Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện thời sự
“Sách” mà lại là “vở” (?!)
Thứ hai: 10:40 ngày 27/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thiệt hết nói nổi luôn! Ông coi trường học mà lại bày trò chơi cho học sinh như thế này có được không?

-À, ông nói cái vụ một trường trung học phổ thông dưới miền Tây cho học sinh nam nữ chơi trò “chuyển thẻ bằng môi” đó hả! Ðúng là trò chơi này “nhạy cảm” quá, không phù hợp với trẻ mới lớn trong môi trường sư phạm.

Nhưng dù sao cũng chỉ là một trường hợp cá biệt trong hàng vạn trường học trên cả nước. Còn tôi, cũng như không ít cha mẹ học sinh khác mới vừa gặp một chuyện vất vả một cách bất hợp lý nữa đó!

-Chuyện gì thế?

-Thì… chuyện sách giáo khoa, ủa mà không, phải nói là chuyện “vở giáo khoa” mới đúng.

-Gì kỳ vậy? Từ nhỏ tới giờ tôi mới nghe ông kêu “vở giáo khoa” đó! Mà nó là cái gì vậy?

-Thiệt mà, số là năm học mới sắp tới đây nhỏ cháu tôi lên lớp Hai, từ trong hè gia đình đã mua sắm cho cháu đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập. Ai dè tới chừng vô học “tuần trước khai giảng” mới biết là trong bộ sách giáo khoa đã mua còn thiếu quyển “Vở bài tập toán 2 tập một”.

Thế là tôi với bà nó cùng cha mẹ nó bốn người chia ra chạy tìm khắp các tiệm sách trong tỉnh mà vẫn không mua được, vì tiệm nào cũng bán hết sạch rồi. Thế là mẹ cháu phải vô trường mượn nhờ cuốn sách của cô giáo để đi phô-tô một bản sao cho cháu nó học. Ông thấy có phải là cả nhà vất vả không?

-Ðúng là vất vả thật. Nhưng chuyện gia đình đi mua sách cho con em đi học là đúng thôi, chứ sao ông còn nói là “bất hợp lý”?

-Nói thiệt với ông, tôi đã tra “Từ điển Tiếng Việt” đàng hoàng mới dám nói nó là “bất hợp lý”. Này nhé, từ điển viết rằng “sách” là: “Tập giấy có chữ in đóng lại với nhau thành quyển để đọc hay học”; còn “vở” là: “Tập giấy được đóng lại để viết, thường có bìa bọc ngoài”, khái niệm phân biệt rõ ràng như vậy, còn đằng này cuốn sách mà cả nhà tôi đi tìm mua lại có tựa là “Vở bài tập Toán 2 tập một”, ông thấy có lạ không?

-Lạ thật đó chứ. Mà trong cái quyển “sách hay vở” ấy in cái gì ở trỏng?

-Tôi xem trong phần hướng dẫn sử dụng sách thì thấy có ghi: “Vở bài tập Toán 2 gồm các bài luyện tập, thực hành có cùng nội dung, mức độ như các bài tập trong sách giáo khoa…”.

Rồi tôi hỏi cháu thì nó cho biết, có sách này vô lớp tụi con khỏi phải viết đề bài tập Toán, chỉ cần cô kêu làm bài tập số mấy, ở trang nào, thì lật sách ra mà giải bài tập thôi.

-Ðúng là học toán mà không cần nghe cô giáo đọc, không phải chép đề bài tập vô vở bài tập kể cũng tiện. Nhưng nếu thầy cô giáo đọc đề bài, hoặc viết đề bài toán lên bảng cho học sinh chép vô vở bài tập thì học sinh sẽ nắm thật kỹ đề bài tập và làm bài tốt hơn đó chứ! Còn cách in sẵn “Vở bài tập Toán” như thế này, e rằng… lợi bất cập hại.

-Hèn nào, có tờ báo cho biết, mỗi năm phụ huynh học sinh cả nước phải tốn tới một ngàn tỷ đồng để mua sách giáo khoa cho con đi học!

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh