BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ðừng để đất “chết” vì đầu cơ 

Cập nhật ngày: 02/06/2019 - 23:05

BTN - Hệ luỵ là, không ít thửa đất nông nghiệp sau khi được mở đường, phân lô đã trở thành đất “chết” do không có người ở, cũng không còn canh tác sản xuất như trước.

Khu đất này sau khi mở đường phân lô, đã có nhiều người cất nhà ở nhưng sau đó do có thay đổi quy hoạch nên các lô đất còn lại bỏ trống.

Kể từ năm 2017, khi rộ lên tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp tại một số địa phương ở thành phố Tây Ninh và một số huyện trong tỉnh, phần lớn những thửa đất nông nghiệp có diện tích lớn được các đối tượng đầu cơ mua lại, sau đó lợi dụng chủ trương xin phép mở đường trong thửa đất để phân thành các lô nhỏ rao bán. Hệ luỵ là, không ít thửa đất nông nghiệp sau khi được mở đường, phân lô đã trở thành đất “chết” do không có người ở, cũng không còn canh tác sản xuất như trước.

Khảo sát tại một số thửa đất nông nghiệp bỗng dưng “đổi đời” thành đất “dự án nhà ở” qua bàn tay “phù phép” của các đối tượng đầu cơ, phần lớn đã được cắm cọc, phân thành các lô đất nhỏ, thông thường có diện tích 5x30m, mặt tiền tiếp giáp với đường bê tông xi măng có chiều rộng khoảng 3m.

Theo sự hướng dẫn của một người dân ở phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh), chúng tôi đến một thửa đất được phân lô, bán nền trước đây (nằm phía sau trạm điện trên đường Bời Lời). Các lô đất ở đây đã có nhiều nhà dân sinh sống, nhưng cũng còn không ít lô đất bị bỏ hoang.

Một cán bộ địa phương cho biết, cách đây vài năm, khu đất này được tách thửa theo quy định cũ của tỉnh. Sau khi phân thành nhiều lô nhỏ, chủ đất đã bán gần hết. Khi đó, vị trí thửa đất phù hợp với quy hoạch đất dân cư nên những người mua đất đã xin chuyển mục đích để cất nhà ở. Còn lại những lô đất đang bỏ trống chưa xây dựng, có thể do người mua chưa có nhu cầu xây dựng nhà ở hoặc cũng có thể do những người mua bán đất mua để kinh doanh.

Chuyện không có gì đáng nói nếu sau đó thành phố Tây Ninh không công bố quy hoạch mới và vị trí thửa đất lại được quy hoạch để thực hiện công năng khác không phải khu dân cư. Do đó, chủ của những lô đất còn lại không thể xin chuyển mục đích sang đất ở để cất nhà nên có nhiều lô phải bỏ trống. Cũng có trường hợp người dân mua đất để cất nhà nhưng khi mua đất không có tiền xây, đến khi xin chuyển mục đích sử dụng không được, đành phải “ôm trái đắng”.

Người mua đất cần tìm hiểu kỹ thông tin

Hiện nay, đã có một số đối tượng môi giới đăng thông tin bán đất nằm ở địa bàn xã Thái Bình, huyện Châu Thành- giáp ranh phường 1, thành phố Tây Ninh. Để tạo sự hấp dẫn cho người mua, các đối tượng này rao là khu vực này đến năm 2020 sẽ được sáp nhập vào phường 1…

Ông Nguyễn Thanh Minh- Chủ tịch UBND phường 1 khẳng định, đây là thông tin bịa đặt, bởi việc sáp nhập địa giới hành chính là chủ trương lớn do cấp có thẩm quyền phê duyệt và được công khai cho người dân nắm. Hiện không có chủ trương nào như quảng cáo của “cò” đất cả.

Tương tự, một lô đất nông nghiệp có diện tích lớn tiếp giáp với đường Bời Lời trước đây theo quy hoạch cũ phù hợp với khu dân cư nên chủ đất xin mở đường trong đất, mà theo phán đoán của không ít người là nhằm phân lô, bán nền. Thế nhưng kể từ khi có quy hoạch mới, khu đất này có công năng khác, không thấy chủ thửa đất có động thái gì dù trong bản đồ địa chính đã thể hiện con đường chủ đất làm thủ tục xin mở trước đây.

Một thửa đất khác, cũng nằm trên địa bàn phường Ninh Sơn, có nguồn gốc là đất nông nghiệp, tiếp giáp với ruộng trồng lúa, mì. Trước đây thửa đất này cũng được trồng mì, trồng hàng bông, nhưng từ khi người mua mở đường bê tông xi măng để phân lô, thửa đất đã bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm khiến nhiều người cảm thấy tiếc.

Không hiểu vì sao người mua những lô đất đó không cất nhà ở, bởi qua tìm hiểu thì đất tại khu vực này phù hợp với quy hoạch để xin chuyển mục đích sang đất ở.

Quay trở lại phường 1, thành phố Tây Ninh, đi vào gần cuối hẻm 19, đường Tua Hai, thửa đất nông nghiệp mà trước đây người dân canh tác hoa màu đã được phân thành các lô đất khác nhau, bây giờ toàn cỏ dại. Tại một lô đất có diện tích 10x40m, có một người dân trồng hàng bông, bên cạnh các lô đất bỏ hoang.

Mặt trái của đô thị hoá là đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Thế nhưng, việc đất nông nghiệp được các đối tượng đầu cơ cho “đổi đời”, tự “quy hoạch” để phân lô, bán nền khiến không ít thửa đất bị bỏ hoang, vì nhiều người mua chờ được giá, bán kiếm lãi. Nếu chẳng may có thay đổi quy hoạch về sử dụng đất hay những chính sách ban hành mới đối với đất nông nghiệp, người mua đất có nhu cầu thực sự về nhà ở sẽ “lãnh đủ”.

Ông Nguyễn Thanh Minh- Chủ tịch UBND phường 1, thành phố Tây Ninh thừa nhận, thực tế có không ít thửa đất nông nghiệp sau khi bị các đối tượng đầu cơ mua đất để phân lô, bán nền, không ít diện tích bị bỏ hoang. Tuy nhiên, việc tách thửa, chuyển nhượng QSDĐ là quyền của người dân, địa phương không thể xử lý. Thời gian qua, phường đã tăng cường giám sát tình trạng san lấp mặt bằng trên đất nông nghiệp không đúng quy định.

Cách đây hơn 2 tháng, phát hiện thửa đất nông nghiệp có diện tích khá lớn bị san lấp mặt bằng trái phép, ngoài việc lập biên bản, UBND phường còn văn bản gửi UBND Thành phố, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh- Chi nhánh Thành phố yêu cầu tạm dừng việc tách thửa đối với khu đất này.

Một thửa đất ở phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh có nguồn gốc là đất nông nghiệp được mở đường phân lô bán, hiện đang bị bỏ hoang.

Qua tìm hiểu, UBND phường nắm được thông tin, chủ cũ của khu đất đã bán bằng giấy tay cho nhiều người nhưng chưa làm thủ tục theo quy định. UBND phường đang làm việc với chủ cũ của khu đất để tiến hành xử lý, buộc khôi phục hiện trạng, vì trên giấy tờ, người này vẫn đang là chủ sử dụng đất.

Có ý kiến cho rằng, dù hiện nay Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về tách thửa đất vẫn còn nhiều bất cập khi áp dụng thực tế, nhưng cũng có những quy định chặt chẽ về tách thửa đối với đất nông nghiệp; về tách thửa đất không tiếp giáp với đường giao thông… góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp để phân lô, bán nền.

Do đó, chính quyền địa phương- nhất là cấp xã, phường, thị trấn cần tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi san lấp trái phép đất nông nghiệp, để qua đó hạn chế tình trạng muốn đất “đổi đời” nhưng không ngờ lại trở thành đất “chết”.

THẾ NHÂN