Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ðừng kỳ thị, xa lánh F0
Thứ tư: 00:36 ngày 22/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Do mức độ nguy hiểm và lây lan nhanh của dịch bệnh, không ít bệnh nhân được điều trị khỏi vẫn bị cộng đồng xa lánh, kỳ thị. Ðiều này gây tâm lý lo sợ cho những người không may trở thành F0 hoặc có tiếp xúc gần với F0, dẫn đến việc giấu giếm, che đậy, không dám khai bệnh, không dám xét nghiệm, nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Người nhiễm Covid-19 rất căng thẳng, hoang mang, mặc cảm, sợ hãi .

Thời gian qua, ngành Y tế rất nỗ lực trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, đã có hàng ngàn người mắc Covid-19 (F0) được điều trị khỏi, về địa phương chấp hành nghiêm việc cách ly theo quy định.

Tuy nhiên, do mức độ nguy hiểm và lây lan nhanh của dịch bệnh, không ít bệnh nhân được điều trị khỏi vẫn bị cộng đồng xa lánh, kỳ thị. Ðiều này gây tâm lý lo sợ cho những người không may trở thành F0 hoặc có tiếp xúc gần với F0, dẫn đến việc giấu giếm, che đậy, không dám khai bệnh, không dám xét nghiệm, nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Ai cũng có thể là F0

Bà N.T.T- 52 tuổi, ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh chia sẻ, cuối tháng 7.2021, sau đợt xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, bà có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được đưa đi cách ly điều trị tại một bệnh viện dã chiến.

Các thành viên trong gia đình và một số người có tiếp xúc gần được đưa đi cách ly tập trung tại khu cách ly Trường THPT Hoàng Lê Kha (cũ). Sau 19 ngày điều trị, bà xuất viện, tiếp tục cách ly 14 ngày theo quy định. Dù đã xét nghiệm 3 lần và cho kết quả âm tính, bà T vẫn không dám ra khỏi nhà, kể cả đi chợ vì sợ nhiều người không dám tiếp xúc với bà.

“Thời gian đầu, hàng xóm láng giềng bàn tán về gia đình tôi rất nhiều, họ e ngại mỗi khi đi ngang nhà, điều đó làm tôi rất buồn. Nhưng đến nay, khi biết chúng tôi đã hết thời gian cách ly, hàng xóm có thăm hỏi sức khoẻ, tôi đã tự tin đi ra ngoài”- bà T cho biết.

Theo bà N.T.T, bất kỳ ai cũng có thể nhiễm Covid-19. Khi mắc bệnh, bệnh nhân luôn trong tâm trạng hoang mang, lo sợ. “Hãy ủng hộ gia đình, bạn bè, những người hàng xóm của mình và những người chiến sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 khi họ trở thành F0. Vì như thế sẽ giúp họ có thêm động lực chống chọi với bệnh tật. Liều thuốc tinh thần đôi khi còn hiệu nghiệm hơn cả những viên thuốc uống”- bà N.T.T nói.

Anh T.T.P kể lại những ngày được điều trị Covid-19 tại bệnh viện dã chiến.

Chị Phạm T.K.Y- 45 tuổi, ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành kể lại, trong đợt tổng xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, đứa con trai nhỏ của chị bị nhiễm Covid-19, cả gia đình 4 người đều là F1 nên được đưa đi cách ly tập trung.

Chồng chị xin theo để chăm sóc cho con trong bệnh viện dã chiến ở Hoà Thành. Sau thời gian cách ly điều trị, nhận giấy xét nghiệm âm tính và được trở về theo dõi sức khoẻ tại nhà, tâm lý gia đình chị dần ổn định.

“Ban đầu chúng tôi lo sợ bị mọi người kỳ thị, hàng xóm xa lánh. Nhưng ngược lại, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn khi nhận nhiều lời động viên, chia sẻ. Các con tôi tiếp tục việc học, trò chuyện với bạn bè; tôi và chồng tôi trở lại công việc bình thường”- chị K.Y nói.

Tương tự, anh T.T.P- 28 tuổi, ngụ phường 2, thành phố Tây Ninh cho biết, cả gia đình 3 người đều nhiễm Covid-19, xóm bị phong toả tạm thời, cảm giác anh lúc đó rất khó tả, sợ sự dò xét, nghi ngại của mọi người.

Hết bệnh trở về nhà, dù phải tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà, nhưng hàng xóm không ai xa lánh gia đình tôi, mà còn giúp đi chợ, rồi cho gạo, mì gói, rau, thịt, cá… “Tinh thần rất quan trọng. Không ai biết mình bị nhiễm Covid-19 lúc nào, vì vậy không nên kỳ thị, xa lánh F0. Còn F0 phải lạc quan, tự tin để chiến đấu, vượt qua bệnh tật”- anh T.P nói.

Anh T.P chia sẻ thêm: “Trong khi chưa có đủ vaccine để phòng ngừa, mỗi người cần hạn chế tiếp xúc và cẩn trọng bảo vệ mình là hoàn toàn bình thường. Nhưng nỗi lo của người bị nhiễm là thái độ kỳ thị của một số người, chính điều này đã tạo tâm lý hoang mang, căng thẳng không cần thiết”.

Bà N.T.T (bên phải) được hàng xóm thăm hỏi sau khi khỏi bệnh.

“F0” không phải… tội đồ

Tính đến nay, Tây Ninh có gần 6.500 trường hợp nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi. Ðây là sự nỗ lực của ngành Y tế tỉnh nhà trong suốt thời gian qua. Theo quy định của Bộ Y tế, người bệnh Covid-19 được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế hoặc tự cách ly, điều trị tại nhà nếu không có triệu chứng.

Người bệnh được các cơ sở y tế xét nghiệm nhiều lần cho kết quả âm tính, sau khi xuất viện tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà trong 14 ngày, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho mình và người thân.

Bác sĩ Nguyễn Thái Bình- Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh, phụ trách Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 2 cho biết: “F0 không thể gọi là nguy hiểm. Vì vậy, chúng ta không nên kỳ thị, sợ lây nhiễm bệnh Covid-19 từ F0 đã khỏi bệnh”.

Theo bác sĩ Bình, các trường hợp F0 được điều trị khỏi bệnh có nồng độ kháng thể nhất định, có thể miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2. Do đó, nguy cơ tái nhiễm của họ không cao, ít nhất là trong vòng 6 tháng sau khi khỏi bệnh.

Bác sĩ Bình cho biết thêm: “Người nhiễm virus SARS-CoV-2 phải chiến đấu chống lại Covid-19 trong thời gian dài, nên rất dễ căng thẳng, hoang mang, mặc cảm, sợ hãi bị kỳ thị. Chúng ta không nên tạo sự xa lánh không cần thiết”.

Tâm Giang - Ngọc Bích

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục