Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Sống trọn tình dân” là tựa một tập hồi ký của tác giả Lê Thị Lan, thường gọi là Út Lan, một cán bộ kháng chiến thuộc Ban An ninh tỉnh Tây Ninh từ năm 1960 đến năm 1968, sau đó, bà Út Lan chuyển vùng về Sài Gòn và sau 30.4.1975, bà là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận 3, thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi qua đời năm 1982.
Bà Lê Thị Lan và các con khi còn cư ngụ gần Long Hoa.
Trước hết, người viết xin được nói rõ về hai vế của cái tựa bài báo này:
“Vùng Toà thánh - Long Hoa” là địa danh thường gọi địa bàn huyện Hoà Thành ngày nay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trước ngày giải phóng 30.4.1975, vùng đất này bao gồm các xã Hiệp Ninh, Ninh Thạnh, Long Thành, Trường Hoà thuộc quận Phú Khương theo địa giới hành chính của chính quyền Sài Gòn.
Đây là khu vực tập trung dân cư với mật độ đông đúc nhất trong tỉnh Tây Ninh, với khu nội ô Toà thánh là trung tâm tôn giáo Cao Đài và khu chợ Long Hoa là trung tâm kinh tế, thương mại sầm uất nhất trong tỉnh thời bấy giờ.
Chính vì có hai khu vực “chùa và chợ” chỉ cách nhau chưa tới 2km, là tâm điểm của khu vực dân cư rộng lớn, được quy hoạch theo hướng đô thị hoá khá cao nên mới có tên gọi là “vùng Toà thánh - Long Hoa” trong lịch sử hơn nửa thế kỷ thành lập huyện Toà Thánh, tức Hoà Thành ngày nay.
Riêng địa danh “chợ Long Hoa”, không chỉ là để gọi một ngôi chợ kiến trúc rất độc đáo gồm “4 cánh nhà lồng chợ hợp thành hình chữ thập ở 4 hướng chính với nhà lồng tròn ở giữa, nằm trong khuôn viên vuông vức rộng hơn 2 ha, có 8 cửa trông ra tám hướng”, mà thực ra là cách gọi cho cả khu vực thị trấn Hoà Thành ngày nay với quy hoạch hạ tầng giao thông gồm rất nhiều con đường dọc, ngang và… chéo góc đồng quy về trung tâm là ngôi chợ, được bố trí theo “đồ hình bát quái” theo ý tưởng thiết kế của các bậc tiền bối, khai sáng đạo Cao Đài.
Và “Sống trọn tình dân” là tựa một tập hồi ký của tác giả Lê Thị Lan, thường gọi là Út Lan, một cán bộ kháng chiến thuộc Ban An ninh tỉnh Tây Ninh từ năm 1960 đến năm 1968, sau đó, bà Út Lan chuyển vùng về Sài Gòn và sau 30.4.1975, bà là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận 3, thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi qua đời năm 1982.
Trong giai đoạn công tác ở Tây Ninh, bà Út Lan sinh sống ở “chợ Long Hoa” tại một địa điểm mà trong tập hồi ký mô tả là sau khi Hội thánh cho “ủi lộ bát quái”, thì nhà bà nằm ở “một góc ngã sáu” ba mặt đều giáp lộ.
Trên thực địa, khu vực phía ngoài hai cánh chợ Đông, Tây, tức cửa 7 và cửa 3 chợ Long Hoa có hai ngã sáu, nhưng do bà không ghi rõ ở hướng nào nên không thể xác định nhà bà ở đường nào tại thị trấn Hoà Thành ngày nay.
Tám năm ở Long Hoa, người nữ cán bộ kháng chiến Lê Thị Lan sống dưới vỏ bọc là một người thợ may, chuyên may “đồ hàng” là quần áo trẻ em, gia công cho các sạp bán quần áo trong chợ.
Cách nay 12 năm, trong dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975-2005, người viết bài này có thực hiện một phóng sự nhiều kỳ đăng trên Báo Tây Ninh tựa đề là “Đường dây Côn Đảo”.
Đường dây này là đường dây liên lạc giữa các chiến sĩ cách mạng bị giặc bắt đày ra Côn Đảo với cơ quan lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam là Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục giao cho Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức và điều hành hoạt động.
Với những thông tin do người chỉ huy “đầu dây” đất liền là đồng chí Nguyễn Văn Hải, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ cung cấp, người viết phóng sự biết được “đầu dây” ở Côn Đảo là ông Nguyễn Văn Khuynh, thường gọi là Hai Khuynh phụ trách. Và người nhận thực hiện nhiệm vụ liên lạc giữa hai “đầu dây” chính là bà Lê Thị Lan, vợ ông Hai Khuynh.
Bà Út Lan từ quê nhà ở Bạc Liêu tìm lên Tây Ninh thăm chồng khi hay tin ông Hai Khuynh, cán bộ Ban Binh vận Trung ương Cục bị bắt giam ở Khám đường Tây Ninh. Gặp chồng trong những lần thăm nuôi ngắn ngủi, bà Út Lan nhận nhiệm vụ bắt liên lạc với Tỉnh uỷ Tây Ninh.
Sau đó, khi ông Hai Khuynh bị giặc đày ra Côn Đảo, bà ở lại Tây Ninh, tại vùng Toà thánh - Long Hoa để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “mắc xích” cực kỳ quan trọng của “Đường dây Côn Đảo”. Khi xuất bản tập hồi ký “Sống trọn tình dân”, gia đình bà Lê Thị Lan đã liên hệ với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và tác giả đưa phóng sự “Đường dây Côn Đảo” vào tập sách để nói về hoạt động của người chồng xa cách.
Trong tập hồi ký của mình, bà Út Lan cung cấp cho người đọc những thông tin hết sức quý báu về vùng đất Toà thánh - Long Hoa ngay trước. Xin trích một đoạn hồi ký của bà, kể về một lần bà tiếp xúc với đồng chí Phạm Hà, Phó Ban An ninh tỉnh để báo cáo công tác của bà ở nơi bà hoạt động bí mật.
Khi gặp đồng chí Phạm Hà, trong hồi ký, bà gọi là “ông Sáu”, tại một địa điểm thuộc xã Lộc Hưng, Trảng Bàng, gần Căn cứ Bời Lời của Tỉnh uỷ, bà Lê Thị Lan báo cáo:
“… -Tôi chỉ biết theo sự nhận xét của tôi bây giờ, hiện tại tại chợ Long Hoa xã Long Thành (nay là địa bàn các xã Long Thành Bắc, Long Thành Trung, Long Thành Nam và thị trấn Hoà Thành - NV) theo thống kê của Hội đồng xã cho biết trên năm chục ngàn dân nội ở Toà Thánh, một số dân cư đông nhất ở miền Nam (đây là vào năm 1960) tập trung dân tứ xứ về đây, vì ở quê cũ làm ăn không được, bị bom pháo của giặc Mỹ cày nát ruộng vườn, thêm chết chóc lan tràn đe doạ đời sống của họ hằng ngày, buộc lòng họ phải về đây với hai bàn tay không, gồm đủ các thành phần.
Đời sống họ rất cơ cực vì Thánh Địa là nơi tu hành, không có hãng xưởng, ruộng nương lại ít, mà người thì đông, vì xứ rừng núi nên vườn tược thì khô, chỉ trồng mít, vú sữa, cao su là được thôi, nhưng trồng những thứ này là thuộc người có tiền, còn đa số người dân dang lưng ra làm tối ngày mà không đủ miếng cơm ăn.
Về đây trước sau gì cũng phải vô đạo Cao Đài, Hội Thánh không bắt buộc, nhưng xung quanh mình vô đạo hết mà nhà nào không vô đạo thấy lạnh lùng, cô đơn lắm, tới cái chết cũng buồn hiu, chiều nào cũng đi cúng liên gia.
Trong mười hai nhà thành lập một liên gia, có một liên gia trưởng gọi là Trưởng thập nhị gia đứng đầu hướng dẫn đi cúng mỗi ngày, hôm nay cúng nhà nầy, ngày mai cúng nhà kế đó, xoay vần tuần tự cho đủ hết mười hai nhà rồi trở lại, cứ thế mà cúng hoài, cúng mãi. Mục đích đi cúng là để nhớ đến đức Chí Tôn, Phật Mẫu hằng ngày, cho ta được từ tâm nhân ái, để thường tới lui giúp đỡ anh chị em đồng đạo, rủi có đau ốm trong liên gia đều biết đến thăm nom an ủi.
Ở đây không có công ăn việc làm, họ sống cơ cực lắm, làm không ra tiền, từ chợ Long Hoa đi xe lôi tới Toà Thánh có hai đồng mà người ta không đi, tiền làm không ra, lấy đâu đi xe? Như tôi chẳng hạn, mấy ngày rằm, ba mươi đi cúng không bao giờ dám đi xe, vì nghĩ lúc đi cúng không may đồ được thì phải hà tiện từng đồng, chẳng riêng tôi, mà nhiều người còn hà tiện hơn tôi nữa.
Xe lôi ế ẩm lắm, các anh sống nghề này là dân bỏ làng, bỏ xứ, sống không nổi với thằng giặc nên mới lên đây, vì cực khổ quá nên ăn mặn cũng như ăn lạt, nước tương là món ăn chánh, nên họ nghĩ thà ăn chay còn có phước hơn, trước sau cũng chỉ có cơm với nước tương…
Người dân về đây chỉ biết lo kiếm sống, ít nghĩ tới thời cuộc. Có chăng là trong tâm tư của người tản cư, xa xứ, xa nhà, nhìn xã hội quá đen tối và bất công, họ có đôi lời than thở, nhưng rồi tiếng gõ mõ, tiếng tụng kinh hằng ngày cũng ảnh hưởng ru họ một phần nào.
Còn lại một số ít đang âm thầm chua xót căm hờn nhìn đất nước ngửa nghiêng, mà đồng bào vẫn còn cấu xé nhau, chưa biết thương yêu nhau nên giặc còn đánh hoài. Số anh chị em nầy mới chung vai đấu cật với những người yêu nước tại đây.
Còn số người đạo chân chính, tức là anh em trong Giáo hội Hoà Bình và Hoà Bình Chung Sống thì đều theo đường lối của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Các anh các chị đang đấu tranh cho sự nghiệp cao cả là chống Mỹ, lật Diệm để giành độc lập thống nhất đất nước. Tôi còn nhớ rõ lời của anh Tám Trọng trong Giáo hội Hoà Bình khi chính quyền cấm không cho anh hoạt động cho Hoà Bình. Chúng đến bắt anh và nói:
-Chính quyền cấm không cho anh làm Hoà Bình, vì làm Hoà Bình là theo Cộng sản, nếu anh tiếp tục, chúng tôi sẽ bắt và giết anh.
Trước mặt kẻ thù anh trả lời rất đanh thép:
-Các anh đừng hăm doạ vô ích, tôi sẵn sàng chết dưới bàn tay các anh. Tôi đấu tranh cho Hoà Bình, đâu phải cho riêng tôi.
Rồi anh dằn mạnh từng tiếng:
-Các anh nên nhớ kỹ, đấu tranh đây trước tiên là vì quyền lợi của chính các anh đó, vì hằng ngày các anh va chạm với súng đạn, cái chết đến với các anh trong nháy mắt. Còn tôi có hoà bình hay không có hoà bình cũng không ăn thua gì với tôi. Tối ngày tôi tụng kinh, gõ mõ làm sao tôi chết được vì súng đạn! Lo là lo cho các anh thôi, đấu tranh là đấu tranh vì đồng bào, một màu da, một dòng máu như chúng tôi.
Nghe anh nói, bọn Công an chỉ gục đầu làm thinh, không nói được tiếng nào với anh.
Thôi anh Sáu hé, kỳ sau tôi chuẩn bị sẽ có báo cáo đầy đủ hơn. Bây giờ chỉ có bao nhiêu đó. Sau cùng tôi cho anh biết, hiện nay tôi có đứa cháu là sinh viên đang học năm cuối đại học Sư phạm, cháu chưa tham gia kháng chiến, nhưng muốn vô khu giải phóng một lần để gặp các anh và sau đó muốn đóng góp một phần trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Anh Sáu nghe nói đồng ý:
-Được, tốt quá, vậy kỳ sau cô dắt cháu đó vô chơi một lần.
Rồi anh hẹn gặp kỳ tới ở Suối Ông Hùng...”.
Người cháu sinh viên mà bà Út Lan giới thiệu với ông Sáu Phạm Hà, chính là ông Năm Trung - đồng chí Lâm Minh Trung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học lịch sử Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh. Sau khi “vô khu giải phóng một lần”, ông Năm Trung đã thoát ly ra chiến khu tham gia cách mạng, công tác tại Ban An ninh tỉnh Tây Ninh, là một mắc xích quan trọng trong “Đường dây Côn Đảo”.
Sau hơn nửa thế kỷ bà Lê Thị Lan đến Tây Ninh cư ngụ một thời gian dài ở chợ Long Hoa, sau 35 năm tác giả qua đời, tập hồi ký “Sống trọn tình dân” được xuất bản đưa lại cho người đọc, nhất là người dân Tây Ninh, người dân Hoà Thành, người dân vùng Toà thánh - Long Hoa một cái nhìn khách quan, khoa học và trung thực về con người, vùng đất được xem là “Trung ương, Tổ đình” của tôn giáo Cao Đài.
Vấn đề này thiết nghĩ rất cần thiết để bồi dưỡng lòng yêu quê hương cho nhân dân, nhất là lớp trẻ ở địa phương hôm nay. Đồng thời tập hồi ký của bà Lê Thị Lan cũng là một tài liệu quý, rất cần thiết để tham khảo trong việc ghi lại lịch sử, truyền thống cách mạng của tỉnh nhà.
NGUYỄN TẤN HÙNG