Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại hội đảng
Giới thiệu sách
“Thương nhớ Trà Long” - Nơi tuổi thơ tìm về
12/05/2017 - 12:40

(BTNO) - Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được biết đến như một hiện tượng của văn đàn Việt Nam, bởi đa phần các tác phẩm của ông đều viết cho lứa tuổi mới lớn và luôn được xếp vào dạng “Best seller” (sách bán chạy), được tái bản nhiều lần.

Có thể nói, Nguyễn Nhật Ánh có một nguồn bút lực dồi dào và sự sáng tạo không ngừng nghỉ. “Thương nhớ Trà Long” là một trong số những tập tạp văn hiếm hoi mà ông viết không chỉ dành riêng cho lứa tuổi mới lớn. Sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, gồm 32 bài viết thể hiện sự chắt chiu, trân trọng từng miền ký ức tuổi thơ.

Quyển tạp văn như chứa đựng biết bao ân tình của tác giả đối với quê hương miền Trung - nơi ông sinh ra và gắn bó suốt một thời ấu thơ. Từng trang sách tựa như một chuyến tàu khứ hồi, đưa độc giả trở về với dĩ vãng, trở về với miền ký ức xa xôi.

Nơi có món bánh ú, được treo lủng lẳng từng chùm trên cây sào tre, để mỗi khi được cho tiền là bọn trẻ con lại ù chạy ra tiệm rồi giành nhau cái phần nhân đậu xanh ở giữa bánh. Hay háo hức tranh nhau cái cùi thơm, cái hột xoài, cái xương gà mà chúng cho là ngon nhất.

Cuộc sống dần hiện đại hơn, người ta có nhu cầu ăn ngon và mặc đẹp, trẻ con bây giờ chỉ biết đến gà rán, khoai tây chiên, bánh kẹo ngoại nhập mà không hề biết đến những món ăn dân dã thôn quê mà ông bà, cha mẹ chúng đã một thời gắn bó.

Chuyến tàu đang tăng tốc dần, để đưa ta đến khám phá “nhà kho ký ức” của tác giả. Trong nhà kho ấy, như chứa đựng biết bao cảm xúc suy tư về một thời đã qua. Nguyễn Nhật Ánh nhớ về cái tết tuổi thơ nơi quê nghèo, nhớ những lúc ngồi chồm hỗm xem mẹ gọt dừa, nạo dừa thành từng sợi để làm mứt, rồi len lén bốc trộm một vài miếng, chỉ có món mứt me là khó bốc trộm được, vì mẹ làm với số lượng ít, nên mất một miếng là bị ăn đòn ngay.

Nhớ những đêm giao thừa cùng lũ nhóc trong xóm, thức canh nồi bánh tét; bánh tét miền Trung chỉ chấm nước mắm hoặc ăn với dưa món thì ngon tuyệt. Cho đến khi vào Sài Gòn sinh sống, tác giả mới chợt nhận ra những thức ăn ngày tết đó, muốn ăn lúc nào cũng có nhưng ông tìm mãi vẫn không tìm thấy được hương vị như quê nhà.

Trong dòng hồi tưởng, Nguyễn Nhật Ánh nhớ lại những trò chơi thôn quê: Chúng tôi hái trái mù u phơi khô làm bi. Lấy hột xoài cưa một đầu làm cối xay. Hái lá dứa cuộn làm kèn, quấn chặt nhiều lớp làm quả bóng. Lá dừa tết thành châu chấu, cào cào, bọ ngựa, chạc ổi làm ná. Ngọn trúc làm cần câu. Ống trúc làm súng thụt, đạn bời lời hay đạn giấy. Ống đu đủ dùng thổi bong bóng. Vỏ nghêu vỏ sò làm thành chén bát. Tàu lá cau thành xe kéo…(Trích “Trò chơi tuổi nhỏ”). Giọng kể của ông như dâng lên nỗi xúc động nghẹn ngào…

Vào một buổi trưa hè, ngồi giữa lòng phố Sài Gòn, tác giả lại nhớ món tàu hủ nước đường nơi xứ Quảng, khi nghe văng vẳng tiếng ai đó rao “ai ăn đậu hủ không”. Ông nhớ cái vị ngọt thanh của nước đường, hoà lẫn vị béo ngậy của đậu hủ trắng, pha chút thơm nồng của lát gừng tươi. Làm sao có thể quên khi cả tuổi thơ ông lớn lên cùng những trái sim, trái thị, bánh ú, bánh ít, khoai dẻo, khoai chà và, ốc ruốc… Những thứ quà quê gắn liền với ao chuôm đồng bãi, gắn liền với khoảng trời thơ mộng mà ông đi qua.

Trên chuyến tàu trở về tuổi thơ ấy, Nguyễn Nhật Ánh như giúp độc giả xoá mờ lớp bụi thời gian, để được đắm chìm trong cảm xúc của năm tháng đã qua, để một lần sống lại cùng ký ức. 32 câu chuyện thuộc thể loại tạp văn, nên tác giả tha hồ sáng tạo, tha hồ viết lên tất cả những xúc cảm của mình, bằng một giọng văn chân thật nhưng không kém phần lãng mạn.

Vẫn với cách viết quen thuộc, tập tạp văn như mang hơi thở của thời đại, luôn man mác một niềm thương nhớ. Nguyễn Nhật Ánh viết về tuổi thơ, như cách mà ông ôn lại ký ức. Bằng chất giọng ngọt ngào, tựa như lời thủ thỉ tâm tình, “Thương nhớ Trà Long” chắn hẳn sẽ mang đến cho bạn đọc những phút giây sống lại cùng ký ức.

Sách đang được phục vụ tại Thư viện tỉnh Tây Ninh.

Yến Nhi

 

Tin liên quan