Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 26.1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh phối hợp UBND thị xã Trảng Bàng tổ chức lễ thông xe kỹ thuật cầu An Phước. Đây có thể được xem là món quà xuân “đặc biệt” dành cho người dân 2 xã cánh Tây, thị xã Trảng Bàng khi chấm dứt cảnh “qua sông phải luỵ phà”.
Từ ngày 26.1, mọi phương tiện từ 2 xã cánh Tây thị xã Trảng Bàng có thể qua lại hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, không còn phụ thuộc vào phà.
Công trình cầu An Phước bắc qua sông Vàm Cỏ, kết nối 2 xã cánh Tây với trung tâm thị xã Trảng Bàng cũng như huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới. Công trình được UBND tỉnh phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công tại Quyết định số 1164/QĐ-UBND ngày 24.5.2019, với tổng dự toán 326,133 tỷ đồng.
Công trình gồm 2 phần là cầu An Hoà và đường dẫn vào cầu với tổng chiều dài toàn công trình 6.219,89m, được khởi công ngày 17.7.2019, do nhà thầu liên danh Công ty cổ phần tập đoàn Cienco4, Công ty CP 479 Hoà Bình và Công ty CP Hải Đăng trúng thầu. Sau hơn 2 năm thi công, đến nay, cầu An Hoà hoàn thành thông xe kỹ thuật, kết nối xã An Hoà và xã Phước Chỉ của thị xã Trảng Bàng.
Từ ngày 26.1, mọi phương tiện đi từ 2 xã cánh Tây thị xã Trảng Bàng có thể qua lại hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông; phà Lái Mai chính thức chấm dứt vai trò lịch sử và trở thành ký ức của người dân 2 xã cánh Tây.
Từ ngày 26.1.2022, người dân 2 xã cánh Tây cùng và tất cả phương tiện đi qua trung tâm thị xã Trảng từ ngày 26.1, người dân 2 xã cánh Tây và tất cả phương tiện đi qua trung tâm thị xã Trảng Bàng và ngược lại không còn phải phụ thuộc vào phà.
Có mặt từ sáng sớm, ông Từ Văn Hùng (55 tuổi, ngụ xã Phước Chỉ) hồ hởi cho biết đã chạy xe qua lại trên cầu mấy lần mà vẫn chưa hết cảm giác vui mừng, vì cả đời ông luôn mơ ước có cây cầu bắc qua sông để thuận tiện cho việc đi lại. Theo ông Hùng, trước đây, muốn vào trung tâm Thị xã, người dân phải phụ thuộc vào phà; nếu không đi phà thì đi đường vòng qua 2 huyện Gò Dầu, Bến Cầu rất xa xôi, bất tiện.
Chính việc “qua sông phải luỵ phà” mà kinh tế ở 2 xã cánh Tây khó phát triển hơn so với các xã còn lại. Có cây cầu nối liền đôi bờ sẽ giúp 2 xã cánh Tây phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, còn thế hệ trẻ sẽ thuận lợi hơn trong việc học hành.
Hiểu được niềm mong mỏi của người dân nên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh và các nhà thầu nỗ lực hoàn thành cầu An Phước, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết nguyên đán. Công trình hiện còn thực hiện đoạn xử lý đất yếu của đường dẫn vào cầu, bảo đảm yêu cầu vừa chờ lún vừa thông xe.
Một lãnh đạo HĐND xã Phước Chỉ có mặt tại buổi thông xe kỹ thuật cầu An Phước cho biết, việc xây dựng cầu đáp ứng được nguyện vọng lâu nay của cử tri 2 xã cánh Tây thị xã Trảng Bàng. Đây có thể xem là “món quà xuân đặc biệt” mà Đảng và Nhà nước dành tặng cho người dân địa phương nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
Đường dẫn vào cầu do phải chờ lún nên sử dụng kết cấu mặt đường quá độ đảm bảo yêu cầu vừa chờ lún vừa thông xe đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho nhân dân 2 xã cánh Tây với trung tâm thị xã Trảng Bàng.
Trách nhiệm còn lại của địa phương là tập trung cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với sự đầu tư của tỉnh, góp phần cùng thị xã Trảng Bàng vững bước tiến lên thành phố Trảng Bàng trong tương lai.
Tấn Hưng