BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ðổi mới cơ chế tài chính, thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế 

Cập nhật ngày: 10/01/2024 - 08:51

BTN - Sáng 9.1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024 nhằm tổng kết, đánh giá việc triển khai công tác y tế năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, nối điểm cầu Hà Nội với các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Điểm cầu Tây Ninh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng chủ trì; cùng tham dự có bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Sở cùng đại diện lãnh đạo UBND 9 huyện, thành phố, thị xã và các sở, ngành liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh

Hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao

Nhận định công tác y tế năm 2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, công tác y tế tại Việt Nam đã chịu sự ảnh hưởng không nhỏ, tác động đến kinh tế - xã hội trong nước và sự chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các ngành, lĩnh vực, như: đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trên thị trường thế giới gây ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh; mô hình bệnh tật thay đổi, bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng, bệnh dịch mới xuất hiện...

Tuy nhiên, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, ủng hộ của người dân, cùng với những cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, năm 2023, nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực vào thành công chung của đất nước.

Theo đó, ngành Y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, trong đó vượt chỉ tiêu về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ), đạt chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh), tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 93,2%; thực hiện đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao. Thể chế chính sách, văn bản pháp luật được rà soát, sửa đổi, bổ sung không chỉ giải quyết các vướng mắc, bất cập trước mắt mà còn các chính sách dài hạn của ngành Y tế. Bộ Y tế đã tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành các văn bản tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc, vaccine, vật tư, thiết bị y tế; hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ từng bước các khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch bệnh, chế độ chính sách, cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế. Nhiều chiến lược, quy hoạch, đề án quan trọng cho phát triển trung hạn, dài hạn của ngành Y tế đã được xây dựng, hoàn thiện.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, năm 2023, ngành Y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao

Đại dịch Covid-19 được kiểm soát, điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B từ hôm 20.10.2023. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch chồng dịch; đẩy mạnh phòng, chống bệnh không lây nhiễm; y tế cơ sở được chú trọng, đầu tư; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí; đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời, tập trung cho công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế. Tính từ năm 2021 đến nay, Bộ Y tế xếp thứ 1 trong số 18 bộ, ngành về cắt giảm thủ tục hành chính. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế mà ngành Y tế cần khắc phục, nhất là trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng cao và đa dạng; mô hình bệnh tật kép, già hoá dân số nhanh, biến đổi khí hậu…

Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ ấn tượng về những thành tựu của ngành Y tế, nổi bật là đã làm chủ các tiến bộ y khoa, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện các kỹ thuật khó như: ghép tạng, nội soi, phẫu thuật bằng robot; chủ động sản xuất được 9/11 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng; tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em dưới 1 tuổi giảm nhanh nhất thế giới; phòng, chống thành công được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, thanh toán dứt điểm bệnh đậu mùa, dịch hạch, được quốc tế đánh giá là “hình mẫu” trong công tác phòng, chống dịch; đội ngũ y tế không ngừng nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Y tế. Đồng thời, đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; tháo gỡ cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bổ sung đối tượng được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế; nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tập trung triển khai các biện pháp đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; nghiên cứu xây dựng bảng lương mới, đề xuất chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách tiền lương.

Ông nhấn mạnh: “Từ ngày 1.7.2024, chúng ta sẽ thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, xét thăng hạng cho viên chức y tế, xây dựng bảng lương mới cho ngành theo đúng thời hạn quy định”. Đối với cơ chế tài chính y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu, bên cạnh thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, ngành phải hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên khám cho bệnh nhân điều trị nội trú. Ảnh: Tâm Giang

Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến. Đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật. Nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu cho người dân. Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, trang thiết bị y tế, đặc biệt là dược liệu cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Thực hiện các chiến lược, chính sách về dân số và phát triển, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông để toàn xã hội đồng thuận, tham gia công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

“Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cả nước phải tăng tốc và bứt phá. Với phương châm: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” với tinh thần “Năm quyết tâm”, tôi đề nghị toàn ngành Y tế phải tăng tốc, bứt phá hơn, tiếp tục bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hoá để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, trong đó, ngành Y tế cần tập trung đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách y tế, chú trọng thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi, để họ gắn bó lâu dài ngành”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tặng cờ thi đua cho 3 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã có thành tích xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước.

Tâm Giang