Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mua bán qua mạng:
“Thiên đường” hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ
Thứ hai: 00:06 ngày 05/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nổi lên tình trạng vận chuyển ma tuý, buôn bán hàng hoá sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Việt Nam” để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách Nhà nước ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Đoàn công tác Tổng cục Quản lý thị trường khảo sát tình hình mua bán hàng hoá tết tại chợ thành phố Tây Ninh.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Đặc biệt, nổi lên tình trạng vận chuyển ma tuý, buôn bán hàng hoá sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Việt Nam” để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách Nhà nước ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. 

“Sính  ngoại” !?

Một vấn đề lớn mà Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đặt ra tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm vừa qua, đó là hoạt động buôn bán hàng hoá qua mạng internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng thông tin sai sự thật về công dụng của mỹ phẩm đông y, thuốc y học cổ truyền… có nguy cơ gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp về quản lý nhà nước để đấu tranh ngăn chặn tình trạng này.

Hiện nay mua bán hàng trên internet đang rất phổ biến, nhất là trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo… Gần như tất cả các sản phẩm, từ mỹ phẩm, quần áo, trang sức, thực phẩm chức năng… thậm chí đến đồ ăn vặt cũng được nhiều người rao bán. Phần lớn các sản phẩm này, nhất là trang sức, mỹ phẩm, quần áo, dù mang các nhãn hiệu nổi tiếng nhưng lại rẻ hơn gấp nhiều lần so với các hàng chính hãng trên thị trường.

Vào một trang Facebook cá nhân rao bán đồng hồ mang nhãn hiệu nổi tiếng “Hublot” với giá khá bèo, chỉ 1 triệu đồng/cái, người bán không ngần ngại khẳng định đây là hàng fake (hàng nhái), nhưng cam kết sản phẩm sao chép không khác gì chính hãng. Khi đeo lên tay, ít có ai có thể phân biệt được đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng nhái.

Anh Trung- ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh cho rằng, phần lớn các sản phẩm mang các nhãn hiệu nổi tiếng được rao bán trên mạng xã hội là hàng nhái, hàng giả do có giá quá thấp so với những mặt hàng chính hãng ngoài thị trường. Chính người tiêu dùng cũng biết sản phẩm mà họ mua trên internet, mạng xã hội là hàng nhái nhưng do tâm lý “sính ngoại”, thích xài đồ “hiệu”, nên người mua dễ dàng chấp nhận. “Một cái đồng hồ ngoài thị trường có giá hơn 100 triệu nhưng trên mạng xã hội chỉ có 1 triệu đồng, không phải hàng giả thì là hàng gì?”- anh Trung nói.

Theo anh Đặng Thanh Huy, ngụ khu phố 4, thị trấn huyện Hoà Thành, những sản phẩm tác động đến sức khoẻ của con người như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bồi bổ sức khoẻ, thuốc dành cho “đấng mày râu” rao bán tràn lan trên mạng… gây ra những hệ luỵ rất lớn. Các sản phẩm tương tự, khi đưa ra thị trường bày bán, đều phải qua kiểm định của ngành Y tế.

Trong khi đó, không ai biết được nguồn gốc, chất lượng thực sự của những sản phẩm rao bán trên mạng. Chẳng may, người tiêu dùng bị tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khoẻ, khó mà quy được trách nhiệm cho người bán. Hiện nay, việc lập một trang cá nhân để rao bán sản phẩm “dễ như đi chợ”, người bán muốn đóng trang cá nhân bất cứ lúc nào tuỳ thích. Khi đó, nếu người tiêu dùng gặp “sự cố”, rất nhiêu khê mới tìm được người bán hàng.

Anh Huy cho biết, mới đây, một người bạn của anh vào mạng xã hội Facebook thấy có một trang cá nhân rao bán sản phẩm thuốc “tăng khả năng đàn ông” được quảng cáo là “hàng Thái”, có rất nhiều người sử dụng vì “hiệu quả”. Người bạn này không ngần ngại đặt mua 2 vỉ thuốc với số tiền gần 1 triệu đồng. Mới xài được 2 viên, chuyện “tăng khả năng đàn ông” đâu không thấy, người bạn anh Huy bị phản ứng thuốc, toàn cơ thể nổi ban đỏ phải vào viện cấp cứu, chậm một chút là mất mạng.

Cả anh Trung và anh Huy đều cho rằng, việc hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ tràn lan trên mạng internet, mạng xã hội một phần là do cơ chế quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này chưa chặt chẽ nên chưa thể kiểm soát được. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người tiêu dùng.

Những mặt hàng được quảng cáo trên mạng xã hội Facebook.

Sẽ có giải pháp xử lý 

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; tăng tần suất kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn được giao quản lý… Chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư nông nghiệp…

Ông Châu Thanh Long- quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, từ ngày 1.1 đến 30.7.2019, lực lượng QLTT đã kiểm tra, phát hiện 21 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hoá (mỹ phẩm) không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hơn 87 triệu đồng; 18 vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng hoá, hàng giả mạo nhãn hiện, phạt tiền 273 triệu đồng, tịch thu 4.423 tròng kính, 1.204 gọng kính mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Puma, Nikkon, Gucci... 510 phụ tùng xe gắn máy các loại giả nhãn hiệu Honda, Yamaha.

Theo ông Long, việc kiểm và xử lý đối với các địa điểm kinh doanh, sản xuất, kinh doanh hàng giả có không ít trở ngại. Khi phát hiện hàng hoá có dấu hiệu hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng QLTT tạm giữ hàng hoá và phải có văn bản thông báo gửi cho doanh nghiệp bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để doanh nghiệp phối hợp giám định, có văn bản xác định đó là hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ làm cơ sở để xử lý. 

Ông Long cho biết, đối với tình trạng mua bán hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên internet, mạng xã hội, 6 tháng qua, lực lượng QLTT chưa xử lý trường hợp nào, do không nắm cụ thể địa chỉ kinh doanh của đối tượng; việc giao dịch mua bán chỉ diễn ra trên mạng xã hội, qua điện thoại… hàng hoá được người bán, người mua giao nhận qua các đơn vị bưu chính, vận chuyển hàng hoá. 

Trước những diễn biến phức tạp của loại hình kinh doanh này, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường kiểm tra, nắm tình hình, cũng như đưa ra giải pháp để xử lý trong thời gian tới.

THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh