BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ðời vô thường lắm

Cập nhật ngày: 28/02/2021 - 23:02

BTN - Bác sĩ báo, bà Hóc Môn có khối u trong gan cỡ 3cm, bả cười khả khả, nhỏ Út coi như không. Nó giới thiệu cho bà U60 con bạn “kim tinh hoả nhãn”, chỉ cần nhìn mặt, nói chuyện qua video call của Zalo là có thể phán chuyện quá khứ vị lai, như thần. Nó gọi, rồi giao điện thoại cho bà.

Tuổi Phật

1.

Ngày đầu tiên mẹ tôi nhập viện, vừa trải tấm grap giường, tôi giật bắn cả người khi nghe một dây tiếng Tàu “bắn” sát bên tai. Chết, nãy giờ quên đeo khẩu trang, không biết có phải là “người về từ Wuhan” không nữa.

Mẹ tôi là bác sĩ, nghỉ hưu đã lâu, nhưng vẫn còn quen với cảm giác vướng víu, ngột ngạt trong khẩu trang bịt gần kín mặt - nên phần nào cũng yên tâm. Kín đáo quay lại quan sát, hây-dà-da, làm hết hồn hà, mấy bác Ba Tàu Chợ Lớn, nhìn cách ăn mặc là biết.

Bà lão tên A Muội tóc bạc phơ, mỏng lét, dính sát xuống giường, xoay quanh là hai người phụ nữ - một da trắng, một da hơi ngăm - đang cố nâng bà dậy để thay tã. Họ “trâm” liên tục, giọng rổn rảng, như AK gạt nút la-phan.

Một bà chị làm việc ở Tập đoàn Cao su Việt Nam, nuôi người mẹ quê Củ Chi, nằm giường kế bên bắt chuyện: “Bà cụ người Tàu đó 93 tuổi rồi, thọ dữ hôn?”. Ừ, bằng tuổi bà nội tôi khi mất. Cha thầy tụng Cầu Ván phán: Thọ cỡ đó khỏi coi ngày, tuổi Phật rồi, làm gì có sách nào viết mà coi.

2.

Tối, đúng 8 giờ, giờ khoa Nội - Tiêu hoá đóng cửa, một ông cụ người Tàu - áo thun, quần sọt, tầm hơn 70 nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn bước vào, đồ chừng đó là con trai bà lão. Ông nói gì đó với người phụ nữ Tàu nước da trắng, rồi cúi sát người xuống oang oang hỏi bà lão. Biết họ nói gì, chết liền. Ðược năm ba câu, người phụ nữ Tàu da hơi ngăm đi về, ông lẳng lặng lấy tấm chiếu trải cạnh chân giường, nằm đó, ngủ rất nhanh.

Tối nào cũng vậy, cứ đúng 8 giờ, ông cụ bước vào, lặp đi - lặp lại những hành động như ngày đầu tiên tôi thấy, hệt lập trình. Cũng có hôm người phụ nữ Tàu da hơi ngăm ở lại, ông vác chiếu ra hành lang nằm, cũng ngủ rất nhanh.

3.

Ngày thứ tư 26.2, vị bác sĩ tên Thành khám cho bà lão A Muội ra y lệnh: “Ổn rồi, hôm nay xuất viện luôn nhen!”.

- Sao cho về sớm, ở lại thêm được không bác sĩ?- người phụ nữ da trắng khẩn khoản.

- 93 tuổi, vầy là ổn lắm rồi. Ở lâu, viêm phổi bệnh viện hay chi. Về uống thuốc, bồi dưỡng cho khoẻ. Về!

Lệ thường ở Bệnh viện 115, y lệnh ra viện, nhưng phải đến 2-3 giờ chiều mới làm thủ tục. 11 giờ trưa, khoa mở cửa, ông cụ hơn 70 tuổi xuất hiện. Cũng áo thun, quần sọt, nhưng hôm nay có vẻ vui lắm, tươi cười chào hết những người trong phòng. Bà chị Tập đoàn Cao su hỏi: Hôm nay bà già anh xuất viện, khoẻ rồi hén?

- Bà già tôi á? Không, không phải đâu. Mẹ vợ tôi đó!

Cả phòng, ai cũng ngớ người.

- Vậy vợ anh là chị nào? Da trắng hay da ngăm?- bà chị người Long An hỏi.

- Ôi trời ơi, há há! Cái bà da trắng đó là vợ tui, 67 tuổi, còn cái con nhỏ da ngăm là em gái vợ tôi, nhìn già hơn vợ tui, mới 60 tuổi hà. Người phụ nữ da trắng cười tủm tỉm khi nghe ông cụ trả lời.

- Tui coi vậy chứ 77 tuổi rồi. Hổm rày tui vô trễ là vì mắc dọn dẹp sơn sửa phòng khách, mua giường, mua nệm để chuẩn bị đưa mẹ vợ tui về chăm sóc. Tui cũng muốn vô sớm lắm, nhưng bận bịu công chuyện quá. Hây-dà-da, mình làm chồng, bổn phận là phải biết thương yêu chăm sóc luôn người sinh ra vợ mình. Ông bà xưa dạy vậy đó!

- Chứ sao anh không đưa bà già về nhà bả để em vợ anh chăm? - bà chị Long An lại thắc mắc.

- Ðâu có được, vợ tui chăm giỏi hơn em gái vợ tui! Mà tụi tui cũng muốn chăm bà, để con cái nó thấy, nó học mình, truyền lại cho con cháu nó, vậy mới tốt chớ, phải hông?

- Ờ, ờ…

Chuyện nghe ở bệnh viện

Già- cô đơn giữa bầy con cháu, cô đơn trong chính căn nhà tam, tứ đại đồng đường.

Già, sẽ làm gì khi mỗi đứa con đều gắn cho mình một cái chuông đại diện. Ðỏ là thằng hai ở tầng hai, xanh là con ba tầng ba, vàng là thằng cháu ngoại mồ côi tầng bốn, tím là thằng út tầng năm... gắn san sát nhau như những phím đàn organ đồ chơi con nít.

Già, chợt nhiên mình trở lại thời lí lắc rạch Thị Nghè, một ngày đột nhiên thò tay lướt qua những “phím” chuông: tíng toong, tò te, tọc tọc... vang lên liên hồi. Bầy con cháu tông cửa chạy xuống.

- Sao vậy má?

- Có gì không ngoại...?

- Ờ, tao thử chuông!

Già, mình mẩy rêm, cũng không phải là chuyện lạ. Ờ, bệnh chơi vậy. Thằng hai chở ra phòng khám tư. Bác sĩ bảo không có gì, cho mớ thuốc bổ.

- Tao không tin thằng đó, chở tao đi khám chỗ khác.

- Trời, bác sĩ giỏi nhất Sài thành đó má!

- Bác sĩ gì mà không mặc blouse trắng, quân lừa đảo thì có. Cho tao nằm bệnh viện.

Già, nằm cả buổi sáng, không đứa nào mua đồ ăn. Bà Ba Tàu cho cái bánh bao, con bé nuôi chồng người Quảng cho hộp cháo thịt bằm. Trưa trờ, con Ba mới quày quã chạy vô.

- Mày trả cho bà Ba Tàu trăm ngàn, con bé người Quảng hai trăm.

Không ai lấy cả. Bà nhay nháy mắt.

Già, không đứa con nào ra bệnh viện trông bà, thằng cháu ngoại mồ côi nửa đêm mới đến, vác chiếu ra góc phòng ngồi chơi điện thoại. Tiếng thở dài trượt giữa gian phòng ngột ngạt, trôi đi mất.

Già, sáng ra chợt thèm như thời hai ba tuổi, có quyền làm những chuyện mà chỉ có con nít và phải thật già mới đương nhiên có quyền.

- Trời ơi, sao thúi dữ vậy ngoại?

Già, mắt nhay nháy, nhưng vẫn thấy cô đơn.

Nuôi bệnh mướn

1.

Sài Gòn đất chật, người đông, tứ xứ, nhưng dễ kiếm tiền - bạn tui bảo vậy. Mà tui cũng tin vậy, vì cũng từng năm, bảy năm “lang thang” khắp hang cùng, ngõ hẻm cho đến khi chán chường, về quê, cưới vợ.

Bạn bè cũ, không ai biết tung tích của tui, có thằng đồn: Nó dìa quê, đi buôn lậu, bị bắn chết rồi… Sau này nghe kể lại, miệng thì cười ha hả, nhưng trong bụng nghĩ: Moá, tao mà biết thằng nào đồn, tao đục phù mỏ, bẻ thằng nhỏ lặt lìa. Bà bắn mày!

Mẹ bệnh! Phòng 6 - khoa Nội - Tiêu hoá Bệnh viện 115 có 11 giường, hôm nào ít bệnh, giường trống, trải chiếu lên nằm, ráng nhắm mắt ngủ, bất chấp mọi sự ồn ào như họp chợ Tàu - Việt đến tận 1, 2 giờ sáng.

Mà chỉ được một, hai bữa trống, còn hầu như phải nằm dưới đất. Bữa con em xuống, phòng chật như nêm, nó chui vô gầm gường, tui co người nằm dọc theo khoảng trống giữa hai dãy. Mà đâu chỉ có mình tui. Ðầu trên là thằng cháu ngoại bà cụ 88, đầu dưới là ông cụ Ba Tàu 77 chăm mẹ vợ 93.

Nhưng có hôm, 11 giờ đêm, thằng cháu ngoại mê chạy Grab, bà cụ 88 hết chắt lưỡi, thở dài, rồi quay qua hỏi mẹ tui: Sao giờ này mà thằng cháu ngoại tui chưa vô hả cô? Mệt, nhưng mắc cười, mẹ tui bảo: Thì bà lấy điện thoại gọi cho nó. Bà cụ gọi, rồi tui gọi giùm, nhạc chuông tèn ten reo, nhưng không ai bắt. Ngó ra chỗ thằng cháu bà hay nằm, thấy đã có người. Bà nhổm dậy: Sao cô dám chiếm chỗ của cháu ngoại tui? Hả? Hả?

2.

Người chiếm chỗ của thằng cháu ngoại bà cụ 88 tuổi là một người đàn bà U60, chăm một người đàn bà khác, cũng tầm đó. Thoạt đầu, tui cứ tưởng họ là chị em, vì thấy bà U60 tận tình lắm. Sau mới biết, bả là nhân viên “nuôi bệnh mướn” của một doanh nghiệp.

Cái này thì tui biết, vì mấy năm qua, lên xuống 115 không biết bao nhiêu lần, từ hồi cha tui phát bệnh rồi mất, bây giờ đến mẹ tui. Quanh bệnh viện treo đầy bảng quảng cáo dịch vụ “nuôi bệnh mướn”.

Bà cụ 88 tuổi đã cổ quái, bà U60 cũng không vừa. “Cháu bà hông vô mà, bệnh viện, chỗ công cộng chứ phải ở nhà đâu mà giành đất hả trời!”. “Nhưng chỗ đó, cháu tui nằm mấy bữa rồi. Cô giành, rồi lát cháu tôi vô nằm chỗ nào?”.

“Thì ra hành lang” - cha nội nhậu 8 lít ở Tân Hưng chõ mỏ.

* * *

“Nuôi bệnh mướn kiếm cũng khá lắm em, ngày 900 ngàn chứ ít ỏi gì! Mà không biết công ty lấy tỷ lệ bao nhiêu hà” - bà chị Tập đoàn Cao su cho biết. Ngon thiệt, hơn nông dân quê tui nhiều. Ở xứ Trảng, nông dân bỏ ruộng đi làm công ty, xí nghiệp hết, có mấy người làm đâu, nên công nhựt cũng cao giá lắm, nhưng khó mà sánh được với bà chị U60. Có vẻ như, ở Sài Gòn, nghề này đang hot, vì không chỉ ở phòng 6, các phòng khác, và khoa khác cũng có nhiều người đi nuôi mướn. Cũng có vẻ như, người Sài Gòn bận bịu lắm, từ hôm nhập viện cho đến khi tạm xuất viện về tuyến dưới chuyển lên BV 115 cho đúng tuyến, không thấy ai vô ngó chừng “thân chủ” của bà U60.

3.

Dỏng tai lên, cũng nghe được lõm bõm chuyện bà U60 kể với nhỏ Út - con bà Hóc Môn. Ðại loại là, bà ở đâu đó miền Tây lên Sài Gòn đăng ký vô làm cho một công ty “nuôi bệnh mướn”. Hông phải dễ ăn à, “nuôi bệnh mướn” cũng phải học, thi cử đàng hoàng, công ty chọn lọc rất kỹ, bao chỗ ở. Hơn 5 năm làm nghề, bà ít khi về chỗ ở do công ty sắp xếp, vừa dứt hợp đồng với “thân chủ” này lại có hợp đồng với “thân chủ” khác, đi từ BV 115 đến Chợ Rẫy, qua Bình Dân sang Hùng Vương…

“Thân chủ” ngủ suốt vì mệt! Bà U60 khá rảnh rang nên đi “nhiều chuyện” hết giường này đến giường khác, nhưng “hợp cạ” nhất là nhỏ Út con bà Hóc Môn. Nó khoái coi bói, bả cũng khoái, ráp lại toàn nói chuyện “cô” này, “cậu” kia. Cha nội “con chiên” cực kỳ mộ đạo nằm ngoài hành lang nghe vậy, nhịn đau rấn vào giảng qua thần học. Bói Ðông, bói Tây kết hợp, rân cả phòng!

Bác sĩ báo, bà Hóc Môn có khối u trong gan cỡ 3cm, bả cười khả khả, nhỏ Út coi như không. Nó giới thiệu cho bà U60 con bạn “kim tinh hoả nhãn”, chỉ cần nhìn mặt, nói chuyện qua video call của Zalo là có thể phán chuyện quá khứ vị lai, như thần. Nó gọi, rồi giao điện thoại cho bà.

Rì rầm, có lẽ “kim tinh hoả nhãn” phán đúng như thần thiệt nên hồi thấy bả cười, rồi khóc - nước mắt ướt đẫm tấm grap giường của bà chị Hóc Môn.

* * *

Màn khóc cười làm bà bã cả người, nằm xuống là ngáy pho pho, mặc kệ bà cụ 88 nhây nhây đòi lại chỗ nằm cho thằng cháu ngoại.

“Thân chủ” mắc, lọ mọ bò xuống giường kêu, U60 vẫn ngáy. Bực mình, “thân chủ” giơ chân đá vô đùi, U60 tiếp tục ngáy. Tui nhổm dậy lay bà.

- Ðĩ chó nào phá hông cho tao ngủ vậy bây?

Ðời vô thường lắm!

1.

Người phụ nữ ấy, quê ở Hóc Môn - vui vẻ, lạc quan lắm! Lúc nào cũng rổn rảng.

Bà tầm tuổi mẹ tôi, nhập viện cùng hôm thứ sáu 22.2, nhưng tối đến bà trốn về: “BV gì mà buồn quá, nằm phòng ba trăm rưỡi cả ngày mà cho có 1 viên thuốc. Có nghĩa là tao bệnh nhẹ, về tắm rửa cho đã, ba trăm rưỡi mà chỉ có một cái toilet hôi rình”.

Thứ hai 24.2, bà quay lại phòng số 6. “Ơ, giường tao đặt trước, đóng tiền rồi, sao lại có người nằm. Thời buổi gì kỳ vậy!”. Tôi chõ vô: “Ghế lớ quớ còn mất, nói gì tới giường”.

Ðiều dưỡng đưa cho con gái giường bố, xếp ra hành lang. “Thôi kệ, chờ kết quả siêu âm coi sao, không có gì, tao trốn nữa”.

2.

Thằng cha ở Tân Hưng ra viện, tổng chào tất cả mọi người. Nhập viện hôm tuần trước, sau khi 3 người uống 5 lít rượu trong vườn cao su, ra quán giải nhiệt thêm 3 lít. Má ơi, uống gì dữ vậy! Trai tráng lắm, tôi cũng chỉ làm được hơn 3 xị là gục.

- Kỳ này về, tôi mà nhậu tôi mần con chó- hắn giơ tay thề.

- Ờ, mần con chó nhậu thì có, xạo quá cha, về đi, hết xe bây giờ!- tui quay qua nói.

3.

Hắn về, bà Hóc Môn nhảy vô. Nhiều chuyện thiệt! Bà quay qua kể lể với cả phòng, bà có 3 đứa con, 1 trai, 2 gái: Ðứa con gái lớn có chồng, nó chỉ biết gia đình chồng, nuôi mình mà chỉ lo bữa nay không ai làm đồ nhậu cho chồng nó, bữa nay không được nhậu với chồng nó. Mẹ, tôi đuổi về. Chia cho con út này (con nhỏ nuôi bệnh mà chỉ lo coi bói với bà nuôi bệnh mướn) 45 cây vàng, con lớn phân bì sao chỉ cho nó 30 cây vàng, chứ nó vậy chia nhiều, đặng nó cho chồng nó à!

Còn thằng giữa coi như bỏ. Cho nó căn nhà thứ nhất, nó bán 10 tỷ, qua casino, quánh bài sạch bách. Căn thứ hai bán 7 tỷ rưỡi, cũng bay luôn. Mới rồi, bán thêm căn thứ ba được 2 tỷ rưỡi, mà giờ đi ở nhà mướn.

Mẹ, đời tôi vậy là không còn nợ ai nữa, chết được rồi, giờ mà kết quả siêu âm có bị gì cũng kệ nó. Khoan, để tôi điện thoại: - Ê con mắm, mày ghi cho chị số ba năm tám, đài miền Nam nhen!

Chiều, anh con trai vô, bà giỡn: - Mày bán nhà 2 tỷ rưỡi, cho tao 50 triệu trị bệnh coi!

- Trời, con đang tính xin má 7 trăm rưỡi triệu hùn vốn làm ăn nè.

- Thằng chó đẻ, con út mới lòn cho mày 100 triệu đâu?

- Không đủ xỉa răng.

...

4.

Thứ ba 25.2, bác sĩ bảo bà có khối u 3cm trong gan, phải mổ bằng phương pháp tô-si gì đó. Bà cười ha hả: Vậy chết được rồi, nhưng bác sĩ ơi, mổ kiểu tô chén gì đó, có đau không, tôi sợ đau, mổ kiểu gì mà đừng có đau!?

Mẹ tôi thở dài, nói thầm - chỉ mình tôi nghe: Ðụng dao kéo vô là chết chứ đau gì!

Chùm truyện ngắn ngắn: Ðặng Hoàng Thái