Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh, tình hình hoạt động của tội phạm ma tuý tiếp tục diễn biến phức tạp. Ðáng lo ngại là rất nhiều trường hợp, đối tượng phạm tội rơi vào độ tuổi thanh, thiếu niên.
Một buổi tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma tuý; hậu quả, tác hại; biện pháp phòng, chống ma tuý cho các học sinh, sinh viên.
KHOẢNG 75% NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ Ở ÐỘ TUỔI THANH THIẾU NIÊN
N.T.A (sinh năm 1991, ngụ khu phố Ninh Lợi, phường Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh) cho biết, để có tiền tiêu xài và mua ma tuý sử dụng, A nhiều lần mua trái phép chất ma tuý của một người tên Phương (không rõ lai lịch) tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó bán lại cho người nghiện để thu lợi bất chính.
Ngày 4.8.2017, trong lúc bán ma tuý cho T.T.H (sinh năm 1990, ngụ khu phố 2, phường IV, TP.Tây Ninh), cả hai bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố bắt quả tang. Lực lượng chức năng đã thu giữ 1 bịch ma tuý, trọng lượng mẫu 0,1010g; 1 bịch ma tuý, trọng lượng mẫu 0,1325g. Khám xét nhà N.T.A, cơ quan chức năng thu giữ 4 bịch ma tuý (tên gọi là Methamphetamine) trọng lượng mẫu 2,3334g.
Tại phiên toà sơ thẩm ngày 28.11.2017, N.T.A khai nhận, bản thân bắt đầu sử dụng ma tuý từ đầu năm 2017. A cho rằng, do buồn về chuyện công việc, cuộc sống nên tìm đến ma tuý để giải toả tâm trạng. 26 tuổi, với tội danh “mua bán trái phép chất ma tuý”, A. phải chịu hình phạt 8 năm tù giam.
Vào tháng 12.2017, trong quá trình tuần tra, công an xã Tân Hà, huyện Tân Châu phát hiện em T.V.T, Ð.N.T (sinh năm 2002) và N.T.B (sinh năm 2001) ngụ tại địa phương có biểu hiện lạ, nên mời các đối tượng về trụ sở làm việc, qua kiểm tra cả 3 trường hợp đều dương tính với ma tuý.
Các đối tượng đều không có nghề nghiệp ổn định, bị bạn bè xấu dụ dỗ sử dụng ma tuý, dẫn đến nghiện từ lúc nào không hay. Hiện tại, cả 3 đối tượng đang cai nghiện tự nguyện tại gia đình với sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương.
Theo ông Ðặng Tuấn Anh- Phó Ðội trưởng Ðội Chuyên đề nghiệp vụ cơ bản và quản lý theo dõi tiền chất, trong những năm gần đây, tình trạng trẻ hoá đối tượng phạm tội liên quan đến ma tuý đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp.
Trong năm 2017, toàn tỉnh có 4.025 người nghiện ma tuý, trong đó có 3.303 người nghiện ngoài cộng đồng, 722 người được đưa vào trại cai nghiện bắt buộc, tăng 192 đối tượng so với cùng kỳ năm 2016. Ðối tượng nghiện tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 14 - 30 tuổi, chiếm khoảng 75%.
KHÓ KHĂN TRONG QUẢN LÝ
Ðại diện Phòng PC47 cho biết, Tây Ninh có 240km đường biên giới, tiếp giáp với 3 tỉnh Svay Rieng, Tbong Khmum và PreyVeng thuộc vương quốc Campuchia, trên tuyến biên giới tỉnh có 16 cửa khẩu quốc gia, 2 cửa khẩu quốc tế, 19 casino nằm sát biên giới cùng nhiều đường tiểu ngạch… vị trí địa lý thuận lợi để giao thương nhưng cũng là điều kiện để tội phạm nói chung, tội phạm ma tuý nói riêng lợi dụng để thẩm lậu ma tuý từ Campuchia về Việt Nam hoặc ngược lại.
Ðồng thời, từ khi áp dụng Nghị định 94/2010/NÐ-CP của Chính phủ, quy định về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng, việc tổ chức cho một số đối tượng cai nghiện tại gia đình gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ tái nghiện cao. Thực tế cho thấy, gia đình không thể quản lý được đối tượng, không có chuyên môn giúp các đối tượng cắt cơn nghiện… dẫn đến công tác cai nghiện cho một số đối tượng chưa đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, việc áp dụng Nghị định số 56 ngày 29.6.2016 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111ngày 30.9.2013 của Chính phủ, quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn) còn bộc lộ một số vướng mắc. Cụ thể, Ðiều 1, Nghị định 56 chỉ quy định đối tượng áp dụng là người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên, trong khi đó, thực tế có rất nhiều đối tượng nghiện ma tuý dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, hiện nay, tại các trường học, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến học sinh chưa thật sự đến nơi, đến chốn. Nhà trường và gia đình chưa có mối quan hệ chặt chẽ trong việc giáo dục học sinh, đa phần gia đình đều phó mặc cho nhà trường.
Mặt khác, đa số những đối tượng phạm tội có hoàn cảnh cuộc sống cá biệt như bị gia đình bỏ rơi, thiếu sự quan tâm, cha mẹ ly dị hoặc bị đánh đập… Cùng với đó, nhiều đối tượng nghĩ rằng sử dụng ma tuý đá không gây nghiện nên dễ bị bạn bè dụ dỗ, lôi kéo.
CẦN TÌM RA GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ
Trong năm 2017, Phòng PC47 và Công an các huyện, thành phố đã tổ chức được 16 chuyên án trinh sát, 203 kế hoạch triệt xoá, bắt giữ 171 vụ với 746 đối tượng có hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý, trong đó xử lý hình sự 245 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 501 đối tượng với tổng số tiền 592.100.000 đồng.
Công tác tuyên truyền và vận động quần chúng tham gia phòng, chống ma tuý cũng đã được các đơn vị đẩy mạnh. Nhất là tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma tuý, cũng như hậu quả, tác hại của việc sử dụng chất ma tuý. Ðối tượng tuyên truyền tập trung học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, công nhân… tại các địa bàn trọng điểm về ma tuý, khu vực biên giới.
Trong năm 2018, để làm tốt công tác phòng, chống tội phạm ma tuý, Phòng PC47 cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố yêu cầu các Ðội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý chủ động kiểm tra, hướng dẫn phối hợp với ngành Y tế và các ban, ngành, đoàn thể xã, phường, thị trấn làm tốt công tác quản lý người sử dụng ma tuý.
Ðồng thời, làm tốt hơn nữa việc lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện vào diện quản lý tại gia đình, cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc.
Bên cạnh đó, Phòng PC47 cũng sẽ tiếp tục tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh tổ chức chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện có hiệu quả các kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma tuý, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong các ngày lễ, tết, nhằm kéo giảm tội phạm, người nghiện ma tuý ngoài xã hội. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Ðào tạo thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống tội phạm ma tuý trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI