Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tư Cà nè, những ngày qua ông có theo dõi tiến độ cứu nạn, cứu hộ của hai lực lượng Công an và Quân đội ta ở Thổ Nhĩ Kỳ không?
- Theo lời Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ- Trưởng đoàn cứu hộ cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam, ngay sau khi đến Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn đã được cơ quan điều phối Liên Hợp Quốc cũng như của chính quyền địa phương phân công thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân ở một địa điểm vào khoảng 3km2, với dân số trên 50.000 người.
Trong 3 ngày, đoàn đã tìm kiếm được 12 điểm có nạn nhân bị mắc kẹt, vùi lấp ở trong đó và đã tìm được 4 thi thể nạn nhân. Đối với lực lượng Công an, tại Adiyaman, sau khi phối hợp với các lực lượng của Quân đội Pakistan đã cứu được một cháu bé 14 tuổi, tìm được nhiều thi thể. Hiệu quả mà đoàn Việt Nam đạt được đã được người dân Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền sở tại đánh giá rất cao.
- Thiệt tình thì, khi thấy Việt Nam chúng ta cùng với quốc tế nỗ lực giúp đỡ nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, tui rất tự hào. Mà Tư thử lên mạng xã hội xem, thương quá hình ảnh chiến sĩ Công an nhân dân của Việt Nam ngồi gặm bánh mì giữa hoang tàn đổ nát; hay hình ảnh tướng Phạm Văn Tỵ đích thân làm đầu bếp nấu nướng cho anh em cán bộ - chiến sĩ giữa đêm lạnh giá, lại nhớ truyền thống “huynh đệ chi binh”, “tướng sĩ một lòng phụ tử/ hoà nước sông chén rượu ngọt ngào” của cha ông xưa…
Hoặc những đoạn video clip quay cảnh lực lượng cứu hộ, cứu nạn của chúng ta làm việc xuyên đêm để tìm kiếm nạn nhân, chừng đó đủ để tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên rất có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và có đủ năng lực để tham gia thực hiện các nhiệm vụ quốc tế.
Mà có phải là lần đầu tiên Việt Nam chủ động tham gia các hoạt động nhân đạo hay nghĩa vụ quốc tế đâu. Gần chục năm nay, Việt Nam đã cử hàng trăm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tới công tác tại Phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, Cộng hoà Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở LHQ.
Nhất là ở các quốc gia châu Phi, đoàn xe của phái bộ LHQ treo lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam là có thể đi qua những vùng do phiến quân hay lực lượng nổi dậy kiểm soát. Rồi người Việt Nam giúp đỡ người dân châu Phi sản xuất nông nghiệp… v.v…
- Những hoạt động đó xuất phát từ đường lối đối ngoại của Đảng, ngày càng chủ động phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hoà giải, đảm nhận tốt các trọng trách quốc tế, đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào những vấn đề chung của thế giới, nhằm nâng cao vị thế và uy tín đất nước.
Nhưng suy cho cùng, những nỗ lực đó còn bắt nguồn từ truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt, từ sự chia sẻ những đau thương, mất mát của bạn bè quốc tế vì chúng ta đã từng trải qua chiến tranh với vô vàn khó khăn, gian khổ và đã nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ chí tình của bạn bè quốc tế và nhân dân các nước trên thế giới. Nên khi có khả năng và điều kiện, Việt Nam sẵn sàng san sẻ với bạn bè quốc tế, đóng góp cho việc thúc đẩy hoà bình, ổn định và thịnh vượng của nhân loại.
Đ.H.T