Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trước diễn biến nguy hiểm, khó lường của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lẫn trong nước đã phải ngừng sản xuất, kinh doanh và cho người lao động nghỉ việc hoặc tạm thời nghỉ làm.
Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp dệt may.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 7 khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi chung là KCN). Trong đó, có 5 KCN đã được cấp phép thành lập và hoạt động gồm: Trảng Bàng, Linh Trung III, Thành Thành Công, Phước Đông, Chà Là; 2 KCN trong khu kinh tế gồm KCN TMTC và KCN Đại An.
Trong đó, có 258 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 96 doanh nghiệp trong nước; có 242 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 134.485 lao động (trong đó có 131.339 Việt Nam), 78.077 lao động nữ chiếm tỷ lệ 58,67% lao động Việt Nam toàn khu và 3.146 lao động nước ngoài, trong đó, đã nhập cảnh và đang làm việc tại Tây Ninh là 2.507 người.
Trước thực trạng dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế đã rà soát tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại các KCN, khu kinh tế, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh .
Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nhiều vướng mắc, khó khăn do dịch Covid-19 như: một số công ty có các nhà quản lý, chuyên gia kỹ thuật chưa thể qua Việt Nam để trực tiếp quản lý, điều hành dự án, dẫn đến các dự án đang trong giai đoạn triển khai bị chậm lại hoặc tạm dừng.
Ngoài ra, đối với các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, nguồn nguyên liệu sản xuất cũng như thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tạm ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng; việc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài- nhất là từ Trung Quốc còn khó khăn.
Mặt khác, một số dự án có đơn hàng dự kiến giảm từ 15% - 20%, kéo theo doanh thu sẽ giảm so với cùng kỳ hằng năm. Cá biệt có một số dự án đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ giảm 100%. Trong khi đó, việc nhập khẩu máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất gặp khó khăn. Dự kiến trong thời gian tới, có một số doanh nghiệp dừng hoạt động, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ. Hiện tại, có một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất khiến hàng ngàn người lao động phải ngừng việc.
Công ty TNHH Royal Alliance Vina (KCN Trảng Bàng) có 100% sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ nhưng đến thời điểm hiện tại, toàn bộ đơn hàng đều bị huỷ. Hơn nữa, công ty không có đơn đặt hàng, không nhập được nguyên liệu sản xuất, trong khi đối tác Mỹ chưa thanh toán các đơn hàng đã xuất nên công ty đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Vì vậy, công ty đã quyết định cho 661 công nhân ngừng việc và hỗ trợ 70% mức lương tối thiểu vùng.
Công ty TNHH Park Corp (KCN Trảng Bàng) có các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Canada, nhưng trong giai đoạn hiện nay, các đơn hàng của công ty cũng đều bị huỷ. Công ty đã cho 852 công nhân nghỉ phép năm từ ngày 28.3 đến ngày 2.4.
Công ty TNHH Dệt may Hoa Sen (KCN Trảng Bàng) đã ngưng xuất khẩu không có thời hạn, vì hàng xuất chủ yếu sang Mỹ, Canada và các nước có dịch bùng phát mạnh. Do hàng tồn đọng không xuất đi được, không có chỗ lưu kho nên từ ngày 27.3.2020, công ty đã tạm thời cho công nhân nghỉ việc và hỗ trợ cho công nhân 45 ngày lương.
Công ty TNHH Cocreation Grass Corporation Việt Nam (KCN Phước Đông, huyện Gò Dầu) có 1.216 công nhân đang làm việc. Một số nhân viên sử dụng laptop làm việc tại nhà, công ty vẫn chi trả đủ lương. Từ ngày 23.3, công ty ngưng tuyển dụng lao động phổ thông. Khách hàng chủ yếu của công ty là các nước châu Âu, các nước này đã đóng cửa biên giới để ngăn ngừa dịch Covid-19, ảnh hưởng đến việc xuất hàng của công ty. Công ty vẫn đang sắp xếp công nhân sản xuất theo đơn hàng để chờ ngày biên giới mở cửa.
Công ty TNHH dệt may Rise Sun Hồng Kong (TTC) gặp một số khó khăn ảnh hưởng sản xuất như: công ty có một số quản lý là người Trung Quốc đến nay vẫn không nhập cảnh qua Việt Nam được. Hơn nữa, nguyên liệu sản xuất chính là sợi được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng việc nhập khẩu đang gặp khó khăn; thị trường xuất khẩu sang Campuchia, Âu Mỹ bị hạn chế; vận chuyển đường bộ sang Campuchia cũng bị chặn.
Đứng trước nhiều khó khăn, công ty đã quyết định cho 1.200 công nhân ngừng việc. Tiền công, tiền lương hỗ trợ cho công nhân sẽ được công ty thương lượng với đại điện ban chấp hành công đoàn, bảo đảm tuân thủ đúng theo quy định.
Tại Khu chế xuất - công nghiệp Linh Trung III (thị xã Trảng Bàng), do không có đơn hàng nên công ty đã cho 29/31 công nhân ngừng làm việc; Công ty CP CNTP Thabico cho 55/62 lao động ngừng việc; Công ty TNHH Saiglass-HCM-Vietnam cho 15/18 lao động ngừng việc. Các công ty trả lương cho công nhân ngừng việc theo mức lương tối thiểu vùng.
Nhiều doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc không lương
Thay vì cho người lao động tạm thời nghỉ việc, nhiều công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với người lao động với lý do dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, làm doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề.
Công ty TNHH Gloryday fashion (huyện Tân Châu) có 378 công nhân lao động. Từ ngày 4.4 -5.4, công ty cho công nhân nghỉ phép năm. Từ ngày 6.4 đến ngày 16.4, công ty cho công nhân nghỉ không lương. Từ ngày 17.4 - 29.4, công ty chi trả 50% tiền lương cơ bản cho công nhân lao động. Từ ngày 4.5 trở đi, nếu được gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thì công ty sẽ tiếp tục làm việc lại bình thường.
Các công ty sản xuất bột mì, cao su trên địa bàn huyện Tân Biên như Hồng Cúc, Thanh Bình, Tiến Thành, Hưng Thịnh, Đại Lộc, Phúc Thắng... đã cho công nhân tạm ngừng việc.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, tính đến hết ngày 1.4, toàn tỉnh có 27 công ty cho công nhân lao động tạm nghỉ, nghỉ phép năm, nghỉ không hưởng lương, nghỉ hưởng chế độ với hơn 11.500 người. Trong đó, dự kiến sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 3.000 người.
Tạm ngừng công việc do Covid-19 vẫn được nhận mức lương tối thiểu
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội có Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL gửi các doanh nghiệp, các đơn vị trực thuộc hướng dẫn trả lương cho người bị ngừng việc do dịch Covid-19 ở các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phải cho lao động nghỉ việc.
Theo đó, công văn hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc trả lương, tạm hoãn hợp đồng lao động... đối với những lao động bị ngừng việc do dịch Covid-19. Công văn nêu rõ, do tác động bởi dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất khiến nhiều người lao động phải ngừng việc.
Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan để xác định.
Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp, người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly… thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động. Theo đó, tiền lương do hai bên thoả thuận, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động.
Trong trường hợp nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động. Nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.
Nhi Trần