Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong cuộc đua này Auchan thua về kinh tế nhưng một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam mới là người thua cuộc. Họ thua trong cách học làm người có văn hóa.
Những ngày qua, khi siêu thị Auchan bắt đầu xả hàng để chuẩn bị rời khỏi thị trường Việt Nam, trên các trang mạng xã hội và báo chí tràn ngập hình ảnh người tiêu dùng tranh giành, ăn hàng không trả tiền, giẫm đạp lên hàng hóa của siêu thị.
Đám đông tàn phá trong cơn giảm giá
Người đại diện cho Auchan nói rằng họ không biết nói gì ngoài hai từ “xấu hổ”. Đó cũng là cảm nghĩ của tôi sau khi đứng hai giờ trong siêu thị Auchan Trường Sơn (quận 10) của người Pháp và chứng kiến dòng người chen chúc, xô đẩy, thậm chí chửi bới nhau vì mấy món hàng giảm giá.
Dù muốn hay không cũng phải nói rằng Auchan chưa bao giờ đông khách như đợt xả hàng đóng cửa như bây giờ. Lúc mua hàng, tôi và cháu mình gặp một bà mẹ vô tư để con mình cắm ống hút vào hộp sữa. Hộp sữa bị đứa trẻ xé khỏi lốc của siêu thị chưa được tính tiền. Người mẹ nhìn thấy nhưng chẳng nói gì. Khi tôi lên tiếng nhắc rằng đừng để đứa trẻ hành động như thế thì bất ngờ người phụ nữ quay qua quát tôi: “Đồ vô duyên!”. Tôi không biết lý giải ra sao với đứa cháu mới năm tuổi của mình khi cháu hỏi tôi: “Sao cô đó lại quát dì?”.
Một phụ nữ trung niên khác vô tư ngồi trong siêu thị ăn que kem giữa dòng người mua sắm. Que kem ấy chưa được thanh toán và cũng là que kem cuối cùng trong tủ lạnh. Bên trong tủ chỉ thấy còn sót lại những bao kem bị bóc, những que kem nằm chỏng chơ, những bìa carton nằm chồng lên nhau.
Thực tế, trong hai giờ đồng hồ ở siêu thị, tôi nhận ra rằng không chỉ người mẹ kia thờ ơ với tài sản của người khác mà là cả một đám đông.
Khắp các kệ hàng hóa bị bới tung, rơi lỏng chỏng xuống đất. Những cái chén bị bể làm đôi, nón bảo hiểm bung vành nón, cái nồi không thấy nắp. Bánh kẹo, snack bị bóc ra… nếm thử, những chai nước lọc ai đó uống đi phân nửa rồi để lại nguyên trên giá. Tại quầy sữa tắm, dầu gội đầu bị xới tung, có chai bật nắp chảy nước ra khắp sàn nhà. Có lọ tương ớt bị rơi xuống sàn vỡ toang...
Chẳng biết ai là thủ phạm, chỉ thấy dòng người vẫn đang quay cuồng với cuộc chiến săn hàng giảm giá của mình.
Khi tôi đi qua quầy đồ ăn sẵn, định bụng mua sốt cà chua làm sẵn thì cô lao công đang dọn dẹp chai tương ớt bị rơi lúc nãy nhìn tôi ái ngại và nói: “Cháu kiểm tra nắp còn tem không, còn tem thì hàng mới, không còn thì bị mở ra rồi, mua dùng luôn thì được chứ để lâu dễ hư”. Tôi hỏi cô có thấy ai mở nắp hay bóc bánh kẹo ăn không. Cô ấy nói: “Đầy cháu ạ, chỉ nhắc thôi chứ sao bắt đền được”.
Hàng hóa trong siêu thị Auchan bị người mua xới tung, rơi vãi khỏi kệ. Ảnh: THU HÀ
Đừng để miếng ăn là miếng tồi tàn
Người ta thường nói miếng ăn là miếng tồi tàn. Quả thật, nhìn Auchan lúc này không khác gì một bữa tiệc tàn, tan hoang, lộn xộn. Sự lộn xộn bởi ý thức con người, tham lam, giành giật hay sự quản lý lỏng lẻo của nhân viên? Tôi nghĩ phần nhiều mà gây nên câu chuyện đáng xấu hổ này thuộc về người mua sắm.
Những nhân viên bảo vệ, nhân viên bán hàng không thể chống chọi lại với hàng trăm lượt khách ồ ạt khi vừa phải đảm bảo an ninh, vừa phải đảm bảo an toàn của tài sản. Khi đã thông báo không được mang túi xách, ba lô… vào siêu thị nhưng người ta vẫn bất chấp để khi đi ra bảo vệ đề nghị kiểm tra lại nổi cáu, nói những lời nặng nề. Vậy mà nhân viên Auchan ai cũng vui cười, cúi đầu nói lời “merci” (cám ơn) bất kể lòng họ buồn hay vui.
Nhiều người trách móc rằng khi xả hàng nghỉ bán, đáng lẽ Auchan phải tăng cường nhân lực, phải thuê thêm nhiều bảo vệ, phải làm rất rất nhiều thứ. Nhưng tôi tin họ sẽ không bao giờ lường trước vì sao người Việt chúng ta lại đối xử với hàng hóa như vậy. Phải chăng nỗi buồn người này lại là sự hân hoan của kẻ khác đã đúng trong tình huống này?
Trong cuộc đua này Auchan thua về kinh tế nhưng tôi nghĩ một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam mới là người thua cuộc. Họ thua trong cách học để làm một người có văn hóa.
Auchan vẫn đang đợt khuyến mãi và sẽ còn khuyến mãi nhiều nữa. Mong vấn nạn “tàn phá” này đừng lặp lại.
Khác gì trộm cắp?
Sau bài báo “Đại diện Auchan Việt Nam: “Chúng tôi quá xấu hổ”” đăng ngày 23-5 trên Pháp Luật TP.HCM, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi, bình luận của bạn đọc về câu chuyện này.
- Dùng từ “xấu hổ” là né tránh chứ thật sự là họ khinh. Đúng là rất đáng xấu hổ cho một bộ phận dân mình. - Tam
- Đề nghị “Tập đoàn Auchan Việt Nam” trích xuất camera gửi cho công an địa phương (nơi xảy ra sự việc) để xử lý, những hành vi nêu trên có khác gì trộm cắp và phá hoại tài sản của người khác. - Phạm Hà
- Thực tế có một số người thiếu ý thức, trách nhiệm, kém hiểu biết, thiếu giáo dục, bẩn tính. Họ như một nguồn ô nhiễm đời sống xã hội. - Trần Đình Lai
- Người ta vào siêu thị Auchan để mua hàng hay hôi của? Thật đáng xấu hổ. - trang
- Nhiều nghìn năm nữa vẫn chưa lớn là vậy đấy. Đi một số nước thấy họ viết thông báo bằng tiếng Việt “Lấy vừa đủ ăn”, “Ăn không hết phạt 100%”. Đọc mà thấy cay cay. - Bình Minh
Nguồn PLO