Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tây Ninh có hai con sông lớn kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, rất thuận lợi để phát triển vận tải đường thuỷ nội địa.
Tàu chờ lấy hàng trên sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh: Đ.H.T
Sông Vàm Cỏ Đông ở phía Tây Nam, bắt nguồn từ Campuchia chảy qua địa phận hai tỉnh Tây Ninh, Long An từ phía Bắc xuống phía Nam hợp với sông Vàm Cỏ Tây thành sông Vàm Cỏ rồi đổ ra biển, chỉ riêng đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 105km.
Trên sông có tuyến đường thuỷ nội địa Sài Gòn - Bến Kéo (từ ngã ba Kênh Tẻ đến cảng Bến Kéo dài 143km), đạt tiêu chuẩn luồng cấp III, hiện do Trung ương quản lý; tuyến kết nối trực tiếp Tây Ninh với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Đoạn qua địa bàn tỉnh Tây Ninh có 4 cảng đang khai thác, bao gồm: Bến Kéo, Thanh Phước (cảng container), cảng xăng dầu LPG, cảng Xi măng Fico.
Từ các cảng này, phương tiện thuỷ đi đến các cảng Sài Gòn, Hiệp Phước, Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải.... Đoạn sông còn lại địa phương quản lý từ cảng Bến Kéo đến Vàm Trảng Trâu (giáp Campuchia), tỉnh đã đầu tư đạt tiêu chuẩn luồng đường thuỷ cấp III-IV, thuận lợi vận chuyển hàng hoá từ Campuchia qua cửa khẩu Xa Mát, Chàng Riệc, Tân Nam, Phước Tân và khu vực phía Tây - Bắc của tỉnh.
Sông Sài Gòn là nhánh chính của hệ thống sông Đồng Nai, bắt nguồn từ Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) chảy hướng Đông Bắc - Tây Nam, theo ranh giữa các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, sau đó đổi hướng Tây Bắc - Đông Nam đến ngã ba Cát Lái, hợp với sông Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp… đổ ra biển với chiều dài 219km.
Trước đây chưa có quy hoạch luồng đường thuỷ nội địa đến tỉnh Tây Ninh là do vướng tĩnh không cầu Bình Lợi (trên đường sắt) chỉ có 1,5m. Hiện nay, cầu Bình Lợi đã được tháo dỡ, Bộ GTVT đã quy hoạch kéo dài đường thuỷ nội địa Sài Gòn - Bến Súc đến Bến Củi, đạt tiêu chuẩn luồng cấp II.
Đây sẽ là tuyến đường thuỷ nội địa chính thu hút lượng hàng hoá từ Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, hay hàng hoá từ Campuchia qua các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, cửa khẩu chính Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân... đến cảng Cát Lái, cảng Sài Gòn và các cảng khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
LỢI THẾ CỦA VẬN TẢI ĐƯỜNG THUỶ
Vận tải bằng đường thuỷ nội địa có nhiều lợi thế như: đầu tư hạ tầng không lớn, chủ yếu là đầu tư hạ tầng cảng và bốc xếp, phao tiêu đường thuỷ; chuyên chở được khối lượng lớn và vận tải được các hàng siêu trường, siêu trọng; chi phí thấp... Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả cần có những điều kiện phù hợp như: cự ly vận chuyển xa (trên 120km), nguồn hàng lớn, hàng hoá không yêu cầu nhanh về thời gian...
Theo đại diện cảng Bến Kéo (xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành), tổng khối lượng hàng hoá xuất, nhập qua hệ thống cảng này năm 2020 khoảng 219.000 tấn - đạt khoảng 20% công suất quy hoạch (1 triệu tấn/năm).
Qua điều tra và thống kê, sản lượng vận tải hàng hoá của tỉnh năm 2020 đạt khoảng 46 triệu tấn, trong đó vận tải bằng đường bộ chiếm 91,74% (khoảng 42,2 triệu tấn/ năm), cự ly vận chuyển trung bình khoảng 150km; khối lượng vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ nội địa chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 3,7 triệu tấn (chiếm khoảng 8,26%), trong đó, khối lượng hàng hoá thông qua của 4 cảng trên 1 triệu tấn - đạt khoảng 25% công suất.
Một doanh nghiệp vận tải hàng hoá bằng đường bộ cho rằng, nếu so sánh về chi phí, vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ thấp hơn đường bộ khoảng 30%-40%; phương tiện vận tải thuỷ vận chuyển khối lượng hàng hoá gấp nhiều lần so với đường bộ. Và điều quan trọng là, nếu vận tải đường thuỷ phát triển sẽ giảm áp lực rất nhiều cho hệ thống giao thông đường bộ - vốn ngày càng “chật chội”.
Theo doanh nghiệp này, tỉnh chú trọng phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ với nhiều cảng có quy mô lớn, có công suất khai thác cao, thì doanh nghiệp không còn quá phụ thuộc vào hạ tầng giao thông đường bộ như hiện nay.
Cầu Bến Đình - nối nhịp đôi bờ. Ảnh: Nhật Tường
TƯƠNG LAI RỘNG MỞ
Với tuyến sông Sài Gòn, cầu Bình Lợi cũ được tháo dỡ (không còn bị hạn chế tĩnh không cầu) và luồng tuyến được quy hoạch kéo dài đến tỉnh Tây Ninh, Bộ GTVT đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2022 dự án nạo vét luồng đường thuỷ nội địa đạt tiêu chuẩn luồng cấp II (tàu 2.000 tấn lưu thông), thời gian thực hiện trong năm 2021-2022.
Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư dự án Khu đa chức năng Trung tâm logistics, cảng tổng hợp và cảng thuỷ nội địa Tây Ninh, ở khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn, giáp 3 địa phương (TP. Hồ Chí Minh, hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương) thuộc thị xã Trảng Bàng. Dự án đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, phục vụ vận tải đa phương thức, trung chuyển, lưu kho hàng hoá cấp vùng.
Bộ GTVT đang tổ chức lập các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa. Theo dự thảo báo cáo cuối kỳ đang được Cục Đường thuỷ nội địa trình Bộ GTVT xem xét, định hướng quy hoạch phát triển giao thông đường thuỷ nội địa, gồm: Chuyển cấp tuyến luồng đường thuỷ nội địa trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ cảng Bến Kéo đến giáp Campuchia thành tuyến luồng đường thuỷ nội địa quốc gia.
Ngoài 4 cảng thuỷ nội địa đang khai thác trên sông Vàm Cỏ Đông và cảng Hưng Thuận (thị xã Trảng Bàng) đã có nhà đầu tư, Quy hoạch bổ sung các cảng hàng hoá tổng hợp, cảng hành khách tại các khu vực kết nối giao thông thuận lợi với đường bộ, như: cụm cảng Dương Minh Châu, cảng Phước Đông (sông Sài Gòn); các cảng Gò Dầu, Thạnh Đức, Bến Đình, Gò Chai, Bến Sỏi, Châu Thành, Hảo Đước, Cây Ổi, Vàm Trảng Trâu (sông Vàm Cỏ Đông).
Song song đó, Sở GTVT đã chuẩn bị trước và triển khai cho các địa phương chuẩn bị phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tỉnh đang lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch). Hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa sẽ tiếp tục được quy hoạch, bổ sung trong quy hoạch này để làm cơ sở đầu tư phát triển, như: các cảng thuỷ nội địa tại các khu vực có kết nối giao thông thuận lợi giữa đường bộ và đường thuỷ, các trung tâm kết nối vận tải đa phương thức, cảng cạn ICD, dịch vụ logistics... và các dịch vụ hai bên tuyến sông phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.
Đã đến lúc tuyến đường thuỷ nội địa - “nàng công chúa” ngủ quên cần được đánh thức, góp phần xây dựng quê hương Tây Ninh ngày càng giàu đẹp hơn.
T.H