Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“Tam nông”- từ chính sách đến thực tiễn
Thứ bảy: 00:15 ngày 30/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bến Cầu ngày nay đã khác xưa rất nhiều, như đã khoác lên mình bộ áo mới. Mới từ kết cấu hạ tầng giao thông - thuỷ lợi đến kiến thiết nông thôn. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên từng ngày. Ðã qua rồi cái thuở người nông dân phải “cày sâu, cuốc bẫm”, lao động vất vả nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Tất cả các xã giao thông nông thôn được nhựa hoá.

Những thành quả đạt được là kết quả của sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, khoá X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” của Ðảng bộ huyện, đây được cho là điểm tựa về mục tiêu cũng như động lực để địa phương nỗ lực vươn lên.

 

Ðể nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện phát triển đúng hướng như những năm qua, ông Vương Quốc Thới- Bí thư Huyện uỷ Bến Cầu chia sẻ: “Ðảng bộ huyện đứng trước câu hỏi lớn: làm thế nào để ngành nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá và bền vững, vì phát triển nông nghiệp được xác định là vấn đề cơ bản và then chốt ở địa phương? Ðể trả lời câu hỏi đó, qua 2 nhiệm kỳ, Ðại hội Ðảng bộ huyện đều đặt ra nhiệm vụ cần phải tập trung lãnh đạo thực hiện, đó là: phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tập trung tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp; đồng thời kêu gọi đầu tư và tập trung đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển nền nông nghiệp ở địa phương theo hướng bền vững.

Giải pháp huyện ưu tiên tập trung chỉ đạo là xây dựng vùng nguyên liệu bắp, các loại cỏ song song với phát triển đàn bò sữa trong nông dân; lựa chọn những cây, con có thế mạnh ở địa phương tập trung sản xuất, tạo chuỗi liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp; tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp liên kết với nông dân thu mua tại chỗ nông sản cho bà con. Từ đó, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp hằng năm đều tăng trên 5%”.

Ðể hiện thực hoá nghị quyết của cấp uỷ, đầu tiên, huyện triển khai các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào địa phương. Kết quả, huyện đã thu hút được một số dự án như: Nhà máy chế biến gạo tại xã An Thạnh, công suất xay xát bình quân là 80.000 tấn sản phẩm/năm (tương đương tiêu thụ 160.000 tấn lúa hàng hoá/năm) để tăng giá trị gia tăng sau thu hoạch trên cây lúa.

Ngoài ra, còn một số dự án trồng rau sạch theo hướng công nghệ cao kết hợp với khai thác du lịch sinh thái. Ngành chăn nuôi của huyện được đầu tư theo hướng trang trại như: trang trại bò sữa ở xã Long Khánh; trang trại chăn nuôi theo mô hình gà trại lạnh ở xã Long Khánh và Long Phước.

Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện tập trung đầu tư về hệ thống thuỷ lợi, đã đưa 5 trạm bơm đi vào hoạt động, khả năng phục vụ bơm tưới theo thiết kế là 3.205 ha/vụ đất sản xuất nông nghiệp. Hệ thống kênh hiện nay có 32 tuyến cấp 1 dài 135km; 65 tuyến cấp 2 dài 137km, phục vụ tiêu - tưới cho 18.366 ha/năm.

Như vậy, các công trình thuỷ lợi đã cấp nước chủ động cho 12.000 ha cho diện tích lúa 2 vụ (đưa diện tích lúa được tưới chủ động từ 60% (năm 2008) lên 85% năm 2018). Bên cạnh đó, huyện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2008-2018 với tổng nguồn vốn 600,9 tỷ đồng.

Tất cả các tuyến đường đi trung tâm các xã hiện đã nhựa hoá. Các đường giao thông nông thôn xã, ấp đa số được nâng cấp sỏi đỏ, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá nông sản. Song song với đầu tư từ ngân sách, huyện vận động nhân dân và doanh nghiệp đóng góp xây dựng nông thôn mới được 7,2 tỷ đồng.

Công nhân vệ sinh tuyến kênh nội đồng tại xã Tiên Thuận.

Hơn 10 năm trước, tỷ trọng nông nghiệp của huyện chiếm rất cao, khoảng 80%, hiện nay còn khoảng 34% trong tổng cơ cấu kinh tế của huyện. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tích cực, huyện tập trung sản xuất các cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao; chuyển đổi mục đích cây trồng từ những vùng đất lúa năng suất thấp sang trồng cây ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ðối với cây lúa, thúc đẩy phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, tập trung thí điểm các mô hình: sản xuất lúa chất lượng cao theo chất lượng đạt chuẩn VietGAP; triển khai các giống mới, áp dụng phương pháp sạ hàng; thực hiện “Mô hình liên kết 4 nhà”; cánh đồng mẫu lớn; mô hình 3 giảm 3 tăng.

Một mô hình mang tính bền vững và theo hướng sạch được quan tâm áp dụng, đó là tưới phun và tưới nhỏ giọt trên một số loại cây ăn quả khá hiệu quả, tiết kiệm đầu tư.

Huyện xác định, phát triển chăn nuôi là khâu mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp. Ðịa phương tạo mọi điều kiện để Công ty Vinamilk mở rộng quy mô trang trại, với diện tích 685 ha tại xã Long Khánh; nông dân liên kết với trang trại trồng bắp, các loại cỏ phục vụ cho chăn nuôi bò sữa; đồng thời tập trung phát triển đàn bò sữa trong nông dân.

Trang trại chăn nuôi theo mô hình gà trại lạnh ở xã Long Khánh và Long Phước cũng đưa vào sản xuất; trong nhân dân xuất hiện nhiều hộ chăn nuôi bò sinh sản, nuôi heo thịt và gia cầm, sản xuất rau sạch, nuôi cá ao nước tĩnh; thực hiện các dự án khuyến nông hỗ trợ sản xuất như mô hình nuôi cá ao truyền thống; nuôi cá thác lác cườm, mô hình nuôi vịt thịt bảo đảm vệ sinh môi trường...

Bộ mặt văn hoá ở nông thôn phát triển qua từng ngày. 10 năm qua, chất lượng giáo dục đã có sự chuyển mình đáng kể, đã có 17 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh lên lớp và thi đậu tốt nghiệp ngày càng cao; duy trì đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Mặt khác, các chương trình quốc gia về y tế được duy trì và triển khai hiệu quả, có trên 96% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng miễn dịch đầy đủ; công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện thường xuyên; công tác dân số - KHHGÐ, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em có chuyển biến tích cực; trạm y tế xã nông thôn mới đều có bác sĩ; công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân từng bước được cải thiện.

Văn hoá, xã hội các xã vùng nông thôn ngày càng phát triển, đến nay, toàn huyện có 96% số hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá, 97% ấp, khu phố đạt tiêu chuẩn; 8/9 xã, thị trấn có trung tâm văn hoá học tập cộng đồng; 100% xã có sân chơi, bãi tập, sân tập luyện các môn thể thao, có 18 đội văn nghệ quần chúng cơ sở, từ đó góp phần để hoạt động vui chơi, sinh hoạt và đẩy mạnh phong trào thi đua ở địa bàn dân cư nông thôn ngày càng phát triển.

Thực tế đã chứng minh sự thành công trong thực hiện chính sách “Tam nông” ở huyện Bến Cầu, đây là bước đi đúng đắn, hợp lòng dân, có ý nghĩa kinh tế - xã hội và tính nhân văn sâu sắc, do đó được người dân hân hoan đón nhận và đánh giá cao.

Ðình Nhật

Ban Tuyên giáo

Huyện uỷ Bến Cầu

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục