Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðến Ðồn Biên phòng Kà Tum, tận mắt chứng kiến những công trình trong doanh trại của đơn vị, nhiều người có chung nhận xét: đẹp như công viên! Khu vực đồn được bố trí, xây dựng, trồng tỉa một cách khoa học, hợp lý từ trước ra sau, từ trong ra ngoài, không để đất thừa, trống.
Thượng tá Phạm Văn Cờ (đội nón) cùng các chiến sĩ làm hệ thống nước cho hòn non bộ.
Ðưa tôi dạo quanh một vòng doanh trại, Thượng tá Phạm Văn Cờ- Ðồn trưởng Ðồn Kà Tum chia sẻ, đất ở Kà Tum không giống như bất kỳ vùng đất nào khác trên tuyến biên giới của Tây Ninh. Thấy bề mặt đất đỏ bazan cứ tưởng là màu mỡ, nhưng dưới lớp đất mỏng manh này toàn là đá ong. Mùa nắng tưới nước xuống là đất khô ngay, nên việc trồng cây ở đây cực kỳ gian nan. Ðược như ngày hôm nay, bao nhiêu thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã đổ mồ hôi xuống mảnh đất này.
Nhớ lại chuyến thăm Ðồn Kà Tum vào khoảng hơn 5 năm trước, hồi ấy, cán bộ, chiến sĩ đồn còn ì ạch đào cuốc tạo dòng chảy dẫn nước từ con suối phía sau vào để cải tạo đất. Khi đã có nước, những khoảng trống của đồn đã được trồng hoa, kiểng, cây xanh phủ kín. Ðể tạo điểm nhấn trên sân đơn vị, đồn huy động cán bộ chiến sĩ đắp ụ đất trồng cây, cỏ, cất nhà mát...
Qua nhiều năm, hòn non bộ, thác nước, nhà mát, công viên dần dần được xây dựng. Những luống rau xanh mướt gồm nhiều chủng loại cũng được hình thành. Thiếu tá Mai Văn Hoà- Chính trị viên Ðồn chia sẻ: “Ðất này phải tưới bằng mồ hôi mới chịu đơm hoa kết trái đó anh.
Mới đây, chúng tôi đầu tư hơn 300 triệu đồng làm công trình thác nước chảy bao quanh khu nhà mát để anh em ra đây sinh hoạt, giải trí, nhằm vơi đi nỗi nhớ nhà, từ đó mọi người toàn tâm, toàn ý với công việc, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ”.
Thượng tá Phạm Văn Cờ- người khởi xướng ý tưởng, đồng thời đứng ra tìm nguồn kinh phí để xây dựng các công trình chia sẻ: “Ðể có được cảnh quan xanh, đẹp như thế này, ngoài tập trung dành nguồn quỹ tăng gia sản xuất đầu tư, chúng tôi còn vận động bạn bè, doanh nghiệp ở tuyến sau, những người đã từng sống, chiến đấu, trưởng thành từ biên giới hỗ trợ. Còn việc thực hiện, thi công thì từ chỉ huy đến chiến sĩ trong đơn vị tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ tập trung xây dựng các công trình”.
Với cách nghĩ và cách làm như thế, trong thời gian đảm nhiệm chức danh Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Xa Mát, Thượng tá Phạm Văn Cờ cũng đã vận dụng và phát huy từ các nguồn kinh phí xã hội hoá, đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng cảnh quan môi trường cho đơn vị để có được như ngày hôm nay.
Anh chia sẻ thêm: “Kể từ khi có Chỉ thị 01 của Chính phủ về phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, đã có nhiều tập thể, cá nhân ở tuyến sau muốn chung tay cùng chúng tôi xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị, góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ an tâm bám trụ trên tuyến đầu Tổ quốc”.
Ai đã từng đến Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát, đã từng ghé lại biên giới Kà Tum, chắc chắn sẽ thấy được dấu ấn của người Ðồn trưởng Phạm Văn Cờ dám nghĩ, dám làm qua những công trình làm đẹp môi trường văn hoá cho bộ đội.
Trung Quân