Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Thờ ơ” với giấy chứng nhận trang trại
Thứ sáu: 11:31 ngày 17/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong quá trình thẩm tra, khảo sát để đánh giá cấp đổi lại giấy chứng nhận kinh tế trang trại, có khá nhiều trang trại đạt tiêu chí quy định theo Thông tư 27, nhưng chủ trang trại “thờ ơ” với việc xin cấp đổi lại giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Ông Lâm Văn Dũng- chủ trang trại chăn nuôi tại huyện Châu Thành

Để tạo sự chuyển biến, bứt phá trong kinh tế nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá nông sản, giúp các chủ trang trại được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước trong phát triển kinh tế, ngày 13.4.2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Thông tư trên thay thế Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 13.6.2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Tổng cục Thống kê về hướng dẫn tiêu chí xác định kinh tế trang trại và Thông tư số 74/2003/TT- BNN ngày 4.7.2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung mục III của Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK.

Sau khi Thông tư 27 có hiệu lực, UBND tỉnh ban hành quy định trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức thành lập và phát triển kinh tế trang trại. Chi cục Phát triển nông thôn Tây Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm tra lại các trang trại trên địa bàn tỉnh, để đánh giá theo các tiêu chí trang trại quy định tại Thông tư 27.

Để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, Thông tư 27 quy định, các trang trại được xác định theo lĩnh vực sản xuất gồm: Trang trại trồng trọt; Trang trại chăn nuôi; Trang trại lâm nghiệp; Trang trại nuôi trồng thuỷ sản; Trang trại tổng hợp. Cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản đạt tiêu chuẩn kinh tế trang trại phải thoả mãn điều kiện sau: Đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp phải có diện tích trên mức hạn điền, tối thiểu 3,1 ha đối với vùng Đông Nam bộ, đồng bằng Sông Cửu Long và 2,1 ha đối với các tỉnh còn lại; giá trị sản lượng hàng hoá đạt 700 triệu đồng/năm; đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hoá từ 1 tỷ đồng/năm trở lên; đối với cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31 ha và giá trị sản lượng hàng hoá bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên.

Thông tư 27 cũng quy định chi tiết thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại gồm: thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại và thu hồi; hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi giấy chứng nhận kinh tế trang trại; trình tự cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận kinh tế trang trại; thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra, khảo sát để đánh giá cấp đổi lại giấy chứng nhận kinh tế trang trại, có khá nhiều trang trại đạt tiêu chí quy định theo Thông tư 27, nhưng chủ trang trại “thờ ơ” với việc xin cấp đổi lại giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 679 trang trại nông nghiệp, trong đó có 318 trang trại trồng trọt, 216 trang trại chăn nuôi, 43 trang trại nuôi thuỷ sản và 102 trang trại tổng hợp được cấp giấy chứng nhận theo Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 13.6.2000. Sau khi khảo sát, thẩm tra lại các trang trại theo các tiêu chí mới quy định trong Thông tư 27, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh mới chỉ cấp lại được 70 giấy chứng nhận cho 70 chủ trang trại.

Theo phân tích của lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chủ trang trại thờ ơ với việc cấp đổi lại giấy chứng nhận. Trước tiên là do trước đây các trang trại, dù đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại nhưng cũng gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay, chỉ có thể vay ngân hàng với mức thấp khi không có tài sản thế chấp. Kế đến là khi các trang trại sản xuất ra giá trị hàng hoá đúng với tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT thì không cần thiết phải đăng ký xin cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Như vậy, giấy chứng nhận kinh tế trang trại không phải là “lá bài đặc cách” trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, đồng thời, giấy chứng nhận cũng không phải là thủ tục bắt buộc. Trong khi đó, những trang trại được cấp giấy chứng nhận lại phải tuân thủ những quy định cũng như trách nhiệm rất khắt khe.

Theo ông Nguyễn Văn Nhành- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, giấy chứng nhận trang trại là rất cần thiết, vì khi được cấp, cấp đổi, cấp lại theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT, chủ trang trại sẽ được tham gia một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại như: vay vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tham gia hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Nghị quyết số 40/2016/NQ-HĐND ngày 9.12.2016 của HĐND tỉnh Tây Ninh về mức hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; mua máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ…

Sắp tới, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có đủ điều kiện đăng ký cấp giấy chứng nhận trang trại theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT. Đồng thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh xem xét, ban hành quy định về mức hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhằm hỗ trợ các chủ trang trại khi tham gia hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định; phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ các trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Hoa Lư

Tin cùng chuyên mục