Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Ngăn chặn tin giả trên mạng xã hội: Cần giải pháp đủ mạnh”
Thứ tư: 14:59 ngày 26/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vài năm trở lại đây, truyền thông mạng xã hội trở thành một thế lực trong giới truyền thông toàn cầu. Thế nhưng, đằng sau mặt tích cực, mạng xã hội cũng để lại nhiều hệ lụy khó lường, đặc biệt, nạn tin giả có tác động lớn đến đời sống chính trị, xã hội của các quốc gia và tình hình quốc tế. Để phân tích, góp thêm tiếng nói và đưa ra những đề xuất, kiến nghị về vấn đề này, Báo Hànộimới xin giới thiệu loạt bài “Ngăn chặn tin giả trên mạng xã hội: Cần giải pháp đủ mạnh” .

Bài đầu: “Hàng giả” - mục đích thật

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu báo chí Reuter (Đại học Oxford, Vương quốc Anh), 44% số người được hỏi tại 26 quốc gia coi mạng xã hội Facebook là nguồn tin chủ yếu, trong khi con số này với báo in chỉ là 24%. Vì thế, nếu thông tin trên mạng xã hội là tin giả, sai lệch, được duy trì trong thời gian dài thì “hàng giả” dễ trở thành “hàng thật”, phục vụ cho những mưu đồ đen tối. Ở nước ta, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng tình trạng tung tin giả, mạo danh trên mạng xã hội cũng khá phổ biến.

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dùng mạng xã hội cao, do vậy cần có những biện pháp quản lý đủ mạnh.

Theo thống kê của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến giữa năm 2018, Việt Nam có khoảng 360 mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp giấy phép và đang hoạt động. Với khoảng 55 triệu người đang sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 57% dân số và chủ yếu sử dụng Facebook, YouTube, Zalo…, Việt Nam đứng trong tốp 7 quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội đông đảo trên thế giới.

We Are Social (một công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội, có trụ sở tại Anh) thống kê: Trung bình mỗi ngày người Việt Nam sử dụng internet hơn 5 giờ (đối với người dùng máy tính) và gần 3 giờ (đối với người dùng điện thoại thông minh). Trong đó, thời gian sử dụng mạng xã hội là hơn 3 giờ/ngày, một quỹ thời gian lớn so với nhiều quốc gia khác.

Điểm qua tình hình để thấy rằng, nếu sử dụng internet cũng như mạng xã hội đúng mục đích và phù hợp, đây sẽ là công cụ hữu hiệu giúp mỗi cá nhân trao đổi thông tin, giải trí; góp phần quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như vậy, đặc biệt là với các thế lực thù địch, các phần tử phản động lưu vong được sự tiếp tay của những kẻ bất mãn chính trị trong nước đã lợi dụng mạng xã hội để ra sức chống phá Đảng, Nhà nước ta thông qua việc cung cấp tin giả (fake news). Đặc biệt, thời gian qua, tình trạng mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các tổ chức chính trị, cơ quan; chia rẽ các lực lượng vũ trang với nhân dân… đang gia tăng và diễn biến phức tạp.

Mới đây, Văn phòng Quốc hội đã có thông báo về sự xuất hiện của 19 trang thông tin điện tử (website) đi kèm với 36 tên miền quốc tế mạo danh Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội. 36 tên miền này đều được đăng ký tại nước ngoài và sử dụng dịch vụ ẩn giấu thông tin chủ thể… Tương tự, trên môi trường internet, nhất là mạng xã hội, các trang mạo danh liên quan đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ xuất hiện khá nhiều. Nguy hiểm là các trang này cập nhật thường xuyên thông tin đăng trên các kênh báo chí chính thức để tạo niềm tin với bạn đọc, nhưng sau đó dần dần thay thế bằng thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.

Không chỉ thông tin về các đồng chí lãnh đạo cấp cao bị giả mạo, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước cũng bị mạo danh. Gần đây nhất là trên Facebook xuất hiện tài khoản “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” đã đưa nhiều thông tin sai trái. Ngày 3-4-2019, trên trang này xuất hiện tiêu đề “Chỉ đạo chính thức của Ban Tuyên giáo Trung ương về vụ “Hôn bé gái trong thang máy” (tức vụ Nguyễn Hữu Linh có hành vi dâm ô với trẻ em, xảy ta tại thành phố Hồ Chí Minh - PV).

Chỉ sau chưa đến 1 ngày đăng, tài khoản này đã thu hút tới 1.600 lượt bình luận (comment) và gần 1.000 lượt chia sẻ (share). Trước đó, ngày 11-3-2019, sau khi cơ quan chức năng công bố “Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm”, lợi dụng những thông tin trao đổi về nội dung dự thảo, ngay lập tức tài khoản giả mạo “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” đã có nhiều bài với nội dung thất thiệt với ý đồ không lành mạnh…

Phụ họa cho các trang mạng xã hội mạo danh kiểu như trên, thời gian qua, các thế lực thù địch, các đối tượng bất mãn và cơ hội chính trị “có truyền thống” như tổ chức khủng bố Việt Tân, Phong trào anh em Dân chủ, Hội cờ vàng… cũng triệt để lợi dụng internet và lập nhiều trang Facebook để truyền bá thông tin giả, xuyên tạc tình hình trong nước. Điển hình là tài khoản “Nhật ký yêu nước”, “Friend of Việt Tân”, “Thanh niên công giáo”, “Radio Chân Trời Mới”, VOA blog… và hàng loạt trang Facebook của Cù Huy Hà Vũ, Đoan Trang, Nguyễn Văn Đài, Bùi Thanh Hiếu, Dũng Vova… đăng tải bài viết, chủ đề (status) với những ngôn ngữ, luận điệu đầy tính kích động, phản động.

Mục đích của nhóm đối tượng trên rất rõ ràng, là đẩy mạnh thực hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Chúng xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận mọi thành tựu công cuộc đổi mới đất nước, hô hào thực thi chiến lược “diễn biến hòa bình” và khi có cơ hội là tiến hành bạo động mà sự việc xảy ra ở tỉnh Bình Thuận tháng 6-2018 là điển hình.

Tác hại của những thông tin mạo danh, tin giả thông qua mạng xã hội đến nay chưa thể định lượng hết được. Song, có thể khẳng định những luồng thông tin xấu độc có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Và đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thông tin giả của thế lực “mạng đen” chính là lớp trẻ, những người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Hệ lụy của thông tin xấu độc ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng xã hội cả trong hiện tại và tương lai.

… Cuối năm 2019 và trong năm 2020 là quãng thời gian tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng (dự kiến tổ chức trong quý I-2021) và đây sẽ là “điểm rơi” để các thế lực thù địch, phần tử phản động câu kết chống phá trên “mặt trận” mạng xã hội. Sẽ là không ngạc nhiên khi những vấn đề liên quan đến đời tư các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; công tác chuẩn bị nhân sự; phòng, chống tham nhũng… sẽ được chúng “đổi trắng thay đen” với tần suất mạnh hơn.

(Còn nữa)

Nguồn Hà Nội Mới

Nguồn hanoimoi

Tin cùng chuyên mục