Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Thời đại Trump” gây hiệu ứng ngược cho bầu cử Đức
Chủ nhật: 15:09 ngày 19/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc một người theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch như ông Trump lên nắm quyền tại Mỹ đã tạo ra bước chuyển không thể ngờ tới trong cuộc bầu cử ở Đức, quốc gia được xem là “mỏ neo của Liên minh châu Âu”.

thoi dai trump gay hieu ung nguoc cho bau cu duc

Cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz dẫn dắt đảng Dân chủ Xã hội cánh tả tranh cử. Ảnh: EPA.

Có lẽ những người ủng hộ ông Trump chưa bao giờ lường trước điều đang xảy ra ở Đức. Đó là sự trỗi dậy nhưng không phải của phe theo chủ nghĩa dân tộc ở Đức, vốn được xem là “đồng minh tự nhiên” của tân Tổng thống Mỹ, mà là của phe trung tả thường chịu sự chỉ trích nặng nề của ông.

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cánh tả của Đức đang lấy lại vị thế dưới sự dẫn dắt của cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz, người vừa trở thành Chủ tịch đảng này tháng trước và đang bất ngờ vươn lên trở thành ứng viên tiềm năng thay thế Thủ tướng Angela Merkel.

Đảng Dân chủ Xã hội bứt phá khỏi đại liên minh cầm quyền

SPD hiện là một phần trong đại liên minh cầm quyền của bà Merkel nhưng cựu Chủ tịch đảng, cựu Ngoại trưởng Sigmar Gabriel luôn tìm cách tách SPD ra khỏi chủ trương chung của chính phủ.

Tuần trước, lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua đảng SPD cánh tả của ông Schulz đã vươn lên dẫn trước đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trung hữu của bà Merkel trong một cuộc thăm dò dư luận.

Phải đến tháng 9/2017 Đức mới tổ chức bầu cử nhưng các nhà phân tích đã dự đoán rằng dưới sự lãnh đạo của ông Schulz, đảng SPD có cơ hội tốt nhất để giành lại quyền lực kể từ khi ông Gerhard Schroder để tuột mất quyền lực vào tay bà Merkel năm 2005.

Phó Chủ tịch SPD Ralf Stegner cho rằng: “Có nhiều yếu tố khiến đảng này vươn lên, chủ yếu nhờ ông Schulz đã đem lại xung lực mới cho những người đang chờ thời để quay lại chính trường nhưng cũng một phần là nhờ Tân Tổng thống Mỹ. Nhiệm kỳ Tổng thống dù mới chỉ bắt đầu của ông ấy đã chính trị hóa dư luận ở Đức, khiến họ cảnh giác và chủ động hơn trong việc tham gia hoạt động chính trị”.

Bí quyết của SPD là công kích ông Trump

Ở một đất nước thường bị lấy làm ví dụ cho những tác động thảm họa của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ông Schulz đang xây dựng một chiến dịch vận động tranh cử dựa trên việc không ngần ngại công kích mạnh mẽ ông Trump.

Ông Schulz không so sánh tân Tổng thống Mỹ với nhà độc tài Đức Adolf Hitler nhưng cũng đã nhắc tới ông Trump trong cùng một bài phát biểu mà trong đó ông khẳng định đảng SPD của mình phản đối chủ nghĩa Phát xít như thế nào.

Nền tảng của việc ông Schulz công kích ông Trump là việc chưa bao giờ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh người dân Đức lại đặt một dấu hỏi lớn đến thế về sức mạnh của Mỹ. Điều đó cho thấy sự xói mòn niềm tin giữa 2 đồng minh này dưới một thời đại mới mà “Nước Mỹ là trên hết”.

Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy chỉ có khoảng 22% người dân Đức cho rằng nước Mỹ dưới thời Donald Trump là một “đối tác đáng tin cậy”. Đáng nói là tỷ lệ này chỉ cao hơn 1% so với cảm nhận tương tự của người Đức về Nga.

Cánh tả ở Anh và Pháp vẫn trong tình trạng hỗn loạn nhưng được khích lệ rất nhiều bởi cách tiếp cận của ông Schulz.

Martin Schulz – nhà lãnh đạo SPD chưa học hết trung học

Cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu tự nhận mình là “kẻ ngoài cuộc” có thể đảo lộn mọi thứ ở Berlin lên. Chính trị gia 61 tuổi chưa bao giờ học hết trung học này luôn cởi mở về sự không hoàn hảo của mình, sẵn sàng nói về sự đấu tranh của ông với chứng nghiện rượu.

Ông đi lên từ hoạt động chính trị ở địa phương và trở thành thị trưởng của thị trấn Tây Đức Wurselen trước khi được bầu vào Nghị viện châu Âu năm 1994 và từng bước trở thành Chủ tịch cơ quan này năm 2012.

Ông Schulz thường chỉ trích ông Trump nhưng giới phân tích lại cho rằng bản thân ông có nét giống tân Tổng thống Mỹ với lối ăn nói bộc trực, cách tiếp cận thẳng thắn từng có lần chọc giận Hungary và Ba Lan vì chỉ trích những lỗ hổng dân chủ ở các nước này.

Bà Merkel, người có lẽ thân thiết với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hơn bất cứ nhà lãnh đạo thế giới nào, cũng đã chỉ trích ông Trump, đặc biệt là chính sách cấm người tị nạn của ông, dù không nêu bất cứ cái tên cụ thể nào. Nhưng bà bị ông Schulz chỉ trích là quá “ngoại giao”.

Ông Schulz còn rất nhiều khó khăn phía trước nhưng sự trỗi dậy của chính trị gia này cho thấy thất bại của bà Merkel không phải là không thể xảy ra. Thất bại của Thủ tướng Merkel sẽ khiến quan hệ Đức – Mỹ trở lại những ngày nguội lạnh dưới thời cựu Thủ tướng Schroder và cựu Tổng thống George W. Bush.

Trong khi đó, bà Merkel dù cảm thấy khó tạo mối quan hệ nồng ấm với ông Trump vẫn cố gắng tránh mọi mâu thuẫn. Các nhà phân tích cho rằng đó là bằng chứng của chủ nghĩa thực dụng và niềm tin chắc chắn của bà Merkel rằng Đức cần Mỹ vì các mục đích ngoại giao và phòng thủ tập thể.

“Đi theo ông Trump có thể là một chiến lược khôn ngoan để thắng cử nhưng không phải để điều hành chính phủ” - Jürgen Falter, một nhà khoa học chính trị của trường đại học Mainz (Đức) nhận định.

Nguồn VOV

Tin cùng chuyên mục