và lương tâm, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm đã, đang và sẽ góp phần hình thành nhân cách cho học sinh- những chủ nhân tương lai của đất nước.

1 Hơn 10 năm trước, VTV1 phát sóng bộ phim “Rừng chắn cát” dài 28 tập, đề cập đến những mặt trái đang tồn tại trong ngành Giáo dục tại thời điểm đó (đến nay vẫn còn). Phim xoay quanh nhân vật chính- một thầy giáo trẻ người thành phố. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, thầy giáo trẻ được điều động về dạy học ở một ngôi trường làng vùng ven biển. Môi trường giáo dục không “lý tưởng” như trong hình dung của anh những ngày còn mặc áo sinh viên.

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng hoa và khen thưởng cho thầy cô trường THPT Nguyễn Chí Thanh đạt thành tích xuất sắc năm học 2022-2023

Là một trường nghèo cả về thành tích dạy học cũng như cơ sở vật chất, đáng lẽ chung lưng đấu cật để đưa trường đi lên thì thầy hiệu trưởng lại chỉ lo cho cá nhân. Nhìn bề ngoài, thầy là một người xởi lởi, bộc trực, luôn chứng tỏ mình làm vì cái chung. Nhưng thực tế ông thích nghe những lời đường mật. Ngôi trường vùng bãi ngang ven biển nghèo kiết xác, tài sản lớn nhất nhà trường đang có là một vườn cây khá lớn do Đoàn Thanh niên và học sinh trồng trọt, chăm sóc. Biết mình sắp đến “chuyến tàu hoàng hôn”, ông cùng kế toán nhà trường (đồng thời là tình nhân của thầy) lên kế hoạch bán vườn cây.

Tay buôn gỗ đưa ra lời bảo đảm: Nếu phi vụ này trót lọt, thầy hiệu trưởng sẽ được lĩnh số tiền “hoa hồng” lên đến hơn 2 tỷ đồng. Một cuộc họp được triệu tập ngay sau khi thầy hiệu trưởng nhận được lời hứa về khoản hoa hồng. Bằng cả “kinh nghiệm quản lý” lẫn uy quyền, hiệu trưởng quyết định sẽ bán vườn cây cho dù nhiều giáo viên, trong đó nổi bật là thầy giáo trẻ người thành phố “cực lực phản đối”.

Hiệu phó nhà trường vốn là một thầy giáo tử tế nhưng lại hơi nhu nhược trước hiệu trưởng. Trong một cuộc gặp tình cờ với người bạn thân, thầy hiệu phó bày tỏ sự bất mãn về môi trường làm việc. Không ngờ anh bạn lại ‘tham mưu” để hiệu phó lật đổ hiệu trưởng. Sau khi được “tư vấn”, hiệu phó bắt tay thực hiện kế hoạch của mình. Thầy bắt đầu lật lại những trang hồ sơ cũ của nhà trường, đặc biệt là hồ sơ, chứng từ kế toán…

Phim cũng đề cập chi tiết đến tình trạng căn bệnh hình thức trong ngành Giáo dục. Giáo viên mới ra trường được 1 năm, nhà trường yêu cầu viết sáng kiến kinh nghiệm. Lính mới lấy đâu ra kinh nghiệm. Không có thì mua. Một thầy giáo thể hiện sự “nhạy bén” khi tìm đến một tiệm internet “đặt hàng”. Chỉ sau vài cái nhấp chuột, một chồng “sáng kiến” được in ra, bìa đóng sẵn. Thầy cô giáo có nhu cầu chỉ cần điền tên vào là thành “sáng kiến” của mình. Một trường đoạn khác, khi “trên” về dự giờ, cô giáo ra ám hiệu: học sinh nào thuộc bài giơ thẳng tay, nếu không thuộc thì giơ… đừng thẳng quá. Học sinh bỏ học nhiều, hiệu trưởng bảo báo cáo ít thôi, nếu cấp trên phát hiện học sinh bỏ học vượt chỉ tiêu đăng ký coi như mất hết danh hiệu…

Đời sống nhà giáo vốn còn nhiều nỗi nhọc nhằn. Trong phim có những chi tiết làm người xem phải đắng lòng. 20.11, ngày xã hội tôn vinh người thầy nhưng chính trong ngày lễ ấy, một thầy giáo phải đi chở hàng thuê để cải thiện. Khi thầy đang còng lưng đẩy xe hàng ra bến thì một nhóm học sinh chạy đến tặng thầy bó hoa. Lưng ướt đẫm mồ hôi, nụ cười méo xệch, thầy đưa tay đón nhận tình cảm của học sinh, còn các em thì thay nhau đẩy xe hộ thầy một đoạn đường.

Không phải mọi thứ đều màu xám. Trước tình cảnh như thế, những thầy cô lớn tuổi, có nhân cách, tâm huyết với sự nghiệp trồng người đã cùng với những giáo viên trẻ quyết đứng lên. Họ quan niệm: thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi rủa bóng tối. Thầy giáo trẻ người thành phố chấp nhận chia tay mối tình đẹp như mơ để ở lại với ngôi trường, tất cả vì “hạnh phúc của tuổi thơ và cho đời thêm sức sống”… Những người làm phim đã phát đi thông điệp: Dân tộc Việt Nam luôn đánh giá đúng vai trò, công lao của người thầy, của ngành Giáo dục. Chính vì vậy, để cho “thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp” thì những chuyện lôi thôi trong nghề được gọi là cao quý này cần phải được chấm dứt.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tặng hoa thầy Nguyễn Tấn Tài- Hiệu trưởng nhà trường.

2  Trước ngày 20.11, một thầy giáo gọi điện “tám”: “Có mấy chuyện hay hay, sắp đến ngày kỷ niệm của nhà giáo nên muốn chia sẻ, không biết nhà báo có sẵn sàng nghe không?”.

Thầy giáo kể, cách nay vài hôm, anh nhận được một cú điện thoại lạ từ TP. Hồ Chí Minh. Ở đầu dây bên kia, một giọng nữ cất tiếng: “Thầy ơi, trước ngày 20.11, em sẽ về thăm thầy, kèm theo một món quà”. Tối đến, thầy giáo nhận được tin nhắn: “Em biết ơn thầy nhiều lắm, nhưng em không muốn nói ra. Chỉ có thể nói rằng, thầy đã dạy bảo em rất nhiều. Ngày ấy, em nhớ mình đã bỏ học hơn nửa tháng, nếu thầy không vào động viên, chắc em bỏ luôn. Bây giờ đang ngồi trên giảng đường, nhưng em vẫn thường hay suy nghĩ: Đây là thực hay mơ? Em vẫn thường hay kể với lũ bạn em về thầy. Thật lòng, em đã may mắn khi được học thầy”.

Một lần khác, trong lúc đi dự hội nghị do ngành Giáo dục tổ chức, thầy giáo lại bắt gặp một cảnh khác: Người trình bày hội nghị hôm ấy là một học trò cũ của anh. Dù đã lâu không gặp nhưng anh vẫn nhận ra gương mặt của cô học trò ngày xưa anh từng dạy. Sau khi hội nghị kết thúc, cô học trò đến chào người thầy năm xưa và tiện thể “báo cáo thành tích”: “Em đã học xong cao đẳng sư phạm, sau đó học tiếp đại học và chỉ ít hôm nữa, em sẽ thi cao học”. Rồi cô giáo trẻ làm luôn một mạch: Ngày xưa, thầy chả nói, con hơn cha là nhà có phúc, trò hơn thầy đất nước sẽ hưng thịnh là gì! Thầy đã học cao học chưa? Hay là thầy đi thi cao học, nếu đậu, hai thầy trò học chung lớp, chung một mái trường cho vui… như ngày xưa thầy dạy em? Trước khi ra về, cô học trò còn nói: Nếu em thi đậu cao học, người đầu tiên em báo tin sẽ là thầy.

3 Dù còn nhiều yếu kém, bất cập và lạc hậu, song không thể không ghi nhận những đóng góp vô cùng lớn lao của đội ngũ giáo viên. Họ chứ không phải ai khác là người mở ra chân trời mới- chân trời khoa học và tri thức cho con người. Trong bài “Cổng trường mở ra” của nhà văn kiêm dịch giả Lý Lan, người mẹ nói với con khi thiên thần lần đầu đến trường: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kỳ diệu sẽ mở ra…”. Người thầy chính là người nhóm lên ngọn lửa - “một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng” để lớp lớp học trò vững bước trên con đường tiếp cận và chinh phục đỉnh cao của khoa học, của tri thức. Để đưa những người khách đặc biệt sang bên kia sông, người chèo đò đặc biệt phải là người có ý thức trách nhiệm, có lương tâm nghề nghiệp và có niềm tin vững chắc. Lương tâm và niềm tin là điểm tựa cho những người sinh ra để được đứng trên bục giảng. Chỉ có lương tâm và niềm tin mới giúp nhà sư phạm vốn đầy tính mô phạm giống như người nghệ sĩ. Khi bước vào lớp, thầy cô phải gác lại nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhường chỗ cho những câu Kiều hay các phương trình phản ứng. Không có niềm tin thì làm sao có thể chịu đựng nổi 45 phút cần mẫn dựng lại mấy ngàn năm lịch sử giữa bốn bức tường trước không ít học sinh, mà lắm khi, quá nửa số đó gần như vô cảm, “bất động” vì “năm nay chắc không thi môn này”.

Trên khắp mọi miền của đất nước, có rất nhiều thầy cô giáo đã và đang âm thầm đóng vai trò “hai trong một”: vừa là thầy cô vừa là cha mẹ. Có những câu chuyện về tình thầy trò cứ như cổ tích, nói chính xác hơn, đó là truyện cổ tích thời hiện đại. Đó là chuyện một cô giáo đã nuôi và dạy miễn phí cho những tài năng con nhà nghèo. Đó là chuyện các cô giáo trẻ ở miền núi cao lặn lội đến từng thôn bản trên những rặng núi cao để “kêu gọi” học trò đi học. Lúc còn tại nhiệm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân có lần kể, những cô giáo trẻ vùng cao hiếu khách, niềm nở nhưng ít khi các cô nở nụ cười chỉ vì sợ… vô duyên. Do thiếu thực phẩm, cô giáo chỉ biết hái hau rừng làm thức ăn. Ăn riết khiến hàm răng ngọc ngà ngày nào giờ đã “chuyển màu” và xuống cấp trầm trọng.

Niềm tin và lương tâm, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm đã, đang và sẽ góp phần hình thành nhân cách cho học sinh- những chủ nhân tương lai của đất nước. Niềm tin và lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, như có người đã nói, phải là ánh sáng của ngọn đuốc chứ không chỉ là ánh sao đêm trên con đường khổ hạnh của nhà giáo - người đưa đò thầm lặng.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục