Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Du khách thường kết hợp đi xe ngựa và ngồi xuồng chèo trên sông theo tour du lịch Hương Dừa, được tham quan một cơ sở làm kẹo dừa, được phục vụ ít trái cây, bánh kẹo và thưởng thức đờn ca tài tử...
Lộc cộc, lộc cộc... Tiếng móng ngựa gõ trên đường đã lâu lắm không còn nghe nữa. Tưởng như đã mất hẳn thanh âm đặc biệt này và những chuyến xe ngựa chở khách, chở hàng bông từ ngoại ô vào Sài Gòn chỉ còn trong ký ức. Vậy mà hôm rồi về Bến Tre cùng nhóm bạn, lại được nghe tiếng xe ngựa lộc cộc như ngày xưa...
Xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre chỉ cách thành phố hơn chục cây số. Nơi đây từ xưa nổi tiếng là “thủ phủ xe ngựa” với cả trăm con tấp nập gõ móng trên đường làng chở khách, chở hàng ra vào thị xã. Nhưng từ khi đường sá mở ra, xe ngựa dần dần biến mất.
Từ năm 2002, nhằm mở rộng các loại hình du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, Bến Tre mở lại đường xe ngựa ở hai xã Tân Thạch và Quới Thiện thuộc huyện Châu Thành.
Buổi chiều đến bến xe ngựa, có thể thấy hàng chục con ngựa đang đứng chờ. Mỗi ngày ở đây có đến 40 xe ngựa luân phiên chở khách, giá tour tùy theo lộ trình ngắn dài.
Du khách thường kết hợp đi xe ngựa và ngồi xuồng chèo trên sông theo tour du lịch Hương Dừa mới mở ra vài năm nay.
Mỗi chiếc xe ngựa chở từ bốn đến năm người (người Việt), từ ba đến bốn người (người nước ngoài). Cô gái cầm cương cho biết ngựa đa số được mua từ Campuchia về, một số phối giống tại chỗ rồi nuôi lớn.
Nhìn mấy chiếc xe ngựa chạy trên đường, thấy hầu hết là phụ nữ cầm cương. Hỏi ra mới biết ở đây có cả một đội thôn nữ hàng mấy chục cô theo nghề này từ truyền thống gia đình. Có nhà đã sáu đời theo nghề.
Rõ ràng những chuyến xe ngựa trên đường làng Tân Thạch gõ nhịp từ lâu lắm. Và hình ảnh những cô gái trẻ trung, duyên dáng cầm cương ngựa, miệng cười tươi trong câu chuyện với khách đúng là thú vị.
Xe chạy lắc lư, ngựa đi nước kiệu lộp cộp trên đường gợi nhớ những chuyến xe ngựa năm nào từ ngoại thành chở hàng bông, chở khách vào Sài Gòn mấy buổi hừng đông khiến khách cảm xúc chợt dâng trào.
Chỉ tiếc đoạn đường ngắn quá, với 25.000 đồng/người, chỉ khoảng hai cây số là xe dừng. Khách sẽ được đưa vào khu du lịch tham quan một cơ sở làm kẹo dừa, được phục vụ ít trái cây, bánh kẹo và thưởng thức đờn ca tài tử trước khi xuống xuồng đi một đoạn trên con rạch xanh um những vòm lá dừa nước trước khi ra tàu lớn về lại nơi xuất phát.
Tour du lịch “Hương dừa” hiện nay bắt đầu hút khách, mấy cô đánh xe ngựa và chèo xuồng cho biết họ được mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng. Doanh thu từ 40 xe ngựa và 20 xuồng chèo đều gộp chung vào rồi chia ra để trả lương.
Một cô lái xe ngựa tâm sự: “Tụi em không có gì làm vì nhà không ruộng đất, tập chạy xe ngựa để kiếm thêm thu nhập”. Cô cho biết lúc đầu chưa quen cũng bầm giập lắm, nhưng dần dần ngựa quen với chủ, không dở chứng nữa.
Nuôi ngựa cũng dễ, mỗi con ngựa chưa thuần hóa có giá khoảng 15 triệu đồng, ngựa được huấn luyện rồi phải từ 20 triệu đồng trở lên. Ngựa ngoài bệnh sình bụng giống như dê ra thì hiếm khi có bệnh gì khác.
Rời khỏi bến xe ngựa Tân Thạch cùng vài món đặc sản xứ dừa, lòng vẫn đầy cảm xúc. Thật bâng khuâng làm sao khi tiếng vó ngựa hàng trăm năm xưa giờ sống lại trên đường quê thơ mộng.
Và chẳng ý nghĩa lắm sao khi du khách đến Bến Tre sẽ có dịp được đắm mình trong tiếng lộp cộp trên “mã lộ” có lẽ chỉ còn sót lại nơi này?
Theo dulich.tuoitre.vn