Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Về chương trình Công nghệ giáo dục:
Ðừng để quá mù ra mưa
Thứ tư: 06:14 ngày 12/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với sự nhiễu loạn, “khúc xạ” thông tin, một vấn đề không có gì quá to tát đã bị đẩy đi xa quá mức cần thiết. Hiện nay, một số người thiếu thiện chí đang kêu gào, đòi đốt sách và cấm học sinh đến trường. Ðừng để quá mù ra mưa.

Học sinh Trường Thực nghiệm GDPT, nay là Nguyễn Thượng Hiền trong ngày khai giảng năm học mới 2010-2011. Ảnh: Ð.H.T

Câu chuyện tranh cãi về chương trình công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Ðại đang làm “dậy sóng” dư luận trong nửa tháng qua. Cập nhật tình hình, có thể thấy, vấn đề này chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, ngày càng có nhiều người quá khích, chửi bới, mạt sát cá nhân, thậm chí có kẻ còn lên mạng hô hào đòi đốt sách và cấm trẻ em đến trường.

Trong hai ngày 9 và 10, Báo Tây Ninh đã có hai bài viết về sự kiện này. Ðể làm rõ thêm, số báo hôm nay, phóng viên ghi nhận ý kiến của giáo viên trực tiếp dạy chương trình công nghệ giáo dục và cả phụ huynh để bạn đọc tham khảo.

Thạc sĩ Dương Thị Diên Hồng, giảng viên Trường CÐSP Tây Ninh:

Là người từng tham gia dạy chương trình công nghệ giáo dục tại Trường Thực nghiệm Tây Ninh, tôi thấy cách đánh vần của sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục (TV1 CGD) về cơ bản không khác cách đánh vần của sách giáo khoa hiện hành. Giáo sư Hồ Ngọc Ðại cũng đi theo một trình tự học âm rồi vần và ghép âm với vần thành tiếng.

Tuy là ba phụ âm k, c, q đầu đều thống nhất đọc là “cờ” nhưng kết quả thì vẫn giống với ba cách đọc của sách TV1 cũ... Phương pháp chung của cách đánh vần mới theo tôi là khoa học, và thậm chí, nó có thể giúp cho học sinh tiếp thu nhanh cách cấu tạo của âm tiết Tiếng Việt khi các em nhận rõ đâu là phụ âm đầu, đâu là vần và gắn với âm đoạn là thanh điệu (gồm 6 thanh).

Cách đánh vần này rất năng động, tạo sự linh hoạt cho tư duy khi các em tiếp xúc và tri giác với chữ. Ðiều này không cần bàn cãi. Từ năm 1985 đến nay, 33 năm đã trôi qua, chúng ta đâu thấy vị phụ huynh nào có con em học Thực nghiệm than phiền là học lớp 1 xong con họ không thể phát triển tư duy hay là bị thiểu năng về ngôn ngữ đâu? Tôi xin kể một kỷ niệm vui.

Năm 2013, Trường Thực Nghiệm Tây Ninh cùng với Trường chất lượng cao Nguyễn Du (quận Gò Vấp- TP.HCM) đưa hàng ngàn học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 lên núi Bà Ðen cắm trại qua đêm. Ðó là một hội trại thành công và đầy ý nghĩa. Nhiều hoạt động thi thố tài năng diễn ra giữa hai trường.

Thực Nghiệm vẽ tranh không bằng Nguyễn Du nhưng thi hùng biện thì thắng áp đảo. Tôi là người trực tiếp huấn luyện đội Thực nghiệm. Tôi chọn một em lớp 6 vừa học chương trình thực nghiệm ở cấp tiểu học, tôi nhớ tên em học sinh đó là Phương Loan, thi chính. Không ngờ em ấy thành công ngoài sức tưởng tượng.

Phát âm to rõ và giọng rất biểu cảm, em lại rất tự tin khiến phụ huynh dự đêm ấy ngạc nhiên trong xúc động. Tất cả đều lắng lòng trong ánh lửa trại khi em bình Nhật ký “Ðặng Thuỳ Trâm” dưới góc nhìn của một học sinh ngây thơ và giàu tình cảm. Khi ấy, học sinh thuyết trình của Nguyễn Du là lớp 9 không để lại ấn tượng cho khán giả về cách trình bày (cũng từ thực tiễn này, tôi nhận ra tiềm năng con trẻ rất lớn nếu chúng ta biết khơi dậy...).

Tại sao sách của thầy Ðại bị “ném đá”? Dân Việt xưa giờ ngại sự thay đổi. Từ lúc thống nhất đất nước đến nay, giáo dục cứ đổi sách hoài. Sách giáo khoa hiện hành là sách được đổi từ năm 2002 (thế hệ sinh năm 1991). Mỗi lần đổi là tốn kém đủ thứ từ khâu biên soạn, lấy ý kiến, rồi triển khai thực hiện. Rồi đem thành quả của quá khứ ra cân giấy vụn.

Trong khi dân còn nghèo và chính phủ không thể bao cấp cho giáo dục. Chính vì thế, dù sách CGD có tốt hay phương pháp của thầy Hồ Ngọc Ðại có tiên tiến, dân họ thấy chưa cần, vì hiện nay sách cũ vẫn dùng được. Ðó là tâm lý chung.

Phương pháp dạy học trải qua bằng nhiều con đường. Ở nước ngoài, nhất là các nước Âu - Mỹ, thậm chí có nơi trẻ em không cần đến trường vẫn có thể học tốt ở nhà khi cha mẹ có điều kiện, nhưng ở Việt Nam thì không. Tâm lý sợ “không giống ai” khiến mọi người làm gì cũng rất e dè, ngại cái lạ...

Thật ra, sau khi đọc lại 3 quyển sách Tiếng Việt lớp 1 của chương trình CGD tôi mới thấy là thầy Ðại và nhóm biên soạn Tiếng Việt rất tự tin, đến độ chủ quan. Một số ngữ liệu đưa vào sách có nhiều trang cần bàn lại (đây là chuyện của các nhà làm sách). Chuyện đồng nhất cách đọc “Cờ” cho ba con chữ k, c, q hay là đọc “d” cho r, d, gi cũng gây bão phản ứng đến kinh hồn. Người có hiểu biết và tử tế thì họ cư xử nhẹ nhàng, người kém hiểu thì chửi vô tội vạ.

Ðáng buồn là người Việt cứ hay mắng chửi nhau mà quên rằng ta càng “ẩu đả” thì sự tăng động sẽ dẫn ta đi đến chỗ tự huỷ. Tại sao không truy tìm nguyên nhân trước khi gán sự sai lầm?

Năm 2016, sau sự kiện Brexit ở Anh và việc tranh cử Tổng thống ở Mỹ thì từ điển Oxford chính thức đưa từ “post truth” là từ điển hình của năm. Từ này có nghĩa là “hậu sự thật”, và hàm ý muốn nói đến sự nguỵ biện trong tranh luận. Thậm chí người ta đưa ra cái sai để ép cái đúng. “Post truth” là một hiện thực phổ biến trong tranh luận- nhất là trong chính trị.

Khi tranh luận thì hai bên đối lập có thể đưa thông tin sai để hạ uy tín đối phương. Ở đây, tôi muốn nói đến sự khác biệt về cách bày tỏ quan điểm giữa người văn minh và người kém hiểu trong một mặt bằng dân trí chưa phải đã cao. Người có trình độ lý luận họ chọn thông tin “điểm nóng” trong đời sống một cách văn hoá để thuyết phục dư luận.

Ngược lại, người yếu kém chuyên môn và kỹ năng sống hay lu loa, chửi bới thô tục để xúc phạm nhân cách đối phương (Thạc sĩ Dương Thị Diên Hồng).

Tôi cũng rất ngạc nhiên khi có nhiều trí thức quan niệm âm mưu của Tiếng Việt 1 là muốn Hán hoá ngôn ngữ Tiếng Việt. Có cần phải lấy cái mũ to như vậy để chụp cho nhà khoa học đã dành cả cuộc đời nghiên cứu tâm lý học sư phạm với mục đích là đào tạo trẻ con thành “người tài” cho đất nước hay không? Chuyện âm đọc cũng có thể bàn tiếp cho khoa học hơn và đâu phải là không góp ý được? Thật ra cách đây hơn 100 năm, người ta đã bàn và chưa có tiếng nói chung.

Nhà giáo Lê Ngọc Trụ là người có công đóng góp lớn nhất thuộc hai lĩnh vực chính tả và từ nguyên, khi cho ra đời cuốn “Việt-Ngữ Chánh-Tả Tự-Vị” do nhà xuất bản Thanh Tân in lần đầu ở Sài Gòn năm 1959 (đã đoạt giải thưởng văn chương bộ môn biên khảo.)

Lúc đề cập đến ngữ âm Tiếng Việt, ông đồng ý âm của hai chữ k và c là một nhưng không dám ghép q vào chung nhóm này, bởi q còn liên quan đến vấn đề nhận diện âm đệm “u” và nguyên âm đôi “ua” ở đằng sau “q” rất phức tạp. Ngay như từ “quốc” có nhiều cách đọc.

Phương ngữ Bắc bộ thì đọc “quốc” rất giống “cuốc” (đó là lý do mà Giáo sư Hồ Ngọc Ðại đồng nhất cách đọc q và c là âm “cờ”). Trong khi đó, phương ngữ Nam bộ có vùng đọc “qu” là “quờ” và đọc chữ “ô” thành ra “â” (âm ơ ngắn) nên có lúc Tổ quốc được viết thành “Tổ quấc”. Nguyên tắc của chữ ghi âm đọc sao viết vậy nên các thầy muốn đơn giản hoá chính tả để các cháu sau này đỡ vất vả với Tiếng Việt. Ðó cũng là một ý tốt.

Có một điều nữa mà tôi cũng rất ngạc nhiên. Bao nhiêu năm nay, các vị học chuyên ngành Ngữ văn đều học giáo trình Tiếng Việt hiện đại của các giáo sư Nguyễn Hữu Quỳnh, Lê A, Cù Ðình Tú... đều xác định phụ âm /k/ có ba hình thức chữ viết. Và các giáo trình được xem như là pháp lệnh về học thuật ở bậc cao nhất.

Thế thì việc sách của CGD theo quan điểm này cũng là theo quy trình xưa nay, cớ sao nhiều người cho là thầy Ðại cải cách Tiếng Việt? Nhiều người đã học rồi cố tình quên hay học xong trả lại hết cho giảng đường? Trong năm 2013, Bộ GD&ÐT có quyết định cho phép cuốn Tiếng Việt 1 của CGD được áp dụng đại trà nhưng đâu ép ai sử dụng.

Ai cảm thấy tốt thì mua không thì thôi, đâu phải đợi đến bây giờ mới ra sách đâu? Từ đó đến nay chỉ có phụ huynh cho con học rồi khen con mình đọc chữ nhanh và bớt ngọng chứ đâu ai than phiền gì, nếu không có vụ chuẩn bị thay sách sắp tới... Theo tôi, dù Bộ thống nhất chọn sách nào thì trung tâm CGD cần rà lại những sai sót của sách TV lớp 1 để tiếp tục hoàn thiện nội dung và phương pháp dạy học Tiếng Việt ,giúp cho các trường nằm trong hệ thống Thực nghiệm và phụ huynh tin vào phương pháp dạy học Hồ Ngọc Ðại, qua đó giúp con em mình học tốt Tiếng Việt hơn.

Ông Trần Hữu Hậu,  nguyên Bí thư Thành uỷ Tây Ninh:

Tôi không biết nhiều về khoa học giáo dục, không có kiến thức về ngôn ngữ học, giáo dục học nhưng từ thực tế của con trai đã học 2 năm đầu trong các trường thực nghiệm giáo dục tôi thấy cách dạy, chất lượng dạy và học có nhiều điều lạ và rất hay, rất tốt. Ngay trong năm học đầu của cháu, tôi đã có 3 bất ngờ lớn.

Do hoàn cảnh riêng, tôi ở Tây Ninh còn vợ và con ở Hà Nội. Cháu được vào học lớp 1 ở Trường thực nghiệm Giáo dục Hà Nội. Trong một lần ra thăm, tôi đi đón cháu lần đầu, thấy cái cặp nhẹ tênh, không có sách vở, tôi hỏi, sách vở của con đâu? Con để trong lớp ạ.

Sao con không đem về? Cô bảo không được mang về. Về nhà chỉ được chơi, không được học. Tôi ngạc nhiên vì lúc ấy, báo chí đang ồn ào chuyện học sinh tiểu học cũng phải oằn vai đeo cặp sách đến trường rồi buổi tối, ngày nghỉ phải đi học thêm. Gặp cô giáo chủ nhiệm tôi hỏi và được cô trả lời ngay: “Ðúng anh ạ, chơi là nhu cầu hết sức cần thiết của trẻ, việc học của bé là trách nhiệm của chúng em”.

Tôi ra thăm khi cháu học được 3 tháng, tôi lại bất ngờ khi thấy nó cầm tờ Thanh niên đọc khá trôi chảy, phát âm rất chuẩn cả những âm khó như tr, ch, s, x… Tôi còn nhớ, gần 40 năm trước, trong nước tranh luận khá ồn ào việc chương trình thực nghiệm đưa các khái niệm về tập hợp vào toán lớp 1.

Những khái niệm này, khi ấy chỉ được học ở lớp 12 còn với hệ 10 năm thì phải lên đại học mới nghe đến. Gần cuối năm lớp 1, tôi thử kiểm tra khả năng giải toán của cháu, cháu trả lời rất nhanh: 3 + 4 ?  = 7; 6 - 3 ? = 3; 8 - 2 ? = 6… Tôi thử hỏi “móc họng”: 5 - 7 bằng mấy? Cháu trả lời ngay: Không trừ được ba ạ. Tôi hỏi tiếp 1 câu, nghĩ rằng cháu sẽ khó trả lời: Tại sao không trừ được? Dạ, vì cái bộ phận không thể trừ cho cái toàn thể.

Tôi đã thật sự “choáng” vì nghĩ rằng cháu sẽ rối rắm với  “số trừ”, “số bị trừ” như tôi hồi bé. Ai dè, cháu lại “tư duy” như  thế. Cháu lại còn “giảng giải” thêm cho tôi rằng phép cộng là gộp các bộ phận thành toàn thể; phép trừ là lấy toàn thể bỏ bớt đi các bộ phận để còn 1 bộ phận. Hiện nay, cháu học lớp 5, lớp 3 và 4 cháu không học thực nghiệm nữa nhưng cách phân tích bài toán trên cơ sở toàn thể và bộ phận học từ lớp 1 vẫn đang giúp cháu giải các bài toán có lời văn nhanh và đúng.

Qua những thông tin vừa dẫn ở trên, có thể nói, tài liệu công nghệ giáo dục không phải toàn bích, tức vẫn cần có điều chỉnh. Song, việc vin vào mấy chữ c, k, q để dè bỉu, “ném đá” không phải là cách đóng góp trên tinh thần xây dựng; và điều quan trọng là, những hạn chế của tài liệu công nghệ giáo dục không phải quá nghiêm trọng, không thay đổi Tiếng Việt như nhiều người suy diễn ác ý.

Với sự nhiễu loạn, “khúc xạ” thông tin, một vấn đề không có gì quá to tát đã bị đẩy đi xa quá mức cần thiết. Hiện nay, một số người thiếu thiện chí đang kêu gào, đòi đốt sách và cấm học sinh đến trường. Ðừng để quá mù ra mưa.

VIỆT ÐÔNG - DUY NHÃ

“Không có một tài liệu hay sách giáo khoa nào hoàn hảo. Sách công nghệ giáo dục không phải không có hạn chế, nhưng những hạn chế ấy lại không phải là nội dung đang được bàn tán trên mạng xã hội. Về các ô vuông, hình tam giác trong tài liệu mà dân mạng xã hội đang chế giễu, thực ra đó chính là mô hình hoá- một phương pháp dạy học mà những người không có chuyên môn thì không biết” (Một giảng viên, xin phép không nêu tên).
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục