Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Trong mơ, con thấy mẹ về…”
Thứ hai: 20:18 ngày 29/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Lần cuối cùng con gặp mẹ qua điện thoại, mẹ nói gì đó nhưng con không thể nghe. Rồi mẹ bỏ chúng con mà đi. Con nhớ mẹ lắm!”. Tiếng của Khánh Như nghẹn lại, trên tay cầm di ảnh của mẹ… rồi khóc.

Khánh Như ngày nào cũng thắp hương cho mẹ trong căn nhà nhỏ ngập tràn nỗi buồn.

Như những đứa trẻ mất cha, mất mẹ sau "cơn bão" Covid-19 quét qua, mọi thứ trong căn nhà nhỏ của em Khánh Như (SN 2007, ngụ Phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh) đã không còn nguyên vẹn như trước. 100 ngày sau khi mẹ mất, em không tiếp xúc, gặp gỡ ai, thi thoảng mới bước qua nhà dượng kế bên. Trên bàn thờ người quá cố lúc nào cũng  khói nhang nghi ngút, như để khoả lấp nỗi nhớ của những người ở lại.

Đầu tháng 8, khu này là ổ dịch, cả nhà Khánh Như đều là bệnh nhân F0 phải đi cách ly, điều trị. Thế rồi, 3 người trở về nhà, chỉ có mẹ của em không qua khỏi. Biết mẹ qua đời, hai anh em khóc suốt mấy ngày. Còn ba của Như, anh Nguyễn Như Nam (SN 1973) gần như chết lặng.

Năm học 2021- 2022 là năm đầu tiên không đến trường mà học online tại nhà của Khánh Như, đây cũng là năm học đầu tiên em vắng bóng mẹ. Khánh Như ngậm ngùi: “Con nhớ mẹ lắm! Đêm nào con cũng mơ thấy mẹ về với con”.

Như kể: “Trước khi bệnh, con có ngủ với mẹ hai đêm, được ôm mẹ, nghe mẹ kể  nhiều câu chuỵện đẹp trên đời. Đến khi mẹ chuyển bệnh nặng, không thở được, cả nhà chỉ biết nín lặng nhìn mẹ ra đi qua màn hình điện thoại của người cùng phòng cách ly...”. Nói tới đây, giọng Như nghẹn lại, đôi mắt đỏ hoe.

Nhà không mấy khá giả, anh Nam làm thợ hàn cửa sắt, chị Thanh Trang (mẹ Khánh Như) làm công nhân cho một công ty sản xuất bánh kẹo, vì vậy mà anh em Khánh Duy (SN 2002), Khánh Như phải học cách sống tự lập từ nhỏ. Khánh Như vừa lên lớp 6 đã tự đi học một mình bằng xe đạp.

Hai anh em thay phiên nhau dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, rửa chén giúp ba mẹ hàng ngày. Ngày tháng trôi đi trong căn nhà nhỏ đơn sơ, khi mọi hy vọng về một tương lai rộng mở thì dịch bệnh ập đến, cả xóm bị phong toả, anh chị phải nghỉ việc.

Thời điểm này, dì Tư của bé Như (chị ruột của chị Trang) nhà kế bên phát sốt, ho, xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, đưa đi Bệnh viện đa khoa Tây Ninh vài ngày rồi cũng qua đời. Mâm cơm cúng hàng ngày trên bàn thờ người chị gái vẫn còn nghi ngút khói hương, chị Trang cũng bắt đầu có triệu chứng ho, sốt cao. Nghi ngờ nhiễm bệnh, vợ chồng đưa nhau đến bệnh viện xét nghiệm, kết quả dương tính với Covid-19. Anh em Khánh Duy, Khánh Như cũng không tránh khỏi.

Anh Nam kể lại, khoảng giữa tháng 8.2021, cả nhà bị nhiễm Covid-19, cùng cách ly tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha. Vài ngày sau, chị Trang trở nặng, ho nhiều nên được chuyển về Trung tâm Y tế thành phố Tây Ninh điều trị. Mỗi người một nơi, gia đình chỉ gặp nhau qua điện thoại, nhưng chị Trang cũng không thể vượt qua.

Ánh mắt nhìn xa xăm, anh trầm buồn: “Trong khu cách ly, nghe tin cô ấy mất, tôi gần như suy sụp. Có lúc tôi mất phương hướng hoàn toàn. Vợ tôi ra đi không một lời từ biệt, cũng không được gặp cô ấy lần cuối. Nhìn hai đứa con, tôi phải ráng vượt qua để lo cho chúng”.

Thắp thêm cây nhang cho người quá cố được ấm lòng, anh Nam nghẹn ngào: “Hết thời gian cách ly hơn một tuần gia đình mới được nhận tro cốt. Ngày đi nhận, tôi vét túi được ba trăm ngàn để mua hủ đựng tro cốt của vợ mang về. Cả tháng thực hiện giãn cách, tiền trong nhà cũng cạn kiệt.

Mọi thứ đảo lộn. Tôi mệt mỏi, khốn khó đủ đường”. Từ ngày lâm cảnh “gà trống nuôi con”, anh Nam phải cáng đáng lo cho gia đình, trang trải cuộc sống, đứa con trai cũng bỏ học nghề thợ bạc mà theo ba phụ việc hàn cửa sắt để kiếm thêm thu nhập. Với mức thu nhập khiêm tốn, chuyện lo cho con cái học hành coi như tạm ổn, nhưng khoản nợ ngân hàng gần 300 triệu đồng khi hai vợ chồng dành dụm mua mảnh đất nhỏ cất nhà riêng, anh chưa biết sẽ xoay sở ra sao.

Ngồi tựa lưng bên khung võng sắt cũ, anh Nam bộc bạch: “Dịch bệnh khiến ai cũng khó khăn, việc làm bấp bênh. Người ta biết tôi từng là F0 nên cũng có phần ngại, e dè khi thuê việc. Với tôi, có việc làm là mừng rồi, miễn có tiền lo được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Thương con gái tôi nó còn nhỏ mà đã lâm vào cảnh này. Tôi chỉ mong nhà nước có chính sách hỗ trợ cho những đứa nhỏ có hoàn cảnh như nó”.

Còn Khánh Như, là con gái, được ba cưng chiều từ nhỏ, lúc nào cũng thỏ thẻ, tâm sự với ba. Từ ngày mẹ mất, ba con ít nói chuyện với nhau. Ban ngày ba và anh trai đi làm, Như ở nhà một mình, ngoài những bữa cơm chung, mỗi người ngồi một góc, lắm lúc thấy ba buồn ngồi một mình bên bàn thờ mẹ.

Em rót nước cho ba uống, khi ba bệnh thì nhắc ba uống thuốc, ngủ sớm, vì Như sợ ba sẽ bệnh và ra đi như mẹ. “Hôm các cô chú ở Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đến thăm, ba không nói lời nào, nhưng con biết ba vui. Phần quà được tặng, con đưa ba hết để ba lo cho tụi con. Giờ con chỉ còn mỗi mình ba thôi!”.

Ôm tấm ảnh gia đình áp vào lồng ngực, Như rưng rưng khóc: “Con mất mẹ nhưng vẫn còn ba. Con không muốn ba lại bỏ chúng con mà đi như mẹ. Con sẽ ngoan và cố gắng học tốt, mạnh mẽ hơn để trưởng thành, để làm người có ích, để ba và mẹ vui lòng”.

Đại dich Covid-19 đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, khốn đốn, nhiều trẻ em phải chịu cảnh mồ côi. Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có hơn 22 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Sự mất mát này khó có thể bù đắp được, bởi trong tâm trí một đứa trẻ chưa hiểu được sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19, mà còn phải đối mặt với sự ra đi đột ngột của người yêu thương nhất. Hy vọng Khánh Như và các em nhỏ cùng hoàn cảnh sớm vượt qua nỗi đau, hướng về một tương lai tươi mới.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục