Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Phục hồi” ở những “vùng xanh”
Thứ năm: 23:46 ngày 16/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã xác định vùng đỏ (vùng nguy cơ rất cao), vùng cam (vùng nguy cơ cao), vùng vàng (vùng nguy cơ), vùng xanh (vùng bình thường mới) để đề ra kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế ở từng vùng.

Quán phở Phát Ðạt hoạt động trở lại từ ngày 14.9, chỉ bán mang đi và tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Sau 3 đợt lấy mẫu xét nghiệm tổng sàng lọc SARS-CoV-2, huyện Gò Dầu không còn vùng đỏ mà chỉ còn 2 xã vùng cam, 1 xã vùng vàng, còn lại 6 xã, thị trấn đều được xác định là vùng xanh.

Trước kết quả đáng phấn khởi này, lãnh đạo huyện Gò Dầu chỉ đạo các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn thực hiện một số giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục hồi sản xuất để ổn định cuộc sống người dân.

Ngày 14.9, một quán bán cơm khá nổi tiếng trên địa bàn thị trấn Gò Dầu buôn bán trở lại. Tuy nhiên, chủ quán chỉ bán cho khách hàng mang đi chứ không phục vụ tại chỗ. Người  trực tiếp đứng bán mang khẩu trang, tạp dề, bao tay đầy đủ.

Ngày đầu tiên mở cửa trở lại, cũng có khách hàng yêu cầu được thưởng thức tại chỗ, nhưng chủ quán kiên quyết từ chối. “Hiện nay nơi đây thuộc vùng xanh, thực hiện theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi được phép phục vụ tại quán không quá 10 người, nhưng để bảo đảm an toàn, chúng tôi chỉ bán thức ăn mang đi”- chủ quán từ tốn giải thích.

Bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết, huyện phối hợp với một số ngành chức năng của tỉnh giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, không để vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Ðồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn giám sát người lao động cư trú, tạm trú tại địa phương làm việc trong các doanh nghiệp để kiểm soát tình hình dịch Covid- 19.

Bà Phú cho biết thêm, 2 tháng qua, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện có 27 doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh “3 tại chỗ”, còn lại 18 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh tạm ổn định, 18 doanh nghiệp này muốn phục hồi hoạt động trở lại. Theo quy định, những doanh nghiệp này phải xét nghiệm Covid- 19 cho tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động, thực hiện quy định “3 tại chỗ” hoặc có xe đưa rước công nhân.

“Trong tình trạng bình thường mới, huyện muốn vừa khôi phục sản xuất, vừa phòng chống dịch chứ không phải chỉ lo phòng, chống dịch mà gây khó khăn cho doanh nghiệp”- bà Phú nói.

Tại Tân Châu, trưa 15.9, ven đường 785, đoạn ngang địa bàn xã Tân Hưng, hơn 10 nhân công nam, nữ thu hoạch khoai mì trên diện tích 0,5 ha. Nhìn đống củ mì đầy ắp trên xe, ông Nguyễn Văn Hùng- chủ ruộng chia sẻ: “Mì năm nay trúng mùa. Hổm rày, tới kỳ thu hoạch, tôi cũng thuê nhân công nhổ một số đám nằm sâu trong đồng.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã giảm bớt nên mới dám nhổ đám mì gần đường giao thông như thế này. Cũng may, nếu để trễ vài ngày nữa, gặp mưa to, ruộng đọng nước sẽ dẫn đến thối củ”.

Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết, huyện đã có phương án khôi phục sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy, cơ sở hoạt động, vừa đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch bệnh, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng sinh kế của người dân, doanh nghiệp.

Công nhân miệt mài lao động trên đường 784 đoạn ngang địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Ở huyện Dương Minh Châu, sau 2 tháng bị phong toả, ngày 14.9, chợ huyện đã mở cửa hoạt động. Khoảng phân nửa số tiểu thương trong chợ đã mở sạp, bày bán. Trên đường 784, các đơn vị đẩy mạnh thi công dự án nâng cấp mở rộng.

Bên lề đường, nhiều công nhân miệt mài lao động, nhiều xe chuyên dùng di chuyển tới lui để móc lề đường, lu lèn nền hạ, lắp đặt hệ thống cống thoát nước, hệ thống đèn chiếu sáng…

Theo lời bà Trần Thị Thu Hiền- Phó Chủ tịch UBND huyện, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký khôi phục sản xuất. Trên lĩnh vực xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh đã đề nghị huyện phê duyệt phương án tổ chức thi công xây dựng ở một số công trình như: nâng cấp, mở rộng ÐT.782- ÐT.784 (từ ngã ba tuyến tránh QL 22 đến ngã tư Tân Bình), đường Ðất Sét - Bến Củi (từ ngã ba Ðất Sét đến tỉnh Bình Dương).

Ðối với những công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư, huyện đã nhận 17 phương án tổ chức thi công. Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã thẩm định và trình UBND huyện phê duyệt ngày 14.9. Ðối với doanh nghiệp, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã nhận được 13 phương án và tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định.

Tại thị xã Hoà Thành, quán phở Phát Ðạt (phường Long Thành Trung) hoạt động trở lại từ ngày 14.9. Ngay khi vừa mở cửa, có vài thực khách đến quán thưởng thức, một vài khách hàng khác đến mua phở đem về nhà.

Bà Hồ Thị Tuyết Nhung- chủ quán phở bộc bạch: “Quán kinh doanh cả chục năm nay, nên có nhiều khách quen, vì vậy vừa mở cửa, một vài người liền đến. Khách đi một mình, được bố trí ngồi bàn riêng, nhóm gia đình, bạn bè được ngồi chung từng bàn”.

Anh Ðoàn Thế Bảo, ngụ khu phố 4, phường Long Hoa chia sẻ: “2 tháng nay, ở nhà ăn mì gói, cơm nguội ngán quá. Hôm nay, đi ngang thấy quán mở cửa, định vào ăn, nhưng để bảo đảm an toàn, đành mua đem về nhà”.

Cách đó vài chục mét, quán cà phê Thành Cát của anh Trịnh Phát Ðạt cũng có 5-7 khách ghé vào, ngồi thành 3-4 bàn riêng biệt, tất cả các bàn đều được bố trí bình xịt khuẩn.

Bản thân anh Ðạt lúc nào cũng đeo khẩu trang và cầm trên tay chai dung dịch sát khuẩn, mỗi khi nhận tiền hoặc trả tiền thừa cho khách, anh đều tự sát khuẩn tay của mình. Các bàn cà phê được bố trí cách xa nhau và anh cũng hướng dẫn cho khách ngồi theo nhóm riêng để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Quán phở Phát Ðạt hoạt động trở lại từ ngày 14.9, chỉ bán mang đi và tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Ảnh: Ðại Dương

Trong buổi sáng cùng ngày, có khoảng gần 10 người dân đến tiệm bán phụ tùng và sửa xe gắn máy có tên Sang tay ga Fi (khu phố Long Thời, phường Long Thành Bắc) để nhờ sửa xe hoặc mua phụ tùng đem về nhà tự thay thế.

Chủ tiệm Nguyễn Văn Sang thông tin: “Tiệm mở cửa hoạt động 2 ngày nay. Ngay trong ngày đầu tiên, có số lượng khách hàng đến mua phụ tùng và sửa xe đông gấp đôi so với thời điểm trước khi nghỉ dịch”.

Nhìn chung, ngay sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội theo quy định của tỉnh, mỗi địa phương, tuỳ theo kết quả phòng, chống dịch Covid- 19 của địa phương đã có phương án phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh vào trạng thái bình thường mới.

Ðại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh