BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ðời công nhân 

Cập nhật ngày: 19/05/2017 - 07:35

BTNO - Ngày ngày cặm cụi vào ca, phần đông công nhân đều cố gắng làm việc hết sức để có được mức thu nhập tương đối, họ còn phải biết cố gắng chi tiêu thật dè sẻn, tiết kiệm mới có thể xoay xở được cuộc sống của bản thân và gia đình.

Chợ tạm luôn là chọn lựa của đa số công nhân.

Theo số liệu từ Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, đến hết quý I/2017, toàn tỉnh có 105.642 lao động đang làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có gần 68.000 lao động nữ và số lao động Việt Nam là 103.466 người.

So với những năm trước đây, đời sống công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh đã phần nào được cải thiện. Làm việc tại các công ty, xí nghiệp đang được nhiều người lao động lựa chọn, nhất là người lao động ở các vùng nông thôn.

Ðồng lương công nhân hiện nay có thể nói là khá ổn định, nhưng cuộc sống của công nhân vẫn không thể gọi là dư dả, thoải mái. Ngày ngày cặm cụi vào ca, phần đông công nhân đều cố gắng làm việc hết sức để có được mức thu nhập tương đối, họ còn phải biết cố gắng chi tiêu thật dè sẻn, tiết kiệm mới có thể xoay xở được cuộc sống của bản thân và gia đình.

Ðể thoát cảnh bấp bênh

Không còn trẻ để có thể chủ động tìm việc, chị Phan Thị Bắc, năm nay 43 tuổi- công nhân Công ty cổ phần Việt Nam - Mộc Bài (huyện Bến Cầu) cho biết, gia đình chị chủ yếu sống bằng nghề nông nhưng công việc trồng trọt không được thuận lợi nên cuộc sống hằng ngày gặp nhiều khó khăn.

Ðể xoay xở, vợ chồng chị phải đi làm thuê, làm mướn đủ thứ việc. Cái khó là ở nông thôn bây giờ, công việc làm thuê bữa có, bữa không nên thu nhập cũng hết sức bấp bênh. Từ khi vào làm công nhân tại công ty, chị Bắc mới có được nguồn thu nhập ổn định hằng tháng. Chồng chị thì ở nhà tăng gia sản xuất. Kinh tế được cải thiện đáng kể, cuộc sống gia đình chị trở nên dễ chịu hơn trước nhiều.

Công ty ở gần nhà, nên chị Bắc không phải ở trọ, đỡ phần tốn kém chi phí và lại có điều kiện chăm sóc gia đình. Theo chị Bắc, ở cái tuổi của chị, tìm được một việc làm ổn định như đang làm là rất khó nên chị rất biết trân trọng cơ hội của mình và luôn cố gắng làm việc.

Tương tự, anh Nguyễn Hồng Ân, 28 tuổi. Trước đây anh chỉ làm những công việc thời vụ, có gì làm nấy, không kén chọn nhưng ngặt nỗi có ngày chẳng kiếm được việc gì để làm. Có thời gian, cảnh thất nghiệp của anh kéo dài tới vài ba tháng.

Năm 2016, anh Ân xin vào làm công nhân trong một công ty dệt ở Khu công nghiệp Phước Ðông. Anh cho rằng so với đi làm thời vụ, làm công nhân tuy bị bó buộc về thời gian nhưng lại có nguồn thu nhập ổn định hơn nhiều. Mặt khác, công nhân còn được hưởng các chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Công việc anh được giao không quá nặng nhọc, nó vừa sức với anh.

Làm việc đủ ngày công, anh còn chịu khó tăng ca, tính ra mỗi tháng tổng thu nhập được khoảng 6-7 triệu đồng. Anh Ân chia sẻ, với mức lương ấy, ráng chi tiêu tằn tiện cũng đủ trang trải cho cuộc sống của gia đình.

Với cô gái 19 tuổi tên Phan Thị Cẩm Nhung (ngụ xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành) thì làm công nhân là một hướng tích góp cho tương lai. Vì hoàn cảnh, Nhung nghỉ học khi mới xong lớp 9. Trước, cô từng đi học nghề và đã làm thợ bạc được gần 4 năm.

Mới đây, Nhung xin vào làm công nhân tại một công ty trong Khu công nghiệp Chà Là (huyện Dương Minh Châu). Cô so sánh: lương công nhân hiện tại không bằng thu nhập khi còn làm thợ bạc nhưng bù lại nó luôn ổn định, công nhân lại được hưởng các chính sách bảo hiểm. Như vậy cũng coi như cô đã có một cách tích luỹ tốt cho tương lai. Nhung chia sẻ, cô muốn tích luỹ dần để chờ một ngày có thể làm chủ chứ không muốn sống cảnh làm thuê mãi.

Hiện tại, Nhung thấy hài lòng với công việc đang làm. Cô gái trẻ cười nói: “Với trình độ như em thì khó xin được việc gì khác ngoài làm công nhân. Ðây cũng có thể là công việc gắn bó lâu dài với em bởi nó khá vừa sức”.

Ông Phạm Phi Hùng- Chủ tịch UBND xã Chà Là cho biết, khu công nghiệp trên địa bàn xã thu hút hàng chục ngàn lao động. Người dân địa phương làm công nhân tại các công ty trong khu công nghiệp chiếm số lượng hơn 1.500 người.

Cũng theo ông Hùng, xã Chà Là chủ yếu sản xuất nông nghiệp, song với những người ít đất thì sản xuất nông nghiệp không đem lại hiệu quả. Vì vậy, làm công nhân tại các khu công nghiệp cũng là phương cách góp phần ổn định đời sống cho người dân, vì nghề này cho thu nhập tốt hơn, thường xuyên hơn, từ đó giúp họ có thể tích luỹ vốn để đầu tư sản xuất thêm.

Việc quan tâm, chăm sóc đời sống công nhân được các công ty phối hợp với địa phương thực hiện khá tốt. Trong Tháng công nhân có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí dành cho công nhân được tổ chức. Công nhân có hoàn cảnh khó khăn cũng được hỗ trợ xây nhà, được tặng quà vào các dịp lễ, tết.

Tại một số khu nhà trọ, công nhân có phương tiện nghe nhìn do công ty hỗ trợ giúp người lao động có điều kiện thư giãn, giải trí sau giờ làm việc. Công nhân cũng được tuyên truyền về pháp luật thực hiện nếp sống văn minh.

Sau tăng ca là… mệt đừ

 Có thể nói, mức thu nhập của công nhân có tăng trong thời gian qua nhưng so với giá cả sinh hoạt thì vẫn còn thấp. Ðời sống của công nhân vì vậy vẫn còn đó không ít khó khăn.

Trong căn nhà trọ tối om, chị L.T.K.N, 32 tuổi, công nhân Khu công nghiệp Chà Là tỏ vẻ mệt mỏi sau khi rời ca ba (tính từ lúc 10 giờ tối tới 6 giờ sáng hôm sau) trở về nhà. Chị nói, đi làm ca ba vất vả lắm nhưng để kiếm thêm tiền chị vẫn phải ráng, làm riết cũng thành quen.

Chồng chị N cũng làm công nhân ở khu công nghiệp này nhưng hai vợ chồng làm khác ca nhau, thành ra ít có thời gian để ăn cơm cùng nhau. Một phần do mệt mỏi, một phần cũng vì muốn tiết kiệm chi tiêu, chị N nhiều lúc chỉ dùng bữa qua loa bằng mì gói sau giờ làm việc. Chị tâm sự: hai vợ chồng cùng làm, ráng tăng ca hết sức, mỗi tháng thu nhập được gần 10 triệu đồng; trừ tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt hằng ngày, khoản còn lại phải tiết kiệm lắm anh chị mới có thể xoay xở được cho cuộc sống của những người thân trong gia đình gồm cha mẹ già, hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn học đang nhờ cha mẹ chăm sóc. Ðể làm được điều đó, cả hai phải chắt bóp từng đồng, không dám tiêu xài phung phí, không dám đi chơi đâu vì sợ… lỡ có chuyện gì không may xảy ra thì lấy tiền đâu mà lo liệu?

Năm nay 27 tuổi, còn khá trẻ và còn nhiều ước mơ nhưng N.T.B.H gác lại mọi thứ để gắn bó với công việc của một công nhân tại Khu công nghiệp Trảng Bàng. Ðến nay, H đã có hơn 6 năm làm công nhân. H cho biết vì hoàn cảnh gia đình nên mới học tới lớp 11, cô phải nghỉ học. Rồi cô đi học nghề cắt tóc. Công việc của một thợ cắt tóc cũng giúp H có đồng vô đồng ra phụ giúp gia đình nhưng tiệm cắt tóc ngày càng nhiều, tính cạnh tranh cao, nên thu nhập của H ngày một bấp bênh.

Thương cha mẹ vất vả, H quyết định bỏ nghề cắt tóc để đi làm công nhân. Hiện mức lương trung bình của H là 5 triệu đồng/tháng, tháng nào tăng ca nhiều thì được 7 triệu đồng. Theo H, nếu chăm chỉ tăng ca, tiêu xài vừa phải thì cũng có dư được chút ít. Nhưng trong lòng cô lại đầy những lo âu.

H thấy làm công nhân vất vả mà tương lai thì… mờ mịt, có muốn an phận làm công nhân mãi cũng không được, bởi các doanh nghiệp hay có tình trạng sa thải khi công nhân đã lớn tuổi. Thật ra, H không muốn suốt đời làm công nhân, nên cô cũng có ý định học thêm để tìm kiếm cơ hội làm việc khác nhẹ nhàng hơn.

Tuy thế, với áp lực cuộc sống hiện tại, phải làm việc tăng ca nhiều, cô thấy mình không có thời gian để thực hiện điều mong muốn…

CHÂU PHA-VI XUÂN


 
Liên kết hữu ích