Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Tiếng nói cử tri” ngày càng được quan tâm
Thứ sáu: 06:29 ngày 21/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 2018, Báo Tây Ninh, Ðài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với HÐND tỉnh phản ánh nhiều vấn đề cử tri bức xúc, và đã được ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm, giải quyết.

Khánh thành cầu dân sinh Bắc Nam- niềm vui lớn đối với nhiều người dân ấp Phước Long.

Thoả lòng cử tri mong đợi

Một trong những vấn đề được cử tri ở xã Phước Chỉ quan tâm nhất là việc xây dựng, sửa chữa những cây cầu dân sinh bắc qua kênh rạch. Là một trong ba xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng, Phước Chỉ nằm ở vùng trũng thấp, ven sông Vàm Cỏ Ðông, việc đi lại của người dân phụ thuộc rất nhiều vào những cây cầu. Trước đây, người dân địa phương thường tự làm cầu ván, cầu “khỉ” bắc qua kênh, rạch.

Những năm qua, ngành chức năng tỉnh, huyện và các mạnh thường quân đã chung tay xây dựng hàng chục cây cầu bê tông xi măng để thay thế. Thế nhưng, trên thực tế vẫn cần xây dựng thêm nhiều cầu bê tông để thay thế cho những cây cầu tạm bợ hoặc đã sử dụng hàng chục năm qua, nay xuống cấp.

Trước tình hình đó, cử tri xã Phước Chỉ lên tiếng, thông qua các cơ quan Báo, Ðài, gởi gắm nguyện vọng của mình đến ngành chức năng, chính quyền địa phương. Nhờ vậy, chỉ tính riêng trong năm 2018, xã Phước Chỉ đã có gần 10 cây cầu bê tông xi măng được xây mới.

Ðiển hình như tại ấp Phước Long, ngày 28.3.2018, UBND xã Phước Chỉ tổ chức lễ khánh thành cầu dân sinh Bắc Nam (hay còn gọi là cầu Ðồng Tâm 97), bắc qua rạch Lò Ðường, nối liền hai tổ 7 và tổ 8. Hàng chục năm qua, người dân hai tổ này qua lại con rạch bằng cầu ván nhỏ, chiều ngang khoảng 1m, bắc trên những cây cọc gỗ. Sau đó, cọc gỗ bị mục và được thay thế bằng cọc bê tông xi măng.

Theo năm tháng, lớp ván trên cầu thường xuyên bị mục và phải thay thế bằng số ván khác, gây tốn kém và không an toàn. Trước tình hình này, chính quyền địa phương vận động mạnh thường quân giúp đỡ. Bà Nguyễn Ngọc Mai- người dân xã Phước Chỉ, thành viên Câu lạc bộ từ thiện Ðồng Tâm (TP. Hồ Chí Minh) vận động Ðạo tràng Chân Tịnh Hoa Ðức (Hà Nội) ủng hộ kinh phí 120 triệu đồng và người dân địa phương đóng góp ngày công lao động, tương đương 30 triệu đồng để xây dựng cây cầu này. Ngày khánh thành cầu, Ðạo tràng Chân Tịnh Hoa Ðức còn trao tặng 50 phần quà, trị giá 400.000 đồng/phần cho người dân nghèo và tặng 50 phần quà, trị giá 150.000 đồng/phần cho học sinh nghèo hiếu học trong xã.

Trên địa bàn xã Phước Chỉ có cầu Rạch Me được Trung ương Ðoàn hỗ trợ kinh phí xây dựng từ năm 2005. Sau hơn 13 năm sử dụng, cây cầu đã xuống cấp, lớp bê tông xi măng bị bong tróc, thủng lỗ, chính quyền địa phương vận động người dân mua xi măng tự đắp vá những chỗ hư hỏng, nhưng không được bền lâu.

Ðây là cây cầu bắc qua rạch Me, trên tuyến đường huyết mạch của người dân 3 ấp Phước Trung, Phước Long, Phước Lập. Sau khi các cơ quan Báo, Ðài phản ánh tình trạng cầu Rạch Me hư hỏng, tháng 7.2018, Tỉnh đoàn ra quân sửa chữa, nâng cấp cây cầu. Ông Nguyễn Trường Giang- người dân ở đây vui mừng chia sẻ: “Bà con rất phấn khởi, việc vận chuyển phân bón, hàng hoá nông sản; học sinh đến trường dễ dàng và an toàn hơn”.

Tương tự, cầu kênh Chín Gắng ở ấp Phước Trung cũng vừa được sửa chữa và đưa vào sử dụng. Nhiều năm trước, bắc qua dòng kênh này là một cây cầu ván, đà bê tông xi măng. Sau nhiều năm sử dụng, cây cầu bị nghiêng, có nguy cơ đổ sập, khiến cả trăm hộ dân thường xuyên qua lại lo lắng. Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng, chính quyền địa phương đã vận động ông Nguyễn Văn Liêu- Giám đốc Công ty TNHH-TMDV-XNK Gia Lâm (TP. Hồ Chí Minh) tài trợ chi phí, xây dựng lại cây cầu này. Tháng 10 vừa qua, cầu Chín Gắng đã hoàn thành, đưa vào phục vụ.

Ông Ngô Văn Bình- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho biết, trong những năm qua, Phước Chỉ đã vận động xây dựng được tổng cộng 27 cây cầu dân sinh. Riêng năm 2018, trên địa bàn xã xây dựng mới 8 cây cầu dân sinh và hiện tại còn một cây cầu đang trong quá trình thi công. Chi phí xây dựng các cây cầu này 1,4 tỷ đồng, do các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ. “Hiện ở những ấp ven sông, còn khoảng 5 cây cầu qua kênh rạch nhỏ cần được xây dựng, chúng tôi sẽ cố gắng vận động các nhà tài trợ đóng góp chi phí để xây dựng cầu kiên cố ở những địa điểm này, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân địa phương”- ông Bình nói.

Ngoài việc xây cầu, nhờ các cơ quan Báo, Ðài phản ánh ý kiến của cử tri, nhiều vấn đề khác đã từng bước được khắc phục, như tình trạng ô nhiễm môi trường do trang trại chăn nuôi heo ở ấp Chánh, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu; việc thi công chưa bảo đảm an toàn giao thông trên quốc lộ 22B, tỉnh lộ 782, 784; tình trạng bán hàng rong, bán đồ chơi trẻ em lấn chiếm trước cổng trường ở huyện Hoà Thành; buôn bán hàng hoá lấn chiếm lòng, lề đường ở TP. Tây Ninh…v.v… Hy vọng trong năm mới 2019, những hoạt động nêu trên sẽ được hoàn toàn chấm dứt.

Cần tiếp tục quan tâm đến thiết bị âm thanh di động

Mặc dù bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng trên thực tế, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm. Ðơn cử như hoạt động của các thiết bị âm thanh di động. Thời gian qua, nhiều cử tri phản ánh tình trạng sử dụng các thiết bị âm thanh di động để kinh doanh, vui chơi, giải trí, như cho thuê dàn karaoke di động phục vụ đám tiệc, dùng loa di động hành nghề bán kẹo, bán vé số dạo hoặc dùng những thiết bị này hát hò trong các đám tiệc… v.v… Việc sử dụng các thiết bị âm thanh di động này không vi phạm pháp luật, nhưng vấn đề là ở chỗ, nhiều người mở âm thanh quá lớn và kéo dài quá giờ nghỉ ngơi, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, việc học tập, lao động của nhiều người xung quanh.

Sau khi trên các cơ quan Báo, Ðài phản ánh, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã tích cực chấn chỉnh. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ mới giảm bớt, chứ chưa hoàn toàn chấm dứt. Ông Nguyễn Văn Vẫng- 70 tuổi, ngụ ấp Xóm Mía, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu cho biết, thời gian qua, trong ấp nổi lên phong trào karaoke di động khá mạnh.

Ngày lễ, tết, hoặc gia đình có tiệc vui, bà con hát karaoke, không ai phản đối, nhưng nhiều người mở loa lớn quá, ồn ào không chịu nổi. Mới đây vài hôm, ở xóm kế bên, có đám cưới, chủ nhà cho mở nhạc hết công suất, khách hát hò từ trưa đến 10 giờ đêm vẫn chưa chịu nghỉ. “Tôi bị nhạc tra tấn không chịu nổi, nhưng nghĩ ngày vui của bà con nên ráng chịu đựng.

Chờ mãi, chờ mãi đến 0 giờ 45 phút, họ mới chịu tắt nhạc. Trong xóm có nhiều người già bị bệnh tim mạch cần nghỉ ngơi, trẻ em cần yên tĩnh để học hành, người lao động cần ngủ sớm lấy sức để ngày hôm sau còn ra đồng, vào xí nghiệp. Mong chính quyền địa phương và ngành chức năng chấn chỉnh”- ông Vẫng bày tỏ.

Description: cay cau.JPG

Cầu kênh Chín Gắng ở ấp Phước Trung vừa được sửa chữa và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Chị Bùi Bé Ngoan- cán bộ Văn hoá xã Phước Trạch cho hay, trong xã có 11 hộ chuyên kinh doanh bằng hình thức cho thuê thiết bị âm thanh di động. Ðó là chưa kể, nhiều gia đình khác mua sắm dàn karaoke, thùng loa di động riêng. “Sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đã mời tất cả những hộ dân có thiết bị âm thanh di động đến trụ sở UBND xã nhắc nhở, cho ký tên vào tờ cam kết với nội dung không được mở âm thanh với công suất quá lớn và không được mở quá giờ quy định.

Sau đó, hoạt động liên quan đến thiết bị âm thanh di động giảm xuống khoảng 30%, trong đó, có 3 hộ chuyên cho thuê thiết bị âm thanh di động đã nghỉ hẳn, vì kinh doanh ế ẩm. Chúng tôi kiểm tra những hộ còn lại, nhưng cũng có một số khó khăn. Ðó là chúng tôi không có máy đo độ ồn nên không có cơ sở để xử lý những trường hợp mở âm thanh quá lớn. Mặt khác, những người cho thuê thiết bị âm thanh di động cũng khó xử, khách hàng của họ đều yêu cầu mở nhạc lớn để hát cho đã”.

Chỉ tính riêng ở huyện Gò Dầu, trong 3 năm trở lại đây, có khoảng 120 hộ kinh doanh thiết bị âm thanh lưu động. Tuy nhiên, trong các quy định của pháp luật hiện hành không có quy định cấm mô hình giải trí mới xuất hiện này.

Không chỉ riêng ở Gò Dầu mà ở tất cả các huyện, thành phố khác trong tỉnh cũng đang đau đầu với loại hình hoạt động này. Người dân mong muốn tỉnh, Trung ương có văn bản cụ thể để điều chỉnh.

Ðại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh