Do quy hoạch CCN Hoà Hội nằm trong đất lâm nghiệp, trong đó có nhiều diện tích cây rừng nên phải xử lý cây rừng như thế nào là một trong những khâu tốn khá nhiều thời gian.
Theo văn bản ngày 20.3.2009 của Sở NN&PTNT thì khu đất quy hoạch Cụm công nghiệp (CCN) Hoà Hội có diện tích 30 ha, là đất rừng trạng thái 1C. Khi biết CCN Hoà Hội được quy hoạch tại khu đất rừng này, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND huyện Châu Thành xin ý kiến UBND tỉnh cho chuyển đổi mục đích sử dụng 16,3 ha đất lâm nghiệp thuộc Tiểu khu 71 (xã Hoà Hội) nằm trong quy hoạch CCN bởi diện tích này đã được quy hoạch lâm nghiệp. Hoặc nếu không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, UBND huyện Châu Thành nên đề nghị tỉnh điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp cho phù hợp.
Ngày 10.6.2010, Sở TN&MT có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc thu hồi tổng thể gần 30 ha đất lâm nghiệp ở xã Hoà Hội, huyện Châu Thành giao cho UBND huyện xây dựng CCN. Đến tháng 7.2010, UBND tỉnh có văn bản uỷ quyền ban hành thông báo thu hồi đất làm CCN Hoà Hội, giao cho UBND huyện Châu Thành tiến hành khảo sát, đo đạc, lập bản đồ hiện trạng khu vực phục vụ cho công tác lập quy hoạch chi tiết; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định. UBND tỉnh cũng uỷ quyền cho UBND huyện Châu Thành ban hành thông báo thu hồi đất thực hiện CCN Hoà Hội. Đến ngày 20.8.2010, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi xấp xỉ 30 ha đất lâm nghiệp ở xã Hoà Hội làm CCN. Trong quyết định này có nêu: “UBND huyện Châu Thành có trách nhiệm tổ chức thanh lý phần diện tích có rừng theo đúng quy định”.
Một góc rừng Hoà Hội, nơi sẽ thanh lý để xây dựng Cụm công nghiệp |
Ngay sau khi có chủ trương thành lập CCN Hoà Hội, đã có hai nhà đầu tư đăng ký hai dự án sản xuất ở đây là (Công ty Lâm Sơn và Công ty Hùng Duy). Tháng 5.2008, UBND tỉnh có Công văn số 1999/UBND-KTTH về việc đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Lâm Sơn xây dựng nhà máy sản xuất gạch bằng công nghệ Hoffman tại cụm công nghiệp Hoà Hội (Châu Thành) với quy mô diện tích khoảng 2 ha. Ngày 23.9.2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1955/QĐ- UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án di dời, tái đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tinh bột mì thuộc Công ty TNHH- XNK - TM - CN - VT Hùng Duy, đặt tại ấp Bố Lớn, xã Hoà Hội (Châu Thành). Theo Quyết định trên, chủ dự án (Công ty Hùng Duy) có trách nhiệm thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung đã nêu trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường và những yêu cầu bắt buộc sau: Phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất đảm bảo đạt tiêu chuẩn cột A (TCVN 5945:2005) trước khi thải ra môi trường; chất thải rắn phải được thu gom, lưu giữ và phải xử lý triệt để đúng theo quy định; phải thực hiện các biện pháp hạn chế mùi hôi phát sinh trong quá trình sản xuất và xử lý chất thải; khí thải phải đạt tiêu chuẩn quy định; trong quá trình thi công và trong quá trình hoạt động phải đảm bảo các tiêu chuẩn về tiếng ồn và độ rung; diện tích trồng cây xanh phải được quy hoạch hợp lý và đảm bảo đạt ít nhất 15% tổng diện tích đất của dự án…
Tuy nhiên, do quy hoạch CCN Hoà Hội nằm trong đất lâm nghiệp, trong đó có nhiều diện tích cây rừng nên phải xử lý cây rừng như thế nào là một trong những khâu tốn khá nhiều thời gian. Đây không chỉ là điều băn khoăn của UBND huyện Châu Thành mà còn là sự “sốt ruột” của nhà đầu tư bởi ai cũng muốn các dự án sớm được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động. Mới đây, trao đổi với phóng viên, một cán bộ Phòng Công thương huyện Châu Thành cho biết, trong 30 ha đất rừng ở xã Hoà Hội được thu hồi làm CCN, có 12 ha có cây rừng, chủ yếu là rừng chồi, cây rừng thưa thớt. Sau khi có chủ trương thu hồi đất làm CCN của tỉnh và hồ sơ đăng ký đầu tư của 2 doanh nghiệp (Công ty Lâm Sơn và Công ty Hùng Duy), UBND huyện và các ngành chức năng của huyện, tỉnh đã bàn bạc thống nhất chủ trương xử lý diện tích rừng. Theo đó, huyện sẽ giao khoán cho nhà đầu tư chịu trách nhiệm thanh lý, sử dụng cây rừng trong quá trình san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng nhà xưởng. Nghĩa là sau khi ngành chức năng của huyện Châu Thành khảo sát, thẩm định giá trị cây rừng trên diện tích giao cho từng nhà đầu tư để báo cáo xin ý kiến ngành chức năng tỉnh. Bước đầu, nhà đầu tư cũng đã chấp thuận phương án này. Hiện nay phương án cụ thể, chi tiết đã trình Sở NN&PTNT xem xét cho ý kiến.
BẢO TÂM