Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ðường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Ninh sắp được khởi công 

Cập nhật ngày: 16/11/2023 - 22:47

BTN - Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông tỉnh, dự kiến ngày 18.11, dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hoà sẽ được khởi công tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương

Nút giao thông cầu vượt đường Hồ Chí Minh đoạn qua quốc lộ 22 (thuộc địa bàn xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu và phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh).

Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hoà được Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, dự án có tổng chiều dài khoảng 72,75km (không bao gồm cầu vượt và nút giao với quốc lộ 22 đã được đầu tư giai đoạn trước), đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, và Long An.

Điểm đầu tại km 10+000 thuộc xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đến điểm cuối tại km82+750 giao với quốc lộ N2 (nay là đường Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ), thuộc huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường hơn 12m; bề rộng mặt đường hơn 11m. Giai đoạn hoàn chỉnh dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường hơn 32m. Tổng mức đầu tư dự án gần 2.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Dự án này được triển khai vào năm 2009, tuy nhiên đến năm 2011, dự án bị hoãn thi công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 24.2.2011) của Chính phủ và Chỉ thị số 1792/CT-TTG ngày 15.10.2011 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội.

Việc tái khởi động dự án góp phần từng bước nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), thực hiện việc phân kỳ đầu tư một cách khoa học, khả thi và kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh với quy mô 2 làn xe theo chỉ đạo của Quốc hội; từng bước nâng cấp đoạn Chơn Thành - Đức Hoà theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư, góp phần chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông với các trục dọc vùng Đông Nam bộ, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương khu vực tuyến đi qua nói riêng và vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên nói chung.

Minh Dương