Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Tam bửu” của làng xưa An Thạnh
Thứ tư: 06:46 ngày 11/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sách Truyền thống Cách mạng xã An Thạnh (huyện Bến Cầu) ghi, trong số lưu dân đầu tiên đến đây lập nghiệp: “Có 16 gia đình ở làng Nhật Tảo (Cần Giuộc, Tân An), gồm các họ Lê, Nguyễn, Trần, Chí, Trương…”.

Chùa An Phước.

Cái tên làng cũ kể trên khiến ta nhớ đến truyền tụng xa xưa nhất về những người mở đất Tây Ninh. Theo một sự tích về anh em “Quan lớn Trà Vong” Huỳnh Công Giản, họ cũng đến Tây Ninh từ làng Nhật Tảo, nhưng là vào giữa thế kỷ 18 (khoảng năm 1749). Làng Nhật Tảo xưa, nay thuộc về tỉnh Long An.

Nhưng, 16 gia đình trong số những lưu dân đầu tiên đến An Thạnh vào thời gian nào còn chưa rõ. Tuy vậy, chắc chắn là họ đã đến đây trước năm 1845, khi quan Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực xem xét tình hình đất đai, dân cư để quyết định lập thôn An Thạnh, thuộc tổng Mỹ Ninh, huyện Quang Hoá. Sách cũng viết: “16 gia đình ấy bắt đầu khai cơ lập nghiệp, gắn bó sát cánh bên nhau làm ăn sinh sống, cùng nhau vượt qua bao khó khăn: chống thiên tai, chống thú dữ, chống bọn cướp phá… giữ gìn thành quả lao động của mình. Cuộc sống tuy đơn sơ nhưng chứa chan tình làng nghĩa xóm…”.

Kết quả là họ không chỉ cải biến rừng hoang, bưng sình thành ruộng rẫy bên những dòng kênh chan chảy nước sông Vàm, mà còn để lại cho các thế hệ sau những di vật văn hoá vẫn còn sống động tới ngày nay. Ba công trình tiêu biểu nhất là dinh Ông, chùa An Phước đều ở ấp Voi, và một ngôi đình Bà ở ấp Bến, trước thềm sông Vàm Cỏ. Sách đã dẫn có chút nhầm lẫn khi viết đấy là “các đình chùa phật giáo”. Chính xác thì có hai ngôi trong đó thuộc về tín ngưỡng dân gian (dinh Ông và đình Bà). Ba công trình thờ tự này được người dân xã An Thạnh nay quý trọng, nâng niu và coi như “tam bửu” của làng xưa An Thạnh.

Vâng! Còn gì thú vị cho bằng một ngày xuân đi viếng gò Dinh Ông, thắp nhang cúng Phật ở chùa An Phước. Gò nằm cách đường Xuyên Á chỉ non 1 km, từ ngã ba An Thạnh đi vào. Truyền thuyết về dinh Ông cũng có nhiều bí ẩn, hiện chưa thể xác định rõ thực hư. Ngay cả hàng đại tự bày trên ban thờ cũng lạ, đấy là: “Lệnh ông chúa Tàu chứng minh”.

Sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh có chép lại 2 truyền thuyết. Một có xuất xứ từ chuyện chúa Nguyễn Ánh, trong một lần bôn ba “tẩu quốc” có ghé lại gò dừng chân nghỉ ngơi. Vừa lúc ấy quân đội nhà Tây Sơn truy đuổi tới nơi, chúa Nguyễn bèn bỏ tàu, băng rừng nhằm núi Bà Đen tìm nơi lánh nạn. Chúa chạy thoát nhưng ông “Chúa tàu”, tức thuyền trưởng đã tử trận.

Sau, ông được binh lính cùng dân địa phương lập miếu thờ. Truyền thuyết thứ hai là chuyện của quan quân nhà Minh chạy sang Việt Nam lánh nạn truy đuổi của nhà Thanh. Cả hai truyền tụng này đều liên quan đến chuyện chiếc ghe bị vùi lấp do “biển cả hoá cồn dâu” nên chưa có căn cứ xác đáng. Là bởi những vấn đề liên quan lịch sử kể trên cũng chỉ ở vào thế kỷ 17-18 mà thôi.

Kể từ đấy đến nay, chưa thấy tư liệu lịch sử nào kể đến việc có những biến đổi địa khí hậu lớn lao đến thế. Sách Truyền thống Cách mạng xã An Thạnh lại có ghi một truyền thuyết còn gần hơn nữa. Đấy là chuyện ông Chúa tàu - thuyền trưởng ấy báo mộng cho người dân rằng: “ông và thuỷ thủ đoàn là những người theo nghĩa quân chống Pháp…”. Do vậy, dân làng đã “cung kính lập miếu thờ ông như một bậc công thần…”.

Câu chuyện này cũng liên quan đến “dấu tích của chiếc tàu bị đắm” còn lại trên gò sau thời gian “biển cả hoá cồn dâu”. Sự thật là trong quá khứ, câu chuyện “biến đổi khí hậu” đến mức làm thay đổi cả địa vật lý một vùng là có. Nhưng gần nhất là từ thời kỳ hậu Óc-eo, khoảng từ thế kỷ VII đến thế kỷ thứ X. Khi ấy: “hiện tượng nước biển dâng cao tràn ngập vùng châu thổ làm thay đổi môi trường tự nhiên, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đã dẫn đến sự biến đổi của văn hoá Óc-eo ở vùng châu thổ…” (Báo cáo khoa học… về các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh- Bảo tàng Tây Ninh và Viện Phát triển bền vững Nam bộ, năm 2011).

Điều này cho thấy, ngôi dinh Ông có thể đã có từ rất xa xưa, xa nhất trong các ngôi thờ tự theo tín ngưỡng dân gian hiện có ở Tây Ninh. Đến đây, cũng cần nhắc lại một sự kiện nữa, kẻo có người “quên” mất. Đấy là vào năm 1998, gò Dinh Ông đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Nhưng đấy là do việc phát hiện các di chỉ khảo cổ học trên gò từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Theo đó: “các sưu tập và những thông tin thu được trong khai quật di tích gò Dinh Ông… từ công cụ đá đến hàng chục ngàn mảnh gốm các loại… xương động vật rừng, các loài nhuyễn thể, giáp xác sống ở vùng sông nước đã làm nổi bật thêm tính độc đáo của di tích gò Dinh Ông và đã chứng minh tương đối rõ di tích này có niên đại 2.700 đến 3.000 năm cách ngày nay” (Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2014).

Trong số 4 di tích cư trú của người tiền sử đã được xác định trên đất Tây Ninh, có 2 địa điểm thuộc về An Thạnh. Đấy là gò Dinh Ông và khu khảo cổ Bà Đao. Trầm tích văn hoá xa xưa trên miền đất này giàu có biết bao! Trong số “tam bửu” của làng xưa lại có hai ở ngay trên gò Ông. Cộng thêm ngôi nhà bia liệt sĩ của xã An Thạnh hiện nay, thì hiện trên gò có 3 ngôi thờ tự. Ngày nay đã có thể nói, chỉ trên một gò dinh đã có đủ 3 di tích được coi như “tam bửu” của quê hương An Thạnh.

Gò Ông mùa này vẫn trầm tư ngói cũ của ngôi dinh, theo đúng lối kiến trúc dân gian đình chùa Nam bộ. Trước là ngôi võ ca trống thoáng, ba gian ba nhịp. Sau là ngôi chính điện cũng 3 nhịp, 3 gian ngào ngạt khói nhang, lấp lánh nến đèn. Hoa kiểng trước sân, bên hông là rừng duối với sao, dầu cổ thụ, đó đây còn có dây rừng leo vấn vít kiểu rừng nguyên sinh.

Bên cạnh những hình khối, đường nét và sắc màu cổ kính của dinh, nổi bật lên tươi mới ngôi chùa An Phước, mới được xây sửa vào cuối năm 2019. Chùa vẫn khuôn hình xưa cũ ở các “mặt tiền” tuy đã được mở rộng thêm, đáp ứng được nhu cầu cúng kiếng của phật tử và bà con tín ngưỡng.

Theo sách Truyền thống cách mạng xã An Thạnh: “vào khoảng đầu những năm 1910 có ông thầy Tiều (đúng ra là Tiền) đến vùng đất gò Ông cất một cái am đơn sơ bằng tre, lá đặt bàn thờ phật… Khi thầy Tiền về già, đã giao lại chỗ thờ này cho một người tên là Hiếu… Thầy Hiếu đã đưa cả gia đình đến đây lập nghiệp, khai hoang được 3 mẫu quanh am đã sinh sống… Thầy Hiếu đã tiến hành tu sửa am lại bằng cây cột vuông, lợp đưng và lấy hiệu là chùa An Phước… Năm 1929, thầy Hiếu tiếp tục xây sửa chùa bằng gạch, lợp ngói âm dương…”.

Sách cũng cho biết, ngoài công lao khai phá, trùng tu chùa, thầy Hiếu còn là một cơ sở cách mạng trong thời kháng chiến chống Pháp, từng bị địch bắt tra tấn dã man và giam giữ tại Trảng Bàng. Năm 1949, địch phải thả thầy ra, sau 2 tháng thì thầy mất trong niềm tiếc thương của người dân An Thạnh. Công lao của thầy đã được đền đáp khi chùa xưa được các nhà sư tiếp nối trụ trì, làm cho An Phước tự mỗi ngày mỗi thêm sạch đẹp, khang trang. Chùa hướng mặt về hồ nước lớn ở phía Nam. Thế đất cao thấp, quanh co của gò vẫn giữ.

Trước mặt chùa còn tuần tự có các ngôi thờ: Di Lặc, Tam thế Phật và Quan Âm Bồ Tát. Gần mặt hồ nhất là tượng Phật Thích Ca dưới bóng mát bồ đề. Như là ngài đang trầm tư mặc tưởng nhìn về xa tắp những kênh rạch, bưng hoang, đã trở thành các cánh đồng xanh của An Thạnh ngày nay. Cái cũ và cái mới bên nhau hài hoà, lảnh lót tiếng chim rừng và tiếng gió luồn qua rừng duối cổ. Có lẽ không ở đâu giữ được hồn cốt của làng xưa như ở gò Dinh. Ngay trên một cái gò này thôi, cũng đã đủ ba báu vật của làng xưa An Thạnh.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục